(Baothanhhoa.vn) - Thông tin doanh nghiệp “chống lưng” cho Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) gửi công văn đến lãnh đạo thành phố, công khai ý định “giải thể đội bóng” nếu “trong 30 ngày tới (tính từ thời điểm văn bản gửi đi) không nhận được hỗ trợ” (tài chính) đã và đang là câu chuyện “nóng hổi” của làng cầu quốc nội những ngày qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thêm một “con tin” ở V.League

Thông tin doanh nghiệp “chống lưng” cho Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) gửi công văn đến lãnh đạo thành phố, công khai ý định “giải thể đội bóng” nếu “trong 30 ngày tới (tính từ thời điểm văn bản gửi đi) không nhận được hỗ trợ” (tài chính) đã và đang là câu chuyện “nóng hổi” của làng cầu quốc nội những ngày qua.

Về đại thể, sự kiện một đội bóng ở xứ ta bị “rút ống thở” đã là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhất là trong bối cảnh kinh phí cho sân cỏ mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng thì không phải doanh nghiệp nào cũng trường vốn để có thể gắn bó lâu dài với sân chơi V.League. Hùng Vương An Giang, N.Sài Gòn, XT Sài Gòn... chỉ là những điển hình cho việc “bỗng dưng lăn đùng ra chết” do nhà tài trợ đột ngột bỏ bóng đá... chạy lấy người!

Chẳng riêng gì đội bóng đặt đại bản doanh tại sân Thống Nhất, ở thời điểm hiện tại, một đại diện chuyên nghiệp khác là CLB Nam Định cũng đang lâm vào cảnh “ăn bữa sáng lo bữa chiều”. “Cái khó” chẳng những “bó cái khôn” của người thành Nam trên thị trường chuyển nhượng mà còn được nhận định là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” khiến tân binh V.League 2018 đang lặn ngụp dưới đáy bảng xếp hạng.

Lần giở lịch sử V.League, không khó để nhận ra, kể từ khi chủ trương “doanh nghiệp hóa” bóng đá được áp dụng rộng rãi, khán giả đã nhiều lần chứng kiến ông chủ một doanh nghiệp hay thương hiệu nào đó đem chuyện “nuôi đội bóng” ra để mặc cả với lãnh đạo địa phương đòi lấy “lô đất vàng” này rồi “dự án” kia. Và giờ đây, sự tồn vong của đội bóng chuyên nghiệp (CLB TP HCM) lại được sử dụng như một dạng “con tin” để gây sức ép, đòi hỗ trợ.

Dĩ nhiên là CLB TP HCM không dễ “chết”, bằng chứng là ngay sau “tối hậu thư” của doanh nghiệp, bà Mae Mua - Giám đốc điều hành CLB đã chuyển tới người hâm mộ thông điệp, đại ý: Đội bóng là tài sản chung, là niềm tự hào của người dân mà đại diện là UBND TP HCM. Song song với thông điệp này, cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Nguyễn Hữu Thắng cũng được bổ nhiệm ngay lập tức vào vị trí Chủ tịch CLB như để khẳng định: Mọi thứ vẫn ổn, chưa có gì đáng lo!

Ở tầm vĩ mô, cách đây hơn nửa thập kỷ, những nhà làm giải đã bàn bạc và đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo sự bền vững cho V.League như tăng tiền thưởng (mùa giải năm ngoái, đội Quảng Nam FC nhận tới 3 tỷ đồng - kỷ lục cho chức vô địch sân chơi V.League), rồi hỗ trợ kinh phí cho các đội tham dự (thậm chí là rớt hạng cũng nhận “có quà”)... Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là những khoản tiền này chỉ để ban tổ chức chứng tỏ: Họ không vô trách nhiệm như mọi người nghĩ mà luôn quan tâm, chăm lo đến các đội bóng. Song về lâu dài, đó không phải “điều kiện cần” đề một đội bóng có thể “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

Tương tự như vậy, với CLB Bóng đá TP HCM nói chung, có thể sau văn bản của nhà tài trợ, họ sẽ được “hà hơi tiếp sức” bởi một “gói cứu trợ” bất chợt (từ lãnh đạo thành phố, hoặc từ một doanh nghiệp khác), nhưng đó có là giải pháp để tồn tại và phát triển bền vững? Hay thay vì “chết ngay lập tức”, họ sẽ “chết từ từ”?

Hỏi, tức là đã trả lời!


Mạnh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]