(Baothanhhoa.vn) - Kể từ khi Diego Maradona giải nghệ, nền bóng đá của “xứ sở Tango” mòn mỏi tìm “truyền nhân” của chiếc áo số 10. Ariel Ortega, Juan Veron, Riquelme... đã được đặt niềm tin, nhưng đều gây thất vọng. Cho đến khi Barcelona chạm trán Getafe tại tứ kết Copa del Rey năm 2007, “truyền nhân” đích thực của “Cậu bé Vàng” mới được tìm thấy, Lionel Messi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vị thánh không hào quang

Kể từ khi Diego Maradona giải nghệ, nền bóng đá của “xứ sở Tango” mòn mỏi tìm “truyền nhân” của chiếc áo số 10. Ariel Ortega, Juan Veron, Riquelme... đã được đặt niềm tin, nhưng đều gây thất vọng. Cho đến khi Barcelona chạm trán Getafe tại tứ kết Copa del Rey năm 2007, “truyền nhân” đích thực của “Cậu bé Vàng” mới được tìm thấy, Lionel Messi.

Vị thánh không hào quang

Đó là sự tương đồng đến kỳ lạ cả về ngoại hình, tài năng cho đến những bàn thắng kinh điển từng được cả hai thực hiện.

Đến khi Lionel Messi vượt qua trung vệ người Hà Lan Virgil van Dijk để giành danh hiệu “Quả bóng Vàng” năm 2019 và là lần thứ 6 giành “Quả bóng Vàng”, một đề tài mới lại được đưa ra bàn luận: Diego Maradona và Lionel Messi, ai là người vĩ đại hơn?

Cho dù mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhất là khi so sánh 2 cầu thủ thuộc về 2 thế hệ, nhưng dù sao đây vẫn là một đề tài thường thấy trong thế giới bóng đá và chưa bao giờ gây nhàm chán.

Những người từng được chứng kiến Maradona thi đấu thì khẳng định “Cậu bé Vàng” đơn giản là giỏi nhất, vĩ đại nhất, thậm chí khi phải so sánh ông với “Vua bóng đá” Pele.

Những người chưa từng được tận mắt xem Maradona thi đấu thì hoàn toàn có lý do để tin rằng Messi giỏi hơn, minh chứng rõ nét nhất là bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ mà cầu thủ này chinh phục được với 10 chức vô địch La Liga, 4 chức vô địch Champions League và giành 6 “Quả bóng Vàng”.

Nhưng nếu là người Argentina, hoặc xứ Naples của Italia, đừng hỏi họ về việc giữa Maradona và Messi ai là người giỏi hơn, mà hãy hỏi ai là người được yêu quý hơn. Câu trả lời chắc chắn sẽ thuộc về người sở hữu bàn thắng mang thương hiệu “bàn tay của Chúa”.

Ở Argentina, Maradona đơn giản là vị vua, ông được yêu mến ở mọi miền đất nước. Sân vận động của CLB Argentinos Juniors được đặt theo tên ông. Những cổ động viên của đội bóng này vẫn luôn hát vang tên Maradona trên khán đài. Messi thì chưa bao giờ có được vinh dự đó.

Ngay tại Rosario, quê nhà của Messi, điều đó cũng được người hâm mộ thực hiện với tất cả niềm yêu mến, tự hào. Người hâm mộ có thể tìm thấy nhiều vật lưu niệm liên quan tới Maradona tại gian hàng của Newell’s Old Boys, đội bóng đầu tiên mà Messi khoác áo.

Ở Lavalle, con phố mua sắm chính tại Buenos Aires, nơi có hơn 30 cửa hàng bán đồ lưu niệm bóng đá, các chủ cửa hàng chia sẻ họ bán được nhiều áo của Maradona hơn Messi. Trên những con phố của Argentina, phần lớn các cậu bé chơi bóng đều mặc chiếc áo số 10 có tên Maradona.

Còn ở Naples, kể từ ngày đầu tháng 4-1984, khi Maradona đáp trực thăng xuống SVĐ của CLB Napoli, vùng đất này đã coi ông là “Thần bảo hộ”, đội bóng này coi ông là “đấng cứu thế”.

Nếu vì chiếc cúp vàng danh giá nhất thế giới bóng đá và 2 chức vô địch quốc gia duy nhất mà Maradona mang về cho đất nước mình và CLB Napoli để ông được xưng tụng và yêu mến dẫu đã rời xa sân cỏ hơn 2 thập kỷ, thì lẽ ra Messi cũng xứng đáng được nhận sự ngưỡng vọng tương tự với vô số danh hiệu mang về cho CLB và vai trò trụ cột ở đội tuyển quốc gia.

Thế nhưng bức tượng của Messi ở quê nhà từng bị đập phá, chỉ còn mỗi... hai bàn chân. Messi từng là đối tượng bị công kích ở quê nhà sau mỗi thất bại của đội tuyển quốc gia và cả ở Barcelona.

Maradona thì ngược lại, dẫu thất bại trong việc dẫn dắt đội tuyển quốc gia, bị loại khỏi World Cup vì sử dụng co-ca-in,... nhưng luôn được cảm thông.

Và một điều nữa là, những người chưa từng được tận mắt xem Maradona thi đấu, chỉ biết ông qua hình ảnh một huyền thoại bóng đá một thời với thân hình béo phục phịch, miệng ngậm xì-gà, đeo kính đen, cặp kè với những cô nàng bốc lửa, những scandal liên quan đến việc nghiện ma túy, tụt quần khoe mông và nhún nhảy bên người tình, những đứa con ngoài giá thú... Thế nhưng chẳng ai lấy đó làm lý do để ghét ông, ngược lại còn yêu thương ông nhiều hơn.

Đơn giản bởi trong thế giới của tôn giáo đại chúng và đắm say nhất của nhân loại – “Túc cầu giáo”, Maradona là vị thánh ngự ở ngôi đầu song không che phủ mình bằng hào quang của tiền bạc, danh hiệu và địa vị. Ông là hiện thân của những đam mê bản năng và rất đời của con người và của khát vọng cháy bỏng trên giáo đường sân cỏ. Hoặc đơn giản, Maradona cho chúng ta biết thế nào là cái “chất” của người Argentina: Phóng túng, mê say và luôn cháy hết mình. Messi thì không thế, hoàn hảo trên sân cỏ, không tỳ vết trong cuộc sống.

Chỉ Maradona mới ra sân với cái mắt cá chân bị vỡ. Chỉ Maradona mới vội vàng từ châu Âu bay thẳng về nước để thi đấu cho tuyển quốc gia ngay sau trận đấu cho CLB. Cũng chỉ Maradona mới say sưa hát quốc ca Argentina trên khán đài dù ở dưới sân, bản nhạc vẫn chưa được cất lên. Và, tất nhiên là chỉ Maradona mới giỏi nhất trong việc làm thế nào để quốc ca Argentina cất lên ngạo nghễ ở World Cup.

Hôm nay, “Cậu bé Vàng” của đất nước Argentina, “Thần bảo hộ” của xứ Naples tròn 60 tuổi. Chỉ ít ngày trước sinh nhật, Maradona lại tạo một scandal mới khi đã đuổi hết người thân ra khỏi nhà khi con gái Gianinna từ chối đề nghị được uống rượu mạnh của ông. Một xung đột mới trong vô vàn xung đột trong cuộc đời đầy những mảng màu tương phản, chưa bao giờ bình lặng của Maradona. Và như thường lệ, mỗi câu chuyện về thói ngang ngạnh, ngông cuồng của Maradona đều thú vị và khiến mọi người yêu mến ông thêm.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]