(Baothanhhoa.vn) - Ngày 3-7-2018 vừa qua - 24 giờ sau lễ ký kết hợp tác với Zalo (ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí hoạt động trên nền tảng di động), tỉnh Bình Thuận chính thức truyền đi thông điệp: Kể từ nay, mọi dịch vụ liên quan đến hành chính của người dân, thậm chí là đăng ký khai sinh, kết hôn, bổ sung hộ tịch, bảo hiểm thất nghiệp, cấp giấy phép kinh doanh vận tải, đăng ký biển số xe máy... đều có thể được giải quyết qua... mạng xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu chuyện thể thao: “Chính quyền điện tử” và “Liên đoàn điện tử”

Ngày 3-7-2018 vừa qua - 24 giờ sau lễ ký kết hợp tác với Zalo (ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí hoạt động trên nền tảng di động), tỉnh Bình Thuận chính thức truyền đi thông điệp: Kể từ nay, mọi dịch vụ liên quan đến hành chính của người dân, thậm chí là đăng ký khai sinh, kết hôn, bổ sung hộ tịch, bảo hiểm thất nghiệp, cấp giấy phép kinh doanh vận tải, đăng ký biển số xe máy... đều có thể được giải quyết qua... mạng xã hội.

Nói tóm lại, mọi thắc mắc của người dân Bình Thuận sẽ được chuyển đến các cơ quan chức năng cũng như thông tin phản hồi (nếu có) sẽ được thực thi chỉ sau một cú... “nhấp chuột”.

Theo lãnh đạo tỉnh này, việc xây dựng “chính quyền điện tử” là một chương trình quan trọng trong thời đại 4.0 và Bình Thuận không nằm ngoài xu thế ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ máy Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn cho người dân, minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Từ sự ưu việt này, chúng tôi tin rằng trong tương lai gần, sẽ có nhiều địa phương khác xây dựng “chính quyền điện tử” tương tự.

Tuy nhiên, công cuộc “internet hóa”, bên cạnh vô số lợi ích vẫn còn những hạn chế nhất định. Một thực tế không thể phủ nhận là không ít người dân (nhất là người cao tuổi) vẫn chưa tiếp cận được với công nghệ này và quan trọng hơn, chuyện “mù công nghệ” ấy hoàn toàn có thể được khai thác để phục vụ những mục đích thiếu minh bạch.

Hãy lấy ví dụ từ việc nhận hồ sơ ứng cử viên cho những chức danh chủ chốt trước thềm Đại hội VIII Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cách đây vài tháng.

Như chúng ta đã biết, ngày 16-3-2018, trước khi chốt các phương án nhân sự, một số quan chức VFF ngay lập tức bổ sung điều kiện “có bằng Đại học” trong “bộ tiêu chí” đối với những cá nhân ứng cử và được đề cử.

Về lý, đây là điều kiện không cần thiết bởi Liên đoàn là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, ứng viên có bằng cấp thì tốt còn không cũng chẳng sao. Còn theo nhận định của các chuyên gia thì một nhóm quan chức Liên đoàn đã bắt tay nhau loại ông bầu Đoàn Nguyên Đức khỏi cuộc chơi bằng cách “thòng” thêm tiêu chí này.

Đáng nói hơn, để hợp thức hóa chuyện bằng cấp, người ta đã tổ chức lấy ý kiến Ban chấp hành VFF qua... thư điện tử cùng “giao kèo” (cũng trên thư điện tử): nếu không phản hồi tức là đồng ý!

Kết quả là gần như 100% phiếu “đồng thuận”. Song khi mọi chuyện được đưa ra công luận, khán giả cả nước mới “té ngửa” trước thực tế: Không ít thành viên Ban chấp hành Liên đoàn do “mù công nghệ” nên hoàn toàn không biết đến sự hiện diện của “Liên đoàn điện tử”, cũng chẳng tỏ tường các thao tác checkmail (nhận thư điện tử) và reply (phản hồi). Nói cách khác, cái gọi là “100% phiếu thuận” kia hoàn toàn ảo, là kết quả của sự “mù tịt internet” từ nhiều thành viên chứ không phải bởi Ban chấp hành đồng ý với yêu cầu “chuẩn bằng cấp”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, “chính quyền điện tử” hay “VFF điện tử” thực sự là một bước tiến, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức và bỏ bớt các “cửa”, các “dấu” không cần thiết nhưng hiệu quả, tác dụng của nó đến đâu... còn chịu sự chi phối từ nhiều yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất vẫn là con người.


Mạnh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]