(Baothanhhoa.vn) - Dường như đã thành lệ, cứ 2 năm một lần, khi V.League hạ màn, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) lại tổ chức “du học” cho quan chức công ty cùng lãnh đạo một số câu lạc bộ (CLB). Theo xác nhận của VPF, chuyến “xuất dương” “hậu V.League 2018” có điểm đến là châu Âu, kéo dài chừng nửa tháng và kết thúc vào cuối tháng 10.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu chuyện thể thao: Chuyện “tầm sư học đạo” của VPF!

Dường như đã thành lệ, cứ 2 năm một lần, khi V.League hạ màn, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) lại tổ chức “du học” cho quan chức công ty cùng lãnh đạo một số câu lạc bộ (CLB). Theo xác nhận của VPF, chuyến “xuất dương” “hậu V.League 2018” có điểm đến là châu Âu, kéo dài chừng nửa tháng và kết thúc vào cuối tháng 10.

Với sự hiện diện của những nền bóng đá lừng danh trên thế giới như Anh, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha... có thể khẳng định, châu Âu thực sự là “trường học” rất lý tưởng cho các nền bóng đá chưa hoặc đang phát triển. Điều này giải thích vì sao VPF đã lựa chọn Pháp (đương kim vô địch World Cup) và Đức (từng 4 lần đăng quang) là nơi học hỏi cho chuyến “Tây du” lần này.

Nhắc đến chuyện du học của các quan chức bóng đá nước nhà, hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên chuyến “Đông du” tương tự diễn ra cách đây 4 năm. Tại xứ Phù tang, như thừa nhận của lãnh đạo các CLB, họ đã được nghe, chứng kiến và “vỡ” ra rất nhiều điều, từ chuyện “xã hội hóa” đến phát triển bóng đá học đường cốt sao để một đội bóng chuyên nghiệp có thể làm ăn sinh lời. Chưa dừng lại ở đó, 2 năm sau, khi V.League 2016 khép lại, một loạt nhân sự bóng đá chủ chốt lại “khăn gói quả mướp” sang Đức để... học hỏi kinh nghiệm.

Trở lại chuyến xuất ngoại mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết, có vẻ như chuyến đi lần này đã được khai thác triệt để về mặt thời gian bởi ngoài “trường học chính” là quê hương của giải đấu Bundesliga nổi tiếng, các quan chức bóng đá còn tranh thủ “học thêm” tại Pháp. Chẳng ngạc nhiên nếu tương lai gần, VPF sẽ lại triển khai kế hoạch “du học Nam Mỹ” để mắt thấy tai nghe những gì đã và đang diễn ra trên các sân cỏ Brazil, Argentina... Học nhiều là thế, nhưng áp dụng như thế nào và hiệu quả ra sao thì lại là chuyện khác. Bằng chứng là từ đó đến nay, cái gọi là “kho kinh nghiệm” đúc rút được dường như chỉ giúp cho câu chuyện lúc “trà dư tửu hậu” thêm sinh động, còn tinh hoa của 2 nền bóng đá (Đức, Nhật Bản) mà VPF diện kiến trong quá khứ (năm 2014 và 2016) đã không thể áp dụng ở giải chuyên nghiệp.

Lấy dẫn chứng từ câu chuyện vé vào sân. Nguồn thu từ vé được người Nhật xem là nguồn thu chính nuôi sống CLB thì ở Việt Nam, vé “rẻ như cho”. Theo thống kê, mùa giải 2018 có tới vài lần sân cỏ nước nhà được “tháo khoán” cho người hâm mộ, như lượt trận áp chót trên sân Vinh (Sông Lam Nghệ An - TP Hồ Chí Minh), trận cuối trên sân Thanh Hóa (trận FLC Thanh Hóa - S. Khánh Hòa) và trận tranh Siêu Cúp quốc gia (về lý là trận cầu hấp dẫn nhất trong năm).

Thực tế V.League nhiều năm qua đã chứng minh: Điều kiện cốt tử để những đội bóng ở ta mặc vừa “tấm áo chuyên nghiệp” chính là tư duy làm bóng đá. Để nâng tầm, V.League cần sự biến đổi thật sự về “chất” còn chuyện “du học” chẳng qua chỉ là học “lý thuyết” mà thôi.

Mà ở ta, từ lý thuyết đến thực tế luôn là khoảng cách xa diệu vợi!


MẠNH HÀ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]