(Baothanhhoa.vn) - Có thể nói, thành tích của đội ngũ các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) Thanh Hóa đã đạt được trong năm 2018 vừa qua là đáng ghi nhận trong bối cảnh còn gặp không ít khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thể thao Thanh Hóa và những mục tiêu lớn trong năm 2019

Thể thao Thanh Hóa và những mục tiêu lớn trong năm 2019

Quách Thị Lan là niềm hy vọng hàng đầu của thể thao Thanh Hóa và thể thao Việt Nam trong năm 2019.

Có thể nói, thành tích của đội ngũ các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) Thanh Hóa đã đạt được trong năm 2018 vừa qua là đáng ghi nhận trong bối cảnh còn gặp không ít khó khăn.

Việc giữ vững vị trí thứ 4 toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII có thể xem là một cột mốc mới, thể hiện được bản lĩnh, sự trưởng thành của các VĐV Thanh Hóa dù gặp phải sự cạnh tranh rất quyết liệt từ các địa phương, đơn vị khác trên toàn quốc. Năm 2019 này, ở đấu trường quốc nội, dù không có sự kiện lớn tương tự như đại hội thể thao nhưng các giải vô địch quốc gia vẫn được xem là cuộc rà soát, đánh giá công tác huấn luyện, chuẩn bị của trên 20 bộ môn với gần 300 VĐV. Đây là cuộc tổng duyệt và tuyển chọn quan trọng của các bộ môn thể thao của Thanh Hóa nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, chuẩn bị tham dự SEA Games lần thứ 30 tổ chức tại Philippines vào cuối năm nay.

Trong số các bộ môn thế mạnh, điền kinh vẫn được xem là “lá cờ đầu” của thể thao Thanh Hóa với những mục tiêu rất cụ thể đó là giành lại vị trí trong top đầu tại giải vô địch và giải trẻ quốc gia. Với việc Quách Thị Lan và Trần Văn Sỹ là những VĐV, HLV được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư trọng điểm trong năm nay được xem là tín hiệu lạc quan cho bộ môn thể thao nữ hoàng của Thanh Hóa này. Thành tích mà Quách Thị Lan đã giành được trong năm 2018 là sự khẳng định về đẳng cấp của nữ VĐV này. Mục tiêu của Quách Thị Lan không chỉ khẳng định vị trí số 1 trong nước mà còn hướng tới những tấm HCV tại SEA Games 30 với các nội dung sở trường 400m, 400m vượt rào, các cự ly chạy tiếp sức; cũng như phấn đấu đạt thành tích tốt nhất tại vòng loại Olympic 2020. Những gương mặt sáng giá khác của bộ môn điền kinh có thể kể đến như: Quách Công Lịch, Lê Trọng Hinh. Hai nam VĐV này vẫn còn gặp vấn đề về chấn thương và đang phải chạy đua với thời gian để trở lại với đường chạy một cách sung mãn nhất. Chấn thương đã khiến Quách Công Lịch phải chia tay sớm với Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, đặc biệt là ASIAD tại Indonesia trong năm 2018. Đây là năm mà người anh trai của Quách Thị Lan không giành được thành tích nào đáng kể dù trước đó thuộc diện được đầu tư trọng điểm của điền kinh Việt Nam. Cũng vì lý do chấn thương, Lê Trọng Hinh từ VĐV số 1 ở đường chạy 100m, 200m và các cự ly chạy tiếp sức đã không còn là chính mình khi trở lại. Khả năng được tham dự SEA Games của Lê Trọng Hinh còn bỏ ngỏ nhưng ở giải vô địch quốc gia, VĐV này hoàn toàn có thể lấy lại vị trí của mình. Điền kinh Thanh Hóa còn kỳ vọng vào những gương mặt trẻ đầy triển vọng khác đã khẳng định được khả năng như: Trương Thị Thu (nhảy sào), Lê Văn Thao, Lương Văn Thao, Lê Đình Đức... ở các cự ly chạy trung bình.

Các bộ môn thế mạnh khác của thể thao Thanh Hóa như võ thuật, bao gồm: Pencak silat, karatedo, kick-boxing, muay, taekwondo, vovinam cũng đặt ra mục tiêu giành được HCV tại SEA Games 30, cũng như tiếp tục giữ được vị thế trong top đầu tại đấu trường quốc nội. Các bộ môn như cử tạ, bắn súng, bơi lội, cầu mây, vật tiếp tục nỗ lực cải thiện vị trí tại các giải vô địch quốc gia, qua đó đóng góp VĐV cho đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games và các giải đấu quốc tế khác. Với lực lượng VĐV kế cận bổ sung có chất lượng, các bộ môn bắn súng, cử tạ được kỳ vọng sẽ đem về những tấm huy chương ở đấu trường quốc tế cho thể thao tỉnh nhà. Trong khi đó, một số bộ môn như đấu kiếm, cầu mây, wushu, bơi lội tiếp tục quá trình xây dựng và củng cố lực lượng VĐV, hướng tới những mục tiêu có tính dài hơi hơn...

Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Dù đã đạt nhiều thành tích quan trọng, song thể thao Thanh Hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn để vươn lên trở thành một trung tâm thể thao mạnh thực sự của đất nước. Đề án Phát triển thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa trở thành trung tâm mạnh hàng đầu cả nước vào năm 2020, định hướng đến năm 2025 đề ra nhiệm vụ xây dựng 4 tuyến VĐV. Thế nhưng, hiện tại Thanh Hóa mới chỉ xây dựng được 2 tuyến VĐV, tuyến I và tuyến II. Đây là khó khăn rất lớn, khiến nhiều bộ môn thiếu đi lực lượng kế cận, phải chịu cảnh ăn đong thành tích. Thêm vào đó, chế độ tập luyện cho các VĐV, HLV Thanh Hóa còn chưa bằng nhiều tỉnh, thành, ngành trong nước; vẫn còn thiếu sân và các trang thiết bị phục vụ tập luyện... Sau khi tiếp nhận số VĐV năng khiếu từ Trường Cao đẳng Thể dục thể thao Thanh Hóa, dù cơ sở vật chất đã phần nào được cải thiện song vẫn còn thiếu thốn, khó khăn.

Nhiệm vụ và mục tiêu của thể thao Thanh Hóa trong năm 2019 là rất nhiều và không hề giảm hơn so với năm 2018. Đây thời điểm để các bộ môn xây dựng lại lực lượng, trẻ hóa cho một chu kỳ phát triển mới. Vì vậy, các VĐV sẽ không bị đặt nặng áp lực về thành tích. Các bộ môn tập trung củng cố lực lượng VĐV các tuyến, tranh thủ tối đa những điều kiện, cơ hội để giành được những thành tích tốt tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Tại SEA Games 30 dù nước chủ nhà Philippines đã cắt bỏ nhiều môn, các nội dung thế mạnh của Việt Nam song mục tiêu mà thể thao Thanh Hóa đặt ra là phấn đấu giành từ 5 HCV trở lên. Ở hai kỳ SEA Games gần nhất, Thanh Hóa đều dừng lại ở con số 4 tấm HCV.

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]