(Baothanhhoa.vn) - Chúng ta không có bản quyền truyền hình Bóng đá tại Asiad 2018 - thông tin dẫu không còn “nóng” song vẫn là đề tài nhận được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ thể thao nước nhà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bản quyền truyền hình - từ World Cup đến Asiad: Để không “chạy ăn từng bữa”!

Chúng ta không có bản quyền truyền hình Bóng đá tại Asiad 2018 - thông tin dẫu không còn “nóng” song vẫn là đề tài nhận được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ thể thao nước nhà.

Về bản quyền truyền hình, trước hết hãy nói lại một chuyển động từng gây xôn xao dư luận cách đây 6 năm khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ký với Tập đoàn truyền thông AVG gói truyền hình có thời hạn kỷ lục: 20 năm - tương đương 5 nhiệm kỳ Chủ tịch VFF. Và như chúng ta đã biết, mùa bóng 2012 gắn với sự xuất hiện của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và sau đó, “liên minh các ông bầu” đã tìm mọi cách và thành công trong việc hủy bản hợp đồng mà họ cho là “rẻ mạt” và “phi lý” này.

Một thực tế không thể phủ nhận là khi bán hình ảnh V.League theo dạng “lúa non”, nếu bỏ qua góc độ “lợi nhuận” thì cả VFF lẫn AVG đều... lãi lớn. Với “bên bán”, tổ chức điều hành bóng đá cao nhất nước nhà sẽ chấm dứt được tình trạng đem sản phẩm đi chào bán khắp nơi nhưng chỉ nhận về sự thờ ơ của các nhà đài. Đừng quên rằng thời điểm năm 2012 trở về trước, với sân cỏ quốc nội, khái niệm “tiền bản quyền truyền hình” còn rất lạ lẫm và thậm chí còn được “cho không biếu không”. Còn với AVG, như thừa nhận của người đứng đầu, họ chấp nhận “mua đắt” thời gian đầu nhưng sau dăm bảy mùa giải, khi chất lượng V.League được cải thiện, giải chuyên nghiệp được khán giả quan tâm thì bản hợp đồng kia sẽ lập tức sinh lời. Đáng nói hơn, lợi nhuận này sẽ tăng theo cấp số nhân và kéo dài suốt 2 thập kỷ.

Rõ ràng, con số 20 năm dẫu có “phi lý” nhưng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, “vượt thời gian” của người đứng đầu AVG.

Đây cũng là quan điểm của chúng tôi đối với việc bản quyền truyền hình sân cỏ đang ngày càng trở nên “nóng bỏng” với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng như hàng triệu tín đồ túc cầu giáo nước nhà.

Chẳng phải thế sao khi mà trước World Cup 2018 vừa khép lại cách đây chưa lâu, phải nhờ đến sự “chống lưng” từ doanh nghiệp, khán giả cả nước mới được theo dõi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh qua màn ảnh nhỏ? Và như đã đề cập ở đầu bài viết, VTV đã không thể có được hình ảnh Asiad 2018, tất cả đều bắt nguồn từ yếu tố chi phí cao.

Nào đã hết, như thừa nhận của lãnh đạo VTV, chẳng có gì đảm bảo chúng ta sẽ được chứng kiến những trận đấu trong khuôn khổ AFF Suzuki Cup cuối năm nay mà nguyên nhân đầu tiên và duy nhất vẫn cứ là “tiền đâu”.

Ở một diễn biến khác, hình ảnh hàng triệu người dân đổ ra khắp các nẻo đường trong ngày U23 Việt Nam giành Huy chương Bạc vài tháng trước đã gây ngạc nhiên đến độ sửng sốt với các huấn luyện viên, quan chức bóng đá trên toàn thế giới. Thực tế sân cỏ cả nước nhiều năm qua đã chứng minh và khẳng định niềm đam mê túc cầu giáo cũng như nhu cầu thưởng lãm những trận đấu hàng đầu châu lục và trên thế giới.

Nói cách khác, khi bản quyền bóng đá luôn là mặt hàng được ưa chuộng và săn lùng ở giải đất hình chữ S thì nên chăng, VTV hãy tính tới những hợp đồng lâu dài với Liên đoàn Bóng đá Thế giới, Liên đoàn Bóng đá châu Á và Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á.

Đòi hỏi một thời hạn 20 năm (như AVG từng ký với VFF) là phi thực tế nhưng hợp đồng “nhiều hơn một giải đấu” không phải không khả thi. Và quan trọng hơn, chúng ta sẽ thoát được tình trạng “ăn bữa sáng lo bữa chiều”, chưa đàm phán xong gói truyền hình này đã bế tắc với gói truyền hình khác.


MẠNH HÀ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]