(Baothanhhoa.vn) - Vovinam là một trong những bộ môn còn khá mới tại Thanh Hóa nếu như đem so sánh với nhiều bộ môn võ thuật thế mạnh khác. Tuy vậy, bộ môn này nhanh chóng khẳng định vị thế của mình tại đấu trường quốc gia, quốc tế những năm qua, trở thành bộ môn chủ lực của thể thao Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về những người gây dựng, đưa Vovinam Thanh Hóa giành vị thế hàng đầu

Vovinam là một trong những bộ môn còn khá mới tại Thanh Hóa nếu như đem so sánh với nhiều bộ môn võ thuật thế mạnh khác. Tuy vậy, bộ môn này nhanh chóng khẳng định vị thế của mình tại đấu trường quốc gia, quốc tế những năm qua, trở thành bộ môn chủ lực của thể thao Thanh Hóa.

Chuyện về những người gây dựng, đưa Vovinam Thanh Hóa giành vị thế hàng đầu

Võ sư Lê Ngọc Hưng và các VĐV bộ môn vovinam Thanh Hóa.

Vovinam được tái lập ở Thanh Hóa muộn hơn so với các tỉnh, thành, ngành trên cả nước. Năm 1995, được sự quan tâm của Sở Thể dục thể thao (TDTT) Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) võ sư Lê Ngọc Hưng vào TP Hồ Chí Minh tham dự lớp tập huấn môn Vovinam Việt Võ Đạo. Tháng 7-1995, ông đã mạnh dạn đề nghị với lãnh đạo Sở TDTT Thanh Hóa cho phép tập huấn những kiến thức và kỹ thuật căn bản Vovinam cho các huấn luyện viên (HLV) phong trào tại Câu lạc bộ (CLB) Vovinam số 47 Đoàn Thị Điểm, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa (do võ sư Lê Ngọc Hưng trực tiếp huấn luyện). Năm sau (1996), CLB Vovinam Trung tâm Văn hóa - TDTT của huyện Tĩnh Gia được thành lập do 2 HLV Nguyễn Ngọc Hài và Lê Văn Long hướng dẫn với số lượng hơn 100 võ sinh theo học.

Tháng 4-1997, được sự hỗ trợ của Hội Việt Võ Đạo TP Hồ Chí Minh, võ sư Lê Ngọc Hưng đã giới thiệu 2 HLV Nguyễn Ngọc Hài và Nguyễn Hữu Long vào tập huấn tại Trung tâm TDTT Quốc phòng II (Quân khu 7). Trong những ngày tập huấn, 2 HLV Thanh Hóa đã nỗ lực ôn luyện dưới sự hướng dẫn tận tình của võ sư Nguyễn Văn Ký, Võ Danh Hải và HLV Trần Văn Để, Phạm Thị Kim Phiên (Quân đội) cùng sự quan tâm, giúp đỡ của các võ sư Nguyễn Hồng Tâm, Trần Văn Mỹ, Nguyễn Chánh Tứ, Trần Văn Phước. Đây chính là những hạt nhân đầu tiên của Vovinam Thanh Hóa.

Từ đây, phong trào Vovinam Thanh Hóa đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, nhiều CLB đã được ra đời tại TP Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc... thu hút nhiều đối tượng tham gia tập luyện. Hội Vovinam Thanh Hóa lâm thời cũng bước đầu hình thành vào năm này có sự góp mặt của các môn sinh Vovinam từ các tỉnh phía Nam về quê hương lập nghiệp tham gia sinh hoạt.

Năm 2000, nhận thấy Vovinam có khả năng giành thành tích cao, Sở TDTT Thanh Hóa cho phép thành lập đội tuyển Vovinam. Một năm sau đó, tại Giải vô địch toàn quốc tổ chức ở TP Cần Thơ, các vận động viên (VĐV) Thanh Hóa đã giành 1 HCB và 2 HCĐ. Đầu năm 2002, HLV Nguyễn Ngọc Hài được phân công phụ trách đội tuyển Vovinam Thanh Hóa, cùng với HLV Trịnh Nam Dương. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV năm 2002, bộ môn Vovinam đã đóng góp 1 HCV và 1 HCĐ trong tổng số 16 HCV mà đoàn Thể thao Thanh Hóa giành được tại đại hội. Tiếp nối những thành công đó, dưới sự dẫn dắt của những võ sư có tâm huyết, nhiệt tình như Lê Ngọc Hưng, Nguyễn Ngọc Hài... Vovinam Thanh Hóa bắt đầu có tiếng ở đấu trường quốc gia từ giải trẻ cho tới giải vô địch quốc gia và nằm trong tốp những đơn vị dẫn đầu toàn quốc. Nhiều tấm HCV ở các giải đấu quốc tế như SEA Games, khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới đã có tên các VĐV Thanh Hóa, những thế hệ kế tiếp của Vovinam xứ Thanh.

Hơn 20 năm qua, Vovinam Thanh Hóa đã đào tạo ra nhiều nhà vô địch quốc gia, châu Á, Đông Nam Á và thế giới, điển hình các nhà vô địch thế giới như: Phạm Hữu Châu, Trần Anh Tuấn, Lưu Đức Điệp, Lê Thị Hiền; vô địch quốc gia, châu Á và Đông Nam Á, như: Nguyễn Thị Châm, Nguyễn Tiến Sơn, Trần Thế Anh, Lê Thị Lan Anh, Nguyễn Thị Trang, Phạm Văn Giang, Lê Thị Thương (HCV châu Á), Lê Thị Thủy...; đều giành được 4 HCV tại các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VII và VIII; trong bốn năm liền (2015, 2016, 2017, 2018) giữ vững vị trí xếp thứ 3 toàn đoàn tại giải vô địch Vovinam toàn quốc. Về phong trào, hơn 20 huyện, thị xã, thành phố có Vovinam phát triển, như: Bỉm Sơn, Cẩm Thủy, Đông Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Hà Trung..., với gần 100 CLB Vovinam phát triển, đặc biệt là trong trường học; số lượng người tập luyện thường xuyên lên tới 3 nghìn người.

Ở vào độ tuổi đã thất thập, võ sư Lê Ngọc Hưng dù sức khỏe không còn cho phép nhưng ông vẫn rất nặng lòng với bộ môn và phong trào Vovinam Thanh Hóa. Ông vẫn thường xuyên tham gia với bộ môn, với liên đoàn Vovinam tỉnh nhà để có những sự đóng góp đầy tâm huyết làm sao để Vovinam Thanh Hóa vẫn giữ vững vị thế hiện nay. Còn đối với HLV Nguyễn Ngọc Hài, đây chính là thời điểm được xem là độ chín của sự nghiệp “cầm quân” ở bộ môn Vovinam. Những thành tích xuất sắc mà Vovinam Thanh Hóa giành được những năm qua, sự phát triển của phong trào Vovinam trên địa bàn tỉnh có sự đóng góp không nhỏ của vị thuyền trưởng này. Trong định hướng phát triển của thể thao thành tích cao Thanh Hóa giai đoạn 2020-2025, Vovinam chính là một trong những bộ môn thế mạnh được đầu tư trọng điểm. Đây là cơ hội và cũng là những thách thức đặt ra cho HLV Nguyễn Ngọc Hài, Cao Chí Sơn, Nguyễn Hữu Long, Phạm Hữu Châu... những người đã gắn bó và gây dựng vị thế của bộ môn Vovinam của xứ Thanh.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]