Lần thứ hai trong vòng một tháng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Beirut, nơi ông hy vọng "một chính phủ hành động" sẽ nhanh chóng được thành lập nhằm đưa đất nước Liban sớm thoát khỏi các cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế tồi tệ hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sứ mệnh đưa Liban thoát khỏi khủng hoảng khó hoàn thành

Lần thứ hai trong vòng một tháng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Beirut, nơi ông hy vọng “một chính phủ hành động” sẽ nhanh chóng được thành lập nhằm đưa đất nước Liban sớm thoát khỏi các cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế tồi tệ hiện nay.

Sứ mệnh đưa Liban thoát khỏi khủng hoảng khó hoàn thànhTổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) tại Beirut. (Nguồn: AP)

“Tôi sẽ không bỏ mặc các bạn!” - ba tuần sau lời hứa với người dân Liban khi đặt chân tới Beirut ngay sau vụ nổ kinh hoàng khiến khoảng 190 người thiệt mạng ngày 4/8, ông Macron đã trở lại quốc gia Trung Đông, trên danh nghĩa là nhân sự kiện 100 năm Tướng Pháp Henri Gouraud tuyên bố thành lập Nhà nước Liban.

Và kết quả của chuyến công du lần thứ hai trong chưa đầy một tháng này là cam kết của giới lãnh đạo của Liban về việc thành lập một chính phủ mới trong hai tuần tới để thúc đẩy lộ trình cải cách ở quốc gia Trung Đông.

Tổng thống Macron hy vọng chính phủ mới ở Liban có thể “sẽ bắt đầu đưa ra lộ trình cải cách trong 6-8 tuần tới," bởi thực hiện cải cách là điều kiện chính để quốc gia Trung Đông nhận được viện trợ quốc tế .

Việc Tổng thống Pháp Macron hai lần tới thăm Liban chỉ trong chưa đầy một tháng cho thấy ông đang rất nỗ lực trong “sứ mệnh” tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ ở quốc gia vốn chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế-chính trị suốt nhiều tháng qua.

Các chuyên gia chỉ ra rằng chính sách sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm ở Liban đã dẫn đến nợ công tính đến tháng Ba năm nay là 92 tỷ USD, tương đương 170% GDP của nước này. Gánh nặng nợ công lớn nhất thế giới đã “bóp nghẹt” nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tới 35%, hơn 45% dân số sống trong nghèo đói.

Cùng một lúc, Liban phải hứng chịu những cú sốc nặng nề khi tiền tệ sụt giá, các doanh nghiệp đồng loạt đóng cửa, giá cả hàng hóa cơ bản leo thang chóng mặt và nạn đói đe dọa những người nghèo nhất trong xã hội. Bên cạnh đó là những thách thức lớn về an ninh và những khó khăn này ngày càng chồng chất do ảnh hưởng từ cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia láng giềng Syria.

Làn sóng biểu tình phản đối việc chính quyền không cung cấp các dịch vụ cơ bản và không có năng lực thực hiện các cải cách kinh tế sâu rộng nhằm cứu vãn nền kinh tế trì trệ, bùng phát từ cuối năm ngoái vẫn tiếp diễn trong năm nay, khi mà đại dịch COVID-19 càng khiến cuộc khủng hoảng ở Liban trở nên nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, việc nhà lãnh đạo Pháp liên tiếp công du Liban dường như cho thấy Paris đang muốn tái khẳng định vai trò quốc tế ở khu vực. Trên thực tế, mối quan hệ mật thiết giữa hai nước, bắt nguồn từ 23 năm Liban là thuộc địa của Pháp, khiến Paris luôn hợp tác chặt chẽ và thường xuyên hỗ trợ Liban.

Paris đã phản ứng nhanh chóng với vụ nổ ở cảng Beirut khi chỉ hai ngày sau đó đã tổ chức một hội nghị quốc tế để hỗ trợ Liban giải quyết tình trạng khẩn cấp nhân đạo. Khoảng 250 triệu euro đã được huy động, hơn 400 binh sỹ Pháp đã được triển khai để cung cấp khoảng 1.000 tấn viện trợ y tế và thực phẩm, cũng như vật liệu xây dựng…

Sự tham dự tích cực của Paris trong vấn đề Liban sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng của Pháp ở quốc gia Trung Đông và điều này gắn với vị trí địa chiến lược của Liban. Cách đây 10 năm, Liban vẫn là một trong ba ưu tiên của khu vực, nhận được sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi khu vực đang đối mặt với nhiều mối bận tâm như nguy cơ xung đột giữa Yemen và Libya, cuộc khủng hoảng ở Syria, căng thẳng giữa Mỹ và Iran...

Đối với Tổng thống Macron, Liban có tầm quan trọng trong khu vực, và việc tăng cường ảnh hưởng ở Liban sẽ cho phép không chỉ Pháp mà cả phương Tây giành lại vị thế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông trước những “đối thủ” như Iran, Nga hay Trung Quốc…

Cũng như chuyến thăm đầu tiên tới Liban vào đầu tháng Tám, chỉ hai ngày sau vụ nổ thảm khốc khiến khoảng 190 người thiệt mạng ở cảng Beirut và tàn phá các quận của thủ đô, trong chuyến công du lần này, mục tiêu của ông chủ Điện Elysse vẫn không thay đổi, đó là gây áp lực cải cách đối với bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương của Liban.

Tổng thống Pháp hy vọng sẽ thúc đẩy các đảng phái Liban vì lợi ích chung mà nhanh chóng thành lập một “chính phủ hành động” với bốn sứ mệnh: giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra, phục hồi tình hình kinh tế và tài chính, tái thiết cảng biển Beirut và chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội.

Theo ông Macron, đây sẽ phải là một chính phủ độc lập và hiệu quả, được tất cả các đảng phái chính trị ủng hộ, có khả năng thực hiện các cải cách mà người dân Liban mong muốn.

Những cải cách này đã được nêu rõ trong kết luận của Hội nghị quốc tế về phát triển Liban, tổ chức tại Paris tháng 4/2018 với sự tham gia của gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế. Đó là phải thông qua luật chống tham nhũng; xem xét lại toàn bộ việc quản lý ngành điện lực, truyền thông, hải quan; tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, bắt đầu từ ngân hàng trung ương, nơi dự trữ ngoại hối đang thất thoát và đòi hỏi một cuộc kiểm toán sâu rộng.

Có thể thấy sau hai chuyến thăm, áp lực từ phía Pháp bắt đầu có hiệu quả ban đầu. Tân Thủ tướng Mustapha Adib đã được các đảng phái chính của Liban thống nhất đề cử chỉ vài giờ trước chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Macron.

Nhà lãnh đạo phong trào Hezbollah tại Liban, ông Hassan Nasrallah, tuyên bố “sẵn sàng cho một cuộc thảo luận mang tính xây dựng” về một “hiệp ước chính trị mới” mà Tổng thống Pháp đề xuất.

Sứ mệnh đưa Liban thoát khỏi khủng hoảng khó hoàn thànhNgười dân tại Tripoli, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Tổng thống Liban Michel Aoun bất ngờ kêu gọi thiết lập một “nhà nước thế tục” trung lập về các vấn đề tôn giáo, không hỗ trợ cũng không phản đối bất kỳ tôn giáo nào.

Tiếp đó là cam kết của ban lãnh đạo Liban trong cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp tối 1/9, theo đó “chính phủ hành động” sẽ được nhanh chóng thành lập trong vòng 15 ngày tới, bao gồm hàng chục thành viên có quyền hạn đặc biệt, để có thời gian thực hiện các cải cách và tổ chức thành công cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu ý chí và cố gắng của Tổng thống Macron có thể lay chuyển được hệ thống chính trị chia sẻ quyền lực dựa trên tôn giáo ở Liban, trong đó mọi thứ từ chức vụ hàng đầu trong chính phủ đến công việc dân sự được phân bổ theo một hệ thống giáo phái phức tạp, hay không.

Theo một thỏa thuận tồn tại gần 80 năm nay, ba chức danh lãnh đạo chính là tổng thống, chủ tịch quốc hội và thủ tướng được phân chia đều cho ba cộng đồng lớn nhất ở Liban là Công giáo Maronite, người đạo Hồi theo dòng Shia và đạo Hồi theo dòng Sunni. 128 ghế trong quốc hội Liban cũng được chia đều giữa người theo đạo Hồi và Thiên chúa giáo.

Giới phân tích cho rằng hệ thống chính trị ở Liban chịu tác động của yếu tố lợi ích phe phái, các chính trị gia nước này thường khó đạt được đồng thuận khi cần đưa ra những quyết sách liên quan các vấn đề hệ trọng của đất nước, bởi họ sẽ luôn bảo vệ lợi ích cộng đồng tôn giáo họ đại diện.

Thực tế này được coi là nguyên nhân khiến con đường cải cách của Liban theo lộ trình đặt ra tại hội nghị quốc tế ở Paris tháng 4/2018 hầu như không tiến triển. Với số ghế đa số trong quốc hội, các đảng phái chính luôn có khả năng ngăn chặn quá trình này vì lợi ích cộng đồng tôn giáo của họ.

Những đặc điểm chính trị tại Liban khiến con đường dẫn đến sự ổn định của quốc gia Trung Đông còn rất dài và tồn tại rất nhiều thách thức.

Các chuyên gia cho rằng sứ mệnh thúc đẩy cải cách ở Liban mà Tổng thống Macron đặt ra sau hai chuyến thăm quốc gia Trung Đông này khó có khả năng sớm hoàn thành, bởi một mình Pháp không đủ sức nặng để thay đổi quỹ đạo chính trị ở quốc gia đang bị ràng buộc với các sắc tộc và tôn giáo mang những lợi ích thông thường khó hòa giải được như Liban. Có lẽ chính người Liban mới là những tác nhân tích cực thúc đẩy quá trình cải cách này./.

(TTXVN/Vietnam+)


(TTXVN/Vietnam+)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]