(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh giải chuyên nghiệp quốc gia chỉ còn chừng hơn chục ngày nữa sẽ khai mạc, ban tổ chức bất ngờ hồ hởi thông báo với người hâm mộ, đại ý: Đã tìm được “mạnh thường quân” mới, và điều kiện đi kèm đương nhiên vẫn là phải đổi tên giải đấu theo thương hiệu nhà tài trợ. Điều này có nghĩa mùa bóng 2019, V.League sẽ có tên mới là Wake - Up 247 V.League 1. Những thay đổi như thế hẳn không bất ngờ đối với khán giả cả nước nhưng vẫn để lại không ít băn khoăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

V.League lại “đổi tên”: Giải pháp không thể khác của “con nhà nghèo”!

Trong bối cảnh giải chuyên nghiệp quốc gia chỉ còn chừng hơn chục ngày nữa sẽ khai mạc, ban tổ chức bất ngờ hồ hởi thông báo với người hâm mộ, đại ý: Đã tìm được “mạnh thường quân” mới, và điều kiện đi kèm đương nhiên vẫn là phải đổi tên giải đấu theo thương hiệu nhà tài trợ. Điều này có nghĩa mùa bóng 2019, V.League sẽ có tên mới là Wake - Up 247 V.League 1. Những thay đổi như thế hẳn không bất ngờ đối với khán giả cả nước nhưng vẫn để lại không ít băn khoăn.

V.League lại “đổi tên”: Giải pháp không thể khác của “con nhà nghèo”!

Không bất ngờ bởi chuyện V.League phải đổi tên diễn ra như cơm bữa. Kể từ khi “khoác áo chuyên” đến nay, giải đấu của chúng ta đã phải “núp bóng” 10 thương hiệu, lần lượt là Strata (mùa giải 2000-2002), Sting (2003), Kinh Đô (2004), Number One (2005), Euro Window (2006), Petro Gas (2007-2010), Eximbank (2011-2014), Toyota (2015-2017) và Nuti Cafe (2018). Điều này không khó lý giải bởi khi doanh nghiệp “hà hơi tiếp sức”, họ đều muốn thương hiệu của mình phải... đập vào mắt thiên hạ. Trong tâm thế “chạy ăn từng giải toát mồ hôi”, ban tổ chức không có sự lựa chọn nào khác là... chiều theo nhà tài trợ.

Ở cấp độ câu lạc bộ, chuyện “gắn đuôi” nhà tài trợ cũng rất phổ biến. Thậm chí cách đây hơn chục năm, V.League còn ghi nhận hiện tượng một đội bóng phải “cõng” tới 2 thương hiệu trên lưng (trường hợp LG Hà Nội ACB). Còn ở TP Thanh Hóa, mùa bóng 2008, đội bóng bên bờ sông Mã đã lần lượt gắn tên với 2 doanh nghiệp chỉ trong 26 vòng đấu. Xét cho cùng, đấy là giải pháp không thể khác của “con nhà nghèo”.

Thêm nữa, dù V.League “thay áo”, “đổi tên” nhưng tính chất giải đấu vẫn giữ nguyên thể thức thi đấu, số lượng đội bóng, tiền thưởng, suất thăng - giáng hạng, các giải thưởng cá nhân... và đây có lẽ là an ủi duy nhất với ban tổ chức.

Hiểu và thông cảm cho cái khó của những nhà làm giải nhưng không có nghĩa khán giả không băn khoăn, chạnh lòng khi giải đấu cao nhất quốc nội cứ phải liên tục “ăn đong”, “chạy theo” doanh nghiệp. Lấy dẫn chứng từ những sân chơi hàng đầu “cựu lục địa” như Premier League (nước Anh), Liga (Tây Ban Nha) hay Seria (Italia), Bundesliga (Đức)... có tuổi đời lên tới mấy chục năm và đồng hành với những giải đấu này là vô số nhà tài trợ nhưng chưa có nhãn hiệu nào có thể xuất hiện ngang hàng hay đứng trước tên gọi, bất kể giá trị “gói tài trợ” lớn đến đâu.

Nghịch lý này không khó lý giải bởi ai cũng biết, so với thiên hạ, V.League thua xa về tầm ảnh hưởng cũng như sức hút. Nếu như với Premier League, Liga, Seria, Bundesliga... các thương hiệu phải “xếp hàng” để được tài trợ thì hầu như năm nào V.League cũng “đỏ mắt” tìm doanh nghiệp “chống lưng”. Mùa giải 2017, khi hợp đồng với Toyota đáo hạn, người đứng đầu Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lúc ấy là ông Võ Quốc Thắng đã phải đích thân gặp mặt, đề nghị đối tác “nghĩ lại” song câu trả lời chỉ là cái lắc đầu rất lạnh lùng, dứt khoát của nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới này.

Nói cách khác, để V.League có thể “hiên ngang” đứng 1 mình, giải pháp duy nhất là phải nâng tầm giải đấu. Khi sân chơi quốc nội trở thành một “thương hiệu” mạnh, chúng ta mới chấm dứt được thực trạng thay tên đổi họ “xoành xoạch” như hiện nay.

Mà viễn cảnh đó xem ra còn ở thời “tương lai hoàn thành” trong tiếng Anh!

Mạnh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]