Các chuyên gia phân tích ngày 3/1 đã tỏ ý quan ngại rằng nguy cơ xung đột leo thangở khu vực Trung Đông có thể gây ra những thiệt hại kinh tế đối với không ít quốc gia trên thế giới cũng như ảnh hưởng bất lợi tới các thị trường vàng, dầu, chứng khoán và tài chính trên toàn cầu ngay từ đầu năm 2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sân bay Baghdad bị không kích: Nhiều nước sẽ bị thiệt hại kinh tế

Các chuyên gia phân tích ngày 3/1 đã tỏ ý quan ngại rằng nguy cơ xung đột leo thangở khu vực Trung Đông có thể gây ra những thiệt hại kinh tế đối với không ít quốc gia trên thế giới cũng như ảnh hưởng bất lợi tới các thị trường vàng, dầu, chứng khoán và tài chính trên toàn cầu ngay từ đầu năm 2020.

Sân bay Baghdad bị không kích: Nhiều nước sẽ bị thiệt hại kinh tế

Khói bốc lên từ bốt gác tại lối vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, ngày 31/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc không kích của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq ngày 3/1 khiến Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Thiếu tướng Qasem Soleimani, thiệt mạng đã gây lo ngại về các cuộc xung đột tại Trung Đông gia tăng.

Theo nhà đồng sáng lập DataTrek Research, Nicholas Colas, những “cú sốc” về giá dầu đã gây thiệt hại nhiều nhất đối với nền kinh tế Mỹ so với bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Trong lịch sử hiện đại của Mỹ, giá dầu tăng là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thoái đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Xung đột ở khu vực Trung Đông – nơi sở hữu tài nguyên dầu mỏ dồi dào và là nguồn cung cấp “vàng đen’ quan trọng của thế giới – sẽ đẩy giá dầu tăng cao, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu tiêu dùng – động lực quan trọng của nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, Giám đốc chiến lược đầu tư của Glenmede, Mike Reynolds, nhận định, lịch sử của Mỹ cho thấy suy thoái kinh tế Mỹ thường xảy ra sau khi giá dầu tăng cao.

Còn ông Troy Gayeski, đồng Giám đốc đầu tư của SkyBridge Capital, cho rằng những “cú sốc” giá dầu thường rất đáng quan ngại do đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu hộ gia đình và niềm tin tiêu dùng của Mỹ.

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Động sẽ gây ra phản ứng dây chuyền đối với các nền kinh tế Nam Á - vốn có nền kinh tế dựa vào nguồn kiều hối từ các lao động làm việc tại nước ngoài.

Theo số liệu thống kê, các nước Nam Á hiện có tổng cộng gần 20 triệu người lao động làm việc tại Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Oman và Bahrain với nguồn kiểu hối lên tới 131 tỷ USD năm 2019.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nguồn kiều hối của các lao động làm việc tại khu vực Trung Đông gửi về các nước Nam Á tăng 12% năm 2018, cao gấp đôi mức tăng của năm 2017. Trong đó, con số tương ứng của Ấn Độ và Bangladesh tăng lần lượt 14% và 15%.

Còn tại khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Xã hội Philippines Ernesto M. Pernia ngày 3/1 cho hay các lao động của nước này đang làm việc tại khu vực Trung Đông sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do xung đột ở khu vực trên gia tăng.

Theo ông Ernesto M. Pernia, một trong những ảnh hưởng ngay lập tức của mối nguy trên là giá dầu trong nước của Philippines gia tăng.

Còn theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Philippines, 54,9% trong tổng số 2,29 triệu người lao động Philippines làm việc ở nước ngoài trong năm 2018 là làm việc tại Trung Đông hay Tây Á, trong đó có UAE, Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Jordan, Liban.

Trong số này, Kuwait, Saudi Arabia và UAE đứng đầu về nguồn kiều hối của Phlippines (theo số liệu của Banko Sentral ng Pilipinas).

Sân bay Baghdad bị không kích: Nhiều nước sẽ bị thiệt hại kinh tếNgười biểu tình rút khỏi khuôn viên Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad, Iraq ngày 1/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng bất kỳ sự gia tăng xung đột nào xảy ra ở khu vực Trung Đông cũng ảnh hưởng sâu rộng tới các thị trường dầu, vàng cũng như chứng khoán và tài chính trên toàn cầu.

Theo nhà phân tích Alex Kemp của Đại học Aberdeen, giá dầu có thể tiếp tục tăng cao sau vụ không kích của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq do quan ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông.

Giá dầu Brent tại thị trường London (Vương quốc Anh) đã tăng mạnh 4,4% lên 69,16 USD/thùng còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York (Mỹ) tăng 4,3% lên 63,84 USD/thùng ngay sau khi vụ không kích diễn ra.

Theo nhà kinh tế Michael L. Ricafort của RCBC, cuộc không kích của Mỹ đã khiến giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất khoảng 4 tháng qua và có thể gây gián đoạn hoạt động sản xuất và cung cấp dầu từ Iran và Iraq.

Trong khi đó, nhà kinh tế Robert Dan J.Roces của Security Bank, trước tình hình trên, giá dầu tăng có thể kéo theo lạm phát của Philippines gia tăng.

Theo số liệu thống kê, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Philippines trung bình ở mức 5,2% năm 2018, mức cao nhất 10 năm qua, một phần do giá dầu tăng cao trong năm 2018.

Iran có trữ lượng dầu được chứng minh lên tới khoảng 150 tỷ thùng và có vị trí địa lý bên bờ vùng Vịnh và eo biển Hormuz – nơi mà xấp xỉ 1/4 lượng dầu và khoảng 1/3 lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà thế giới tiêu thụ “đi qua.”

Quân đội của Iran có thể đóng cửa eo biển này và gây ra những thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, chuyên gia Steven Leung tại Mizuho Bank nhận định, các nhà đầu tư lo ngại tình hình tại Iran có thể xấu đi, do có thể có những biện pháp đáp trả.

Sân bay Baghdad bị không kích: Nhiều nước sẽ bị thiệt hại kinh tếXe ôtô bốc cháy sau vụ không kích do Mỹ tiến hành tại sân bay quốc tế thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 3/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Steven Leung cho rằng các nhà đầu tư sẽ muốn giảm bớt rủi ro trước cuối tuần và các thị trường chứng khoán đã phục hồi mạnh trong tháng trước nên bất kỳ thông tin tiêu cực nào cũng sẽ là lý do để chốt lời.

Còn Giám đốc phụ trách các vấn đề kinh tế và thị trường tại National Australia Bank, Tapas Strickland, cho rằng tác động của các cuộc không kích của Mỹ đến thị trường chứng khoán vẫn chưa rõ ràng và còn tùy thuộc vào việc Iran sẽ đáp trả ra sao.

Sau vụ không kích của Mỹ giá vàng tại thị trường châu Á tăng 1% trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/1, chạm mức cao nhất trong bốn tháng qua.

Tại thị trường Bengalaru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay chạm mức cao nhất kể từ ngày 5/9 là 1.543,66 USD/ounce, trước khi rơi xuống mức 1.540,80 USD/ounce, còn giá vàng giao kỳ hạn tăng khoảng 1% lên 1.543,30 USD/ounce.

Tính từ đầu tuần giá vàng giao ngay tăng khoảng 2%, hướng tới tuần tăng giá thứ tư liên tiếp.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 3/1. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 0,32%, hay 92,02 điểm, xuống 28.451,5 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,1%, xuống 3.083,79 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc tăng 1,29 điểm, hay 0,06%, lên 2.176,46 điểm. Thị trường Sydney chốt phiên tăng 0,64%.

Các công ty năng lượng chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh nhất, với giá cổ phiếu của Santos tăng hơn 2% tại Sydney còn giá cổ phiếu của PetroChina niêm yết tại Hong Kong tăng 2,8%.

Benjamin Lu, chuyên gia phân tích từ Phillip Futures, cho hay, tin tức từ Trung Đông, cùng với hoạt động mua vào mang tính kỹ thuật và đồng USD yếu đã hỗ trợ giá vàng trong phiên này, bởi vàng vốn được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và chính trị.

Theo AFP, THX



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]