(Baothanhhoa.vn) - Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Hà Trung đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, tạo thêm thế và lực mới thúc đẩy Hà Trung phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Hà Trung - dấu ấn một nhiệm kỳ

Bài 2: Bước chuyển trong thực hiện các chương trình trọng tâm

Bài 2: Bước chuyển trong thực hiện các chương trình trọng tâm

Mô hình kinh tế trang trại cho hiệu quả kinh tế cao của hộ gia đình anh Hoàng Đình Tú, thôn Thọ Lộc (xã Hà Lĩnh).

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Hà Trung đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, tạo thêm thế và lực mới thúc đẩy Hà Trung phát triển.

Đổi thay từ chương trình trọng tâm

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra, Huyện ủy Hà Trung đã xác định 4 chương trình trọng tâm cần thực hiện, đó là: Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM); phát triển đô thị; phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với du lịch và phát triển nguồn nhân lực. Ngay sau đại hội, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã khẩn trương thể chế hóa nghị quyết của đại hội thành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của từng ngành, từng địa phương, đơn vị với những mục tiêu, bước đi, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện rõ ràng, phù hợp.

Có dịp về thăm thôn Bái Sơn (xã Hà Tiến) hôm nay, dễ dàng nhận thấy những đổi thay rõ rệt của một khu dân cư kiểu mẫu. Những năm qua, sự nỗ lực, cố gắng, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và người dân xã Hà Tiến nói chung, thôn Bái Sơn nói riêng trong XDNTM, xây dựng thôn kiểu mẫu đã được các cấp, các ngành biểu dương, ghi nhận. Năm 2018, thôn Bái Sơn đã được công nhận thôn kiểu mẫu; được tỉnh lựa chọn là 1 trong 3 thôn làm thí điểm XDNTM kiểu mẫu và là đơn vị điểm về khu dân cư kiểu mẫu của huyện để các địa phương tham khảo, học tập.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tạ Thị Làn, Bí thư Đảng ủy xã Hà Tiến, cho biết: Từ một xã có xuất phát điểm thấp, đến nay Hà Tiến đã được “thay da đổi thịt” nhờ vào những đột phá trong XDNTM, trong đó có sự chung tay, góp sức đáng kể của Nhân dân. Các tuyến đường giao thông được mở rộng, bê tông hóa; công sở, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà cửa khu dân cư được chỉnh trang, xây dựng khang trang... với sự tự nguyện đóng góp của người dân lên tới hơn 90 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động... Xã đã chuyển đổi hơn 20 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản; triển khai mô hình trồng cây cà gai leo trên diện tích 3 ha tại thôn Bái Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của nông dân sang tư duy sản xuất hàng hóa. Năm 2018, xã Hà Tiến đã “cán đích” xã NTM. Đây là minh chứng thuyết phục nhất đối với Nhân dân cũng như đội ngũ cán bộ địa phương về tinh thần, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để từ một xã khó bứt phá, vươn lên trong XDNTM.

Về xã Hà Lĩnh - địa phương được coi là mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp của huyện Hà Trung nhờ chủ trương dồn ghép ruộng đất, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và thực hiện cơ cấu lại cây trồng phù hợp. Nhờ vậy, đều đặn, mỗi năm 3 vụ, các cánh đồng luôn rợp màu xanh của cây lúa, khoai tây, ngô, đến dưa chuột, rau màu và đủ loại cây ăn quả... Xác định, phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung quan trọng, mang tính ổn định bền vững, xã đã xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, quy tụ ruộng đất hình thành được những mô hình sản xuất tập trung, bền vững như: Chuyển đổi 38 ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; xây dựng mô hình sản xuất cá – lúa trên đất 1 vụ lúa chiêm với diện tích 350 ha, mở rộng vùng sản xuất lúa nếp hạt cau đặc sản của địa phương cho giá trị cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa thường trên diện tích 120 ha, vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao 208 ha, 3 mô hình chuỗi sản xuất, 140 ha vùng sản xuất 1 lúa 2 màu, 90 ha dưa chuột, 360 ha nuôi trồng thủy sản... Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, đời sống người dân trong xã ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng qua các năm, ước đạt 48 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%... Xã đang nỗ lực hoàn thành xã NTM nâng cao trong năm 2020.

Hà Tiến, Hà Lĩnh chỉ là 2 trong 15 xã trên địa bàn huyện Hà Trung đã xây dựng lộ trình, lựa chọn những giải pháp phù hợp với thực tiễn để thực hiện chương trình trọng tâm mà huyện đã đề ra. Sau 5 năm thực hiện các chương trình trọng tâm đã để lại nhiều điểm nhấn, dấu ấn quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng xã, góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Nhân lên những điển hình mới

Những thành quả đạt được trong thực hiện các chương trình trọng tâm không thể không kể đến những mô hình áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và sự năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó của những người dân Hà Trung đầy tâm huyết, bắt “đất cằn nở hoa”.

Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng tốt để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ của gia đình, đầu năm 2019, chị Nguyễn Thùy Linh, xã Hà Đông đã mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy ép lạc tự động, nồi hơi để thực hiện quy trình sản xuất dầu lạc chất lượng cao – mang tên dầu lạc Linh Phương. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của chị Linh ép từ 1.500 đến 1.800 lít dầu, doanh thu trung bình mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng. Để khẳng định về chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chị Linh đã hoàn thiện các thủ tục giấy tờ, nhãn mác, bao bì, tem mã vạch để xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. Năm 2019, sản phẩm dầu lạc Linh Phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đánh giá sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao... Thành công từ mô hình không chỉ giúp gia đình chị Linh thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương mà còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của bà con trong tiêu dùng.

Nhằm phát huy lợi thế của các xã vùng đồi, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã đầu tư hàng tỷ đồng để phát triển trang trại, gia trại tổng hợp. Mô hình nuôi gà của gia đình anh Hoàng Văn Tú, ở thôn Thọ Lộc, xã Hà Lĩnh là một điển hình. Anh Tú cho biết: Qua kinh nghiệm thực tế sau những năm tháng làm việc ở các nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội, năm 2015 anh quyết định trở về quê hương đầu tư xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi gà. Từ 200 con gà thịt lúc ban đầu, đến nay, trang trại nhà anh Tú đã mở rộng quy mô lên 1 vạn con, với số vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Theo tính toán của anh Tú, hiện tại với 7.000 con gà đẻ, từ tiền bán trứng, mỗi tháng sau khi trừ chi phí anh cũng có nguồn thu khoảng 100 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng.

Đánh giá về hiệu quả của các chương trình trọng tâm đạt được trong nhiệm kỳ, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Lê Thanh Hải, cho biết: Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Hà Trung đã có những giải pháp rất cụ thể để thực hiện các chương trình trọng tâm, như trong sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với việc tích tụ đất đai, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa giống cây, con có giá trị cao, chất lượng tốt vào nuôi trồng ở tất cả các địa phương trong huyện. Do vậy đến nay Hà Trung đã chuyển đổi được 1.044,7 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với cơ giới hóa sản xuất, đạt năng suất trên 100 triệu đồng/ha, gấp 2 - 3 lần so với cấy lúa trước kia. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chú trọng triển khai thực hiện. Năm 2019 huyện đã có 3 sản phẩm (mắm tép Hà Yên, nếp cái Hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang của xã Hà Long; dầu lạc nguyên chất tại xã Hà Đông) được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá hạng 3 sao... Chương trình XDNTM được triển khai đồng bộ và đạt kết quả quan trọng. Ước đến hết năm 2020, bình quân toàn huyện đạt 18 tiêu chí/xã, có 110/137 thôn đạt chuẩn NTM, 15/19 xã đạt chuẩn NTM, đạt 79% tổng số xã, vượt chỉ tiêu đại hội đề ra.

Chương trình phát triển đô thị đạt kết quả tích cực, bằng sự chỉ đạo quyết liệt cùng những cơ chế, chính sách cụ thể, các quy hoạch lớn phục vụ cho phát triển đô thị được tập trung thực hiện. Đến nay, thị trấn Hà Trung, trung tâm xã Hà Long đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V, hạ tầng đang được tích cực đầu tư xây dựng. Các tụ điểm kinh tế như Gũ (xã Lĩnh Toại), Cừ (xã Yên Dương) được đầu tư phát triển mạnh, các yếu tố tạo thị hình thành rõ nét hơn.

Công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm. Huyện đã trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hóa với tổng số vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa là trên 50 tỷ đồng. Các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống được phục dựng và duy trì. Từ năm 2015 đến nay, có thêm 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích: Đền Hàn Sơn, Cô Bơ, đền Trần được công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Công tác tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch luôn được quan tâm; hằng năm đón gần 250 nghìn lượt khách về tham quan, chiêm bái trên địa bàn huyện.

Chương trình phát triển nguồn nhân lực được chú trọng. Hiện 100% cán bộ, công chức cấp huyện đạt chuẩn bồi dưỡng ngạch chuyên viên; có 470/476 cán bộ, công chức xã đạt chuẩn về chuyên môn, đạt 98,7%, trong đó trên chuẩn chiếm 66,4%; có 434 cán bộ, công chức đạt chuẩn về lý luận chính trị, đạt 91,2%. Các cơ sở đào tạo nghề của huyện đã mở được 35 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 1.650 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 76%, vượt chỉ tiêu đại hội.

Có thể khẳng định, sự thành công trong thực hiện chương trình trọng tâm là kinh nghiệm quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện tiếp tục đoàn kết, lựa chọn hướng đi phù hợp để vừa phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Phan Nga

Bài cuối: Vững tin bước vào nhiệm kỳ mới.


Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]