(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, bắn súng đã có nhiều đóng góp về thành tích cho thể thao Thanh Hóa nhưng ít ai biết được, các vận động viên (VĐV) bộ môn này đã phải trải qua rất nhiều khó khăn từ điều kiện tập luyện, thi đấu và trớ trêu nhất là câu chuyện... thiếu đạn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bắn súng Thanh Hóa và câu chuyện... thiếu đạn!

Bắn súng Thanh Hóa và câu chuyện... thiếu đạn!

Các VĐV bộ môn bắn súng Thanh Hóa vừa thi đấu thành công và giành được 2 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ tại giải các tay súng xuất sắc quốc gia 2019.

Những năm qua, bắn súng đã có nhiều đóng góp về thành tích cho thể thao Thanh Hóa nhưng ít ai biết được, các vận động viên (VĐV) bộ môn này đã phải trải qua rất nhiều khó khăn từ điều kiện tập luyện, thi đấu và trớ trêu nhất là câu chuyện... thiếu đạn.

Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII – năm 2018 đã chứng kiến màn bứt phá xuất sắc của bộ môn bắn súng Thanh Hóa. Các xạ thủ xứ Thanh đã giành được 5 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ, xếp thứ 3 toàn đoàn chỉ sau Quân đội và Hà Nội và xếp trên những đơn vị mạnh khác như Hải Dương, Công an Nhân dân, TP Hồ Chí Minh. Đây là thành tích không quá bất ngờ bởi trên thực tế, nhiều năm qua, bắn súng Thanh Hóa vẫn duy trì vị thế trong top 5 toàn quốc, từng có HCV, HCB ở SEA Games. Mặc dù vậy, so với các địa phương, đơn vị khác trên cả nước, các xạ thủ Thanh Hóa khó khăn hơn rất nhiều về mọi mặt, nhất là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Trường bắn nằm trong Trường Cao đẳng TDTT Thanh Hóa (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trải qua gần 30 năm nay, đã xuống cấp nghiêm trọng, thoạt nhìn nhiều người nhầm tưởng đó là một nơi đã bị bỏ hoang hóa nhiều năm. Tuy vậy, nhiều thế hệ các xạ thủ xứ Thanh vẫn phải tập luyện tại một nơi không đạt bất cứ tiêu chuẩn hiện hành nào để thi đấu, chưa nói gì đến việc có thể tổ chức một giải bắn súng tại đây.

Câu chuyện nỗ lực vượt khó, “liệu cơm gắp mắm” cũng đã trở nên quá quen thuộc với các VĐV bắn súng Thanh Hóa. Khó khăn về nơi tập luyện đã đành, các xạ thủ xứ Thanh còn phải đối mặt với một câu chuyện trớ trêu khác đó là thiếu đạn. Qua tìm hiểu, trong khoảng 6 năm trở lại đây, việc mua đạn (bắn súng thể thao) của bộ môn gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do quy định khá chặt chẽ của Nhà nước đối với việc cung ứng đạn cho thi đấu bắn súng thể thao nên có rất ít các công ty, doanh nghiệp đứng ra phân phối. Nếu không phải là các đơn vị của lực lượng vũ trang, việc một doanh nghiệp để có thể phân phối được loại đạn cho thi đấu bắn súng thể thao này phải làm rất nhiều thủ tục cấp phép. Gần như trong 6 năm qua, dù có kinh phí nhưng việc mua đạn gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ môn bắn súng Thanh Hóa buộc phải vay đạn của các đơn vị Quân đội và Công an Nhân dân để tập luyện, nhưng cũng chỉ khi chuẩn bị có các giải đấu quốc gia. Còn những lúc khác đành phải để dành, sử dụng dè sẻn. Đạn khi vay, mượn được cũng chủ yếu dành cho các VĐV đội tuyển, những người đã dày dạn kinh nghiệm, có khả năng tranh chấp huy chương như Phùng Lê Huyên, Nguyễn Thành Đạt, Đỗ Mạnh Định, Tạ Trang Thư, Mai Thị Thương... Thiếu đạn, việc mua sắm súng cũng hạn chế. Bởi lẽ, thiếu đạn thì có mua súng cũng lại... để đó. Đặc biệt, công tác đào tạo lứa VĐV trẻ gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng thiếu đạn. Các xạ thủ trẻ vẫn phải tập luyện trong tình trạng lúc có đạn, lúc không. Bởi thế, nhiều năm nay, Thanh Hóa đã buộc phải bỏ, không tham gia giải bắn súng trẻ quốc gia. Việc không được tham gia thường xuyên các giải đấu cấp quốc gia sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của các VĐV tuyến trẻ, bởi bắn súng cũng đòi hỏi kinh nghiệm trận mạc, sự rèn luyện về tâm lý, chưa nói đến chuyên môn, kỹ năng thi đấu. Các VĐV có bề dầy kinh nghiệm, thành tích, nhất là các tuyển thủ quốc gia có điều kiện tập luyện tốt hơn tại trường bắn quốc gia, không bị thiếu đạn sẽ phát huy được khả năng, sức vươn của mình. Số còn lại chắc chắn sẽ khó theo kịp được đàn anh, đàn chị trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn như vậy. Nếu tình trạng thiếu súng, thiếu đạn tiếp tục không được cải thiện trong thời gian tới, bắn súng Thanh Hóa khó có thể tiếp tục giữ được vị trí tốp đầu hiện nay, thậm chí sẽ còn phải đối mặt với nguy cơ giải thể khi các VĐV, các gia đình không còn mặn mà cho con em mình theo đuổi đam mê, sự nghiệp thể thao mà lại quá khó khăn, thiếu thốn như vậy.

Hiện nay, bộ môn bắn súng Thanh Hóa vẫn duy trì 3 tuyến VĐV với tổng số 45 xạ thủ, gồm tuyến năng khiếu, đội trẻ và đội tuyển. Các VĐV vẫn được huấn luyện, tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Nguyễn Thành Đạt hiện được xem là xạ thủ số 1 Thanh Hóa với thành tích liên tục có HCV đều đặn ở các giải đấu quốc gia nhiều năm nay. Xạ thủ này cũng vừa giành HCV tại Giải tay súng xuất sắc quốc gia 2019, giải đấu chỉ giành cho các VĐV đạt cấp dự bị kiện tướng trở lên. Sau thành công rực rỡ tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII – năm 2018, bắn súng Thanh Hóa bên cạnh việc duy trì phong độ, thành tích của nhóm VĐV hàng đầu, cũng đã tập trung cho công tác đào tạo các VĐV trẻ. Dù không có điều kiện tham gia giải trẻ bắn súng quốc gia năm 2019 nhưng thầy và trò bộ môn sẽ dành sự tập trung, điểm rơi phong độ, chuyên môn tốt nhất cho giải vô địch quốc gia tổ chức vào đầu tháng 10 tới.

Khánh Hưng


Khánh Hưng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]