(Baothanhhoa.vn) - Trong chuyến công tác ở vùng cao Mường Lát, trên mảnh đất Pù Nhi, chúng tôi gặp được ông Hơ Văn Va (sinh năm 1962, dân tộc Mông) - một cán bộ kiểm lâm có công lớn trong việc tuyên truyền, vận động phủ xanh đất trống, đồi núi trọc cho đồng bào dân tộc nơi đây. Hiện ông còn là chủ nhân của những cánh rừng trị giá hàng tỉ đồng của vùng đất nghèo này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người giữ màu xanh cho đồng bào dân tộc

Trong chuyến công tác ở vùng cao Mường Lát, trên mảnh đất Pù Nhi, chúng tôi gặp được ông Hơ Văn Va (sinh năm 1962, dân tộc Mông) - một cán bộ kiểm lâm có công lớn trong việc tuyên truyền, vận động phủ xanh đất trống, đồi núi trọc cho đồng bào dân tộc nơi đây. Hiện ông còn là chủ nhân của những cánh rừng trị giá hàng tỉ đồng của vùng đất nghèo này.

Người giữ màu xanh cho đồng bào dân tộc

Ông Hơ Văn Va đang hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở bản Cá Tớp, xã Pù Nhi, ông Hơ Văn Va hiểu hơn ai hết cảnh vất vả, cơ cực của bà con quê mình. Ngay từ nhỏ, ông đã phải theo cha mẹ đi hết nơi này đến nơi khác, sống cuộc sống du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy. Bởi vậy, ông luôn trăn trở: Làm thế nào để xóa bỏ được những tập quán canh tác lâu đời, lạc hậu của những con người trên vùng đất nghèo này? Làm thế nào để giúp bà con thoát khỏi cái đói, cái nghèo?... Muốn làm được điều đó, chẳng còn con đường nào khác là phải học.

“Ngày ấy, đời sống bà con hết sức khó khăn, nhiều con đường còn chưa rõ lối... nên số người đi học ở địa phương này chỉ tính trên đầu ngón tay. Đặc biệt, với đồng bào dân tộc Mông, họ xem việc học như một “hiện tượng lạ”. Ban đầu, tôi cũng bị bố mẹ phản đối kịch liệt, hàng xóm cũng bàn ra, tán vào bởi cái chữ nó không làm mình no bụng được” - ông Va nhớ lại.

Nhưng những khó khăn ấy không ngăn cản được bước chân của cậu học trò nghèo. Hàng ngày, cậu vẫn trèo đèo, lội suối, lấy rau rừng thay cơm để đến lớp. Bằng quyết tâm của mình, cuối cùng ông cũng tốt nghiệp Trường Trung cấp Lâm nghiệp Thanh Hóa.

Sau khi tốt nghiệp (năm 1995), ông Hơ Văn Va được nhận công tác tại Hạt Kiểm lâm Quan Hóa (lúc đó chưa có huyện Mường lát). Đến năm 1996, tỉnh Thanh Hóa chia tách huyện Quan Hóa thành 2 huyện: Quan Hóa và Mường Lát thì ông thuộc quân số của Hạt Kiểm lâm Mường Lát đến bây giờ.

Vốn là người dân tộc thiểu số, dù đã được đào tạo qua trường lớp nhưng khi bắt tay vào công việc ông gặp phải không ít khó khăn. Nhưng bằng lòng yêu nghề, cùng với bản tính cần cù, sáng tạo và mong muốn làm một điều gì đó để thay đổi diện mạo quê hương nên trong quá trình công tác ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó. Đặc biệt là việc bám dân, bám bản để tuyên truyền, vận động bà con người Mông ổn canh, ổn cư, tích cực tham gia bảo vệ, trồng rừng, phát triển kinh tế.

Nhớ đến những ngày tháng gian khổ ấy, ông Hơ Văn Va chia sẻ: Vợ chồng ông sinh được 5 người con, cả 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào ít lúa, ngô, khoai, sắn... trồng được trên nương rẫy, cộng với số tiền lương công chức ít ỏi của ông nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm không để cái đói, cái nghèo đánh gục, ông đã động viên vợ con mở rộng đầu tư chăn nuôi, trồng rừng... để tăng thu nhập.

Năm 2008, khi tình trạng đốt nương làm rẫy còn phổ biến trong đồng bào người Mông. Dù chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước như bây giờ, nhưng ông Va vẫn lặn lội sang Lào tìm những giống cây phù hợp với đất rừng của mình, rồi tự bỏ tiền mua để mang về trồng.

Ban đầu ông chỉ trồng vài ha, nhưng sau khi Đảng, Nhà nước ban hành những chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất tại các huyện nghèo, diện tích rừng trồng của gia đình ông ngày càng được mở rộng. Đến nay, 22 ha đất rừng nhận khoán của gia đình ông Hơ Văn Va đã được phủ xanh bằng các cây gỗ lớn như tếch, xoan..., trong đó, có những diện tích đã có thể cho thu hoạch. “Toàn bộ diện tích rừng của gia đình tôi đang sinh trưởng và phát triển tốt, rừng tếch của gia đình đã có người hỏi mua với giá rất cao nhưng tôi chưa muốn bán”, ông Va cho biết.

Bên cạnh đó, gia đình ông còn chăn nuôi: Bò, dê, lợn, gà... nhờ đó mà kinh tế gia đình dần dần ổn định, các con ông cũng được học hành.

Điều lớn hơn giá trị tiền bạc mà cán bộ kiểm lâm Hơ Văn Va làm được chính là: Từ những cánh rừng trồng đầu tiên của ông, đồng bào Mông ở đây đã bắt đầu nhận thấy lợi ích của việc trồng rừng. Cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức quốc tế, có sự tham gia của đồng bào, việc trồng rừng ngày càng thuận lợi hơn. Mỗi năm, trên địa bàn do ông Hơ Văn Va phụ trách, luôn có vài trăm ha rừng được trồng mới. Mô hình trồng rừng của gia đình ông còn lan tỏa ra nhiều địa bàn khác.

Ông Va nói: “Để thay đổi được những tập tục vốn ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây cực kỳ khó. Vì vậy, muốn được người dân tin tưởng, mình phải làm trước. Từ đó, khi thấy được những giá trị kinh tế của việc trồng rừng đem lại, họ sẽ làm theo và từ bỏ dần những tập tục lạc hậu xưa kia...”.

Hơn 20 năm lăn lộn với nghề, bằng tinh thần, trách nhiệm ông Hơ Văn Va đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào người Mông ở xã Pù Nhi không phá rừng làm nương rẫy, tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, địa bàn huyện Mường Lát đã trồng được trên 15.000 ha rừng, riêng địa bàn xã Pù Nhi hơn 1.000 ha, nâng độ che phủ rừng lên trên 70%. Từ việc trồng rừng, kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng nhiều hộ gia đình nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.

Chia tay vùng đất Pù Nhi, dõi theo chúng tôi là những nụ cười rạng rỡ. Tôi tin, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc và chính họ là người phủ xanh những quả đồi trọc còn lại trên mảnh đất vùng cao này.

Bài và ảnh: Hoài Thu


Bài Và Ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]