(Baothanhhoa.vn) - Didier Drogba 2 tay cầm bóng, cúi mặt đếm bước chân mình trên mặt cỏ. Quả bóng được đặt nhẹ xuống chấm đá penalty. “Voi rừng” chỉnh lại tất và quần áo, lùi 4 bước chân, 2 tay chống nạnh, nhìn về phía khung thành, chờ đợi tiếng còi của trọng tài người Bồ Đào Nha,  Pedro Proenca.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Bài học rút ra là: Không ngừng tin tưởng”

Didier Drogba 2 tay cầm bóng, cúi mặt đếm bước chân mình trên mặt cỏ. Quả bóng được đặt nhẹ xuống chấm đá penalty. “Voi rừng” chỉnh lại tất và quần áo, lùi 4 bước chân, 2 tay chống nạnh, nhìn về phía khung thành, chờ đợi tiếng còi của trọng tài người Bồ Đào Nha, Pedro Proenca.

“Bài học rút ra là: Không ngừng tin tưởng”

Didier Drogba và chiếc Cúp Champions League mùa bóng 2011-2012.

Khoảnh khắc trước khi chạy đà, Drogba còn nghĩ tới việc sẽ thực hiện một cú... panenka. Nhưng khi nhìn về cầu môn được trấn giữ bởi anh chàng cao tới 1m93 - Manuel Neuer, ý tưởng đó nhanh chóng được loại bỏ. Một cú đá... rất bình thường được thực hiện: Một bước chạy, một cú dậm đà và một cú đá bằng má trong chân phải đưa bóng đi chìm. Manuel Neuer lao người về hướng ngược lại và Chelsea đăng quang chức vô địch Champions League mùa 2011-2012 - chức vô địch đầu tiên trong lịch sử CLB - chức vô địch Champions League đầu tiên của một đội bóng London - chức vô địch ngay trên sân nhà Allianz Arena của đối thủ.

Người Munich câm lặng. Lễ trao giải thậm chí còn không có pháo sáng. Chẳng sao cả, đó vẫn là chức vô địch ngọt ngào nhất của không chỉ Didier Drogba. Nó giúp Jonh Terry quên đi cú trượt chân định mệnh, giúp Abramovich thực hiện lời hứa với con trai mình - nhóc Arkadiy, giúp gột rửa những giọt nước mắt đắng cay và nỗi đau khôn nguôi của cả đội từ sau trận chung kết Champions League mùa 2007-2008.

Drogba đã không được đá quả penalty trong trận Chung kết Champions League 4 năm trước.

Champions League 4 năm sau, Drogba là người đã “tặng” Barcelona một quả phạt đền ở trận Bán kết và “tặng” Bayern Munich một quả trong trận Chung kết. Thế nhưng, ở Bán kết thì Lionel Messi đá quả bóng trúng xà ngang. Trong trận Chung kết, cú đá của Robben bị Petr Cech cản phá.

Vì thế, khi Drogba là người thứ 5 đá penalty trong trận chung kết, định mệnh đã chọn anh là người định đoạt trận đấu.

Chỉ 3 ngày sau khi có được chiếc cúp bạc danh giá nhất châu Âu, Drogba chia tay Chelsea. Lúc này, người hâm mộ mới thấy vắng “Voi rừng”, Stamford Bridge trống trải biết bao nhiêu. Kết quả cuộc bỏ phiếu của các CĐV Chelsea trên website của CLB đặt Drogba vào vị trí “cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử The Blues” - phần thưởng có giá trị hơn cả những chiếc cúp, xứng đáng với những cống hiến không mệt mỏi của cầu thủ Bờ Biển Ngà trong 8 năm gắn bó với sắc áo xanh của “Đội kỵ binh hoàng gia”.

...

8 năm trước trận chung kết lịch sử nói trên, vào một ngày mùa hè năm 2004, Drogba đã khóc như mưa khi biết Marseille chấp nhận mức phí chuyển nhượng 24 triệu bảng từ phía Chelsea.

Đến Chelsea với vốn liếng tiếng Anh hạn chế và hiểu biết về CLB mới là con số 0 tròn trĩnh, Drogba ban đầu còn nhầm thủ quân John Terry là... tài năng trẻ được đặc cách tập cùng đội một. Những yêu cầu mới về lối chơi, chiến thuật và một môi trường bóng đá mới, khắc nghiệt hơn, giàu sức chiến đấu hơn, khiến Drogba bị “ngợp”.

Hai năm đầu tiên ở Chelsea, Drogba góp mặt 55/76 trận của The Blues. Những phẩm chất đáng quý của Drogba là thể lực, tốc độ, di chuyển được anh thể hiện theo kiểu... một tiền đạo chuyên “lấy thịt đè người” là chính. Là tiền đạo chủ lực, song thành tích ghi bàn từng mùa luôn xếp sau chân sút số 1 - tiền vệ Frank Lampard. Chưa kể, Drogba luôn chịu sự công kích của báo giới anh và ngay từ chính CĐV của CLB, bất chấp những đóng góp của anh.

Sau khi mùa giải 2005-2006 khép lại, Drogba đáng lẽ đã quay trở về nước Pháp nếu không có những dòng tin nhắn của Frank Lampard - những dòng tin nhắn đầu tiên của người đồng đội trong 2 năm gắn bó: “Hi D.D, tớ thực sự hy vọng là cậu sẽ ở lại. Vì cậu và tớ, chúng ta còn nhiều đỉnh cao phải cùng nhau chinh phục. Những danh hiệu Premier League phía trước và cả Champions League nữa”.

Mắt Drogba nhòe đi, nhưng cùng lúc đôi chân được giải phóng, cảm hứng được thăng hoa.

Mục tiêu chiến đấu được xác định rõ ràng, Didier Drogba trở thành một tiền đạo gieo rắc nỗi kinh hoàng cho mọi hàng thủ ở giải ngoại hạng Anh và châu Âu. Drogba ghi tới 33 bàn trên các mặt trận trong mùa giải 2006-2007 (hơn cả hai mùa trước cộng lại). Anh trở thành cầu thủ Chelsea đầu tiên sau Kerry Dixon mùa bóng 1984-1985 ghi hơn 30 bàn trong một mùa giải. Một trong số đó là pha lập công trong hiệp phụ trận chung kết cúp FA giúp Chelsea đăng quang. Đầu năm 2007 Drogba nhận được các giải thưởng: Cầu thủ xuất sắc nhất Bờ Biển Ngà, Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi.

Mùa giải 2007-2008, 2 pha lập công trước Liverpool giúp Chelsea giành quyền dự trận chung kết Champions League đầu tiên trong lịch sử CLB. Thế nhưng, trận chung kết là cú trượt chân của đội trưởng Jonh Terry, là Michael Ballack gục ngã sau khoảnh khắc đó... Trong cơn mưa tầm tã trên Sân vận động Luzhniki, có lẫn những giọt nước mắt đắng cay khôn cùng.

Chưa hết, trong phòng thay đồ sau trận chung kết, Drogba nhận tin bà nội anh đang hấp hối. Chủ tịch Abramovich ngay lập tức cho người chuẩn bị một chuyên cơ riêng để đưa Drogba về Bờ Biển Ngà.

Trước khi máy bay cất cánh, Abramovich cần Drogba nói một câu với con trai mình - nhóc Arkadiy vẫn đang nức nở từ sau tiếng còi kết thúc trận đấu.

“Một ngày nào đó, sớm thôi, chú sẽ giành chức vô địch Champions League vì cháu” - Drogba nói.

...

Một dòng tin nhắn, một lời hứa và còn gì nữa đằng sau một chiếc cúp? Mới đây, trên Twitter, Didier Drogba kể lại hành trình lên ngôi tại Champions League 2012:

“8 năm trước, HLV trưởng bị CLB sa thải. Các cầu thủ chúng tôi tổ chức một cuộc họp và thừa nhận có một phần trách nhiệm vì sự ra đi của ông ấy. Đội trưởng John Terry lên tiếng, Frank Lampard, Petr Cech và các thủ lĩnh khác cũng vậy.

Tất cả chúng tôi quyết định nỗ lực hết sức cho đấu trường này dù đã nhận thất bại 1-3 trước Napoli. Chúng tôi đã theo đuổi chiếc cúp ấy 8 năm trời và vị trí cao nhất vẫn chỉ là á quân. Tất cả mọi người thống nhất là dẹp cái tôi đi và cùng hướng đến một mục tiêu chung.

Sau cuộc họp đó, tôi đề nghị cầu thủ trẻ 23 tuổi Juan Mata rằng: “Này Nhạc trưởng, hãy giúp anh giành Champions League nhé”. Cậu ấy nhìn tôi kiểu như “ông điên à, ông là Didier Drogba và ông mới phải là người giúp tôi giành chức vô địch chứ”. Tôi liền bảo cậu ấy rằng “anh đã ở đây 8 năm và chưa bao giờ vô địch giải đấu này. Vì thế anh tin cậu sẽ là người giúp đội bóng lên ngôi. Anh sẽ tặng cậu quà nếu chúng ta vô địch”. Đó là thời điểm cuối tháng 2.

3 tháng sau, chúng tôi ở Munich đá trận chung kết ngay trên chính sân của đối thủ. Cả sân chìm trong sắc đỏ. Đội chủ nhà vươn lên dẫn trước khi trận đấu chỉ còn 8 phút và trong 8 phút đó, tôi vô cùng nản lòng. Tuy nhiên chàng trai trẻ kia bảo tôi “Hãy giữ niềm tin, Didi à”. Nhìn vào bảng tỷ số, tôi suýt bật khóc khi trả lời cậu ấy: “Nhưng tin vào cái gì bây giờ? Thời gian sắp hết rồi”.

Nếu chúng tôi thua, có lẽ tôi sẽ lại khóc giống như vài tháng trước đó khi tôi thất bại ở chung kết CAN với Bờ Biển Ngà.

Phút cuối cùng, quả phạt góc cuối cùng, đó là quả phạt góc đầu tiên của chúng tôi sau 18 tình huống của Bayern Munich. Đoán xem ai đá quả phạt góc ấy nào... là Mata. Và phần còn lại là lịch sử.

Thế đấy, bài học rút ra là: Không ngừng tin tưởng!”.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]