(Baothanhhoa.vn) - Những ngày này, chuyển động trên sân tập của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam từ xứ Vạn đảo truyền về khiến khán giả không khỏi âu lo - câu chuyện “chơi xấu” của các nước chủ nhà ở sân chơi châu lục (cũng như khu vực), lại một lần nữa được xới lại trong sự bức xúc của hàng triệu người hâm mộ nước nhà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu chuyện Asiad 2018: Học cách “sống chung với lũ”!

Những ngày này, chuyển động trên sân tập của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam từ xứ Vạn đảo truyền về khiến khán giả không khỏi âu lo - câu chuyện “chơi xấu” của các nước chủ nhà ở sân chơi châu lục (cũng như khu vực), lại một lần nữa được xới lại trong sự bức xúc của hàng triệu người hâm mộ nước nhà.

“Không tin được dù đó là sự thật” - chính là những gì mà thầy trò HLV Park Hang Seo đã và đang phải trải qua trên đất Indonesia kể từ thời điểm hành trình chinh phục Asiad 2018 được bấm nút khởi động. Nào là “tập chay” trên sân xi-măng, nào là phải di chuyển gần 3 tiếng đồng hồ mới tới sân tập và cả chuyện phải “rèn binh” trên những thảm cỏ thuộc sân bay quân sự của nước chủ nhà...

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì đây không phải lần đầu tiên chúng ta phải đối mặt với những “tiểu xảo” kiểu này. Hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên là tại SEA Games 29 diễn ra năm ngoái, đội tuyển bóng đá Nam của chúng ta thường xuyên phải đến sân tập trễ khoảng 1 giờ đồng hồ vì xe chở đội (do nước chủ nhà Malaysia bố trí) luôn bị... tắc đường. Còn tại Vòng chung kết U23 châu Á đầu năm 2018, rất nhiều lần thầy trò ông Park Hang Seo chỉ có thể bắt đầu buổi tập khi đồng hồ đã chỉ 20h trong cái rét cắt da cắt thịt. Xa hơn nữa, ở giải U19 châu Á cách đây 2 năm, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn đã phải liên tục di chuyển từ sân này sang sân khác do Ban tổ chức đổi lịch mà không báo trước.

Dĩ nhiên, không khó để có thể “đọc vị” những “chiêu trò” nói trên. Tất cả đều được đối phương vin vào “lý do khách quan” để bào chữa, nhằm mục đích duy nhất là khiến đối thủ mệt mỏi về thể xác, ức chế về tinh thần. Đáng nói hơn, những “chiêu trò” ấy đã có dấu hiệu trở thành “một phần không thể thiếu” ở các sân chơi khu vực và châu lục.

Mà một khi đã trở thành “một phần không thể thiếu” thì trước khi lên án Ban tổ chức, chúng ta hãy tự trách mình. Với Thể thao Việt Nam, chuyện “mang chuông đi đánh xứ người” đã trở thành thông lệ; “chiêu, mánh” từ Ban tổ chức nước bạn cũng đã là “món” quen thuộc... nhưng hết lần này qua lần khác, chúng ta vẫn cứ rơi vào thế bị động, không hề có, dù chỉ một lần tiền trạm để lên kế hoạch dự phòng khi xảy ra “biến cố”.

Ở cấp độ cao hơn, nên chăng Đoàn Thể thao Việt Nam hãy học cách thích nghi và nếu có thể hãy biến thành lợi thế. Chúng tôi tin rằng tấm Huy chương Bạc lịch sử mà các học trò của ông Park Hang Seo giành được cách đây vài tháng có sự “hỗ trợ” rất đáng kể từ những bận “chơi xấu” của nước chủ nhà. Chính những buổi tập “khi thành phố lên đèn” trong cái lạnh xuống tới âm 5 độ C đã giúp Quang Hải, Tiến Dũng, Công Phượng cùng đồng đội sớm làm quen với buốt giá, với những bông tuyết trắng trời Thường Châu để sau đó lập nên chiến tích vang dội.

Nói tóm lại, không phủ nhận thực tế là nước chủ nhà Asiad 2018 chưa thật sự khách quan, chuyên nghiệp trong tổ chức song đó là sự thiếu chuyên nghiệp đã được dự báo từ trước. Điều này đòi hỏi sự chủ động, chấp nhận “sống chung với lũ” thay vì cứ “đến hẹn lại... thở than!”.


Manh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]