Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) chiều 2/10 đã kết thúc sau hai ngày làm việc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Liên minh châu Âu với dấu hỏi về quyền tự chủ chiến lược

Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) chiều 2/10 đã kết thúc sau hai ngày làm việc.

Liên minh châu Âu với dấu hỏi về quyền tự chủ chiến lượcToàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, ngày 17/7/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Chính sách đối ngoại, như thông báo trước đó về chủ đề hội nghị, không được đưa ra thảo luận nhiều, thay vào đó, các chủ đề liên quan trực tiếp tới các nước thành viên và thị trường nội khối lại chiếm phần lớn chương trình làm việc của các nhà lãnh đạo EU.

Diễn biến của hội nghị cũng làm nảy sinh nhiều ý kiến đặt câu hỏi về sự đoàn kết nội khối và khả năng định hình chiến lược của EU trong bối cảnh biến động hiện nay.

Có thể thấy trong hai ngày làm việc, nguyên thủ và thủ tướng 27 nước thành viên EU đã đề cập nhiều vấn đề nóng như tình hình Đông Địa Trung Hải, vấn đề Belarus, cuộc xung đột Nagorny Karabakh, vụ nhân vật người Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc và quan hệ với Trung Quốc.

Các đại biểu cũng thảo luận về thị trường nội khối, chính sách công nghiệp và chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời điểm lại mối quan hệ với Anh liên quan thỏa thuận Brexit.

Trong ngày làm việc đầu tiên, các nhà lãnh đạo EU đã mất khá nhiều thời gian để có thể đi đến quyết định trừng phạt Belarus. Khi kim đồng hồ chạy sang gần 1 giờ sáng ngày làm việc thứ hai, những người đứng đầu EU mới có thể thông báo việc “toàn bộ” 27 quốc gia thành viên EU nhất trí trừng phạt nhằm vào hơn 40 nhân vật lãnh đạo ở Belarus.

Nút thắt cuối cùng là Cộng hòa Síp đã từ bỏ quyền phủ quyết đối với việc trừng phạt Belarus sau khi EU đạt được một “chiến lược kép" liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Sở dĩ vụ việc lòng vòng như vậy là do Cộng hòa Síp từ hơn một tháng nay luôn tuyên bố sẽ phủ quyết việc trừng phạt Belarus nếu Brussels không mở rộng lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan việc quốc gia này tiến hành thăm dò dầu khí ở vùng biển mà Cộng hòa Síp tuyên bố chủ quyền.

Tại hội nghị, hết lần này đến lần khác, Cộng hòa Síp và Hy Lạp đã bác bỏ các dự thảo văn bản cho một tuyên bố chung của EU vì cho rằng “EU quá nhẹ tay với Ankara.”

Liên minh châu Âu với dấu hỏi về quyền tự chủ chiến lượcTàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tập trận ở Đông Địa Trung Hải. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh EU mất tới 10 giờ chỉ để giải quyết vấn đề nội bộ, thuyết phục hai nước (đặc biệt là Cộng hòa Síp) nhất trí về lệnh trừng phạt Minsk.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã phải hai lần cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuyển sang thảo luận nhóm nhỏ với các nhà lãnh đạo Hy Lạp và Síp.

Với nhiều nước EU, trong đó có Đức, quốc gia hiện là Chủ tịch luân phiên EU, gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ là điều không hay vào lúc này, bởi Ankara không chỉ rất quan trọng về mặt địa-chính trị mà nước này còn nắm trong tay con bài người di cư, có thể “xả lũ” dòng người di cư vào châu Âu bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, ngay trước Hội nghị thượng đỉnh EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, thông qua trung gian là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng đã đạt được thỏa thuận giảm leo thang và tránh xung đột trên biển và trên không.

Thủ tướng Đức Merkel, người môi giới quan trọng để Ankara và Athens đi đến thỏa thuận, không muốn “hắt nước lạnh” vào thỏa thuận vừa ráo mực này.

Mọi việc chỉ được giải quyết khi các nhà lãnh đạo EU tuyên bố “đoàn kết hoàn toàn” với Hy Lạp và Síp, đồng thời phản đối hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải.

Tuy không đưa ra biện pháp trừng phạt, song EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giảm leo thang, từ bỏ các hành động đơn phương và cảnh báo có thể dùng tới “mọi công cụ và lựa chọn” hiện có (ám chỉ áp đặt trừng phạt) để bảo vệ lợi ích của các quốc gia thành viên nếu Ankara không xuống thang căng thẳng.

Đổi lại, EU đưa ra nhiều đề nghị ưu đãi với Thổ Nhĩ Kỳ, như thảo luận về việc mở rộng liên minh thuế quan với EU và tạo điều kiện cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia mà EU mong muốn một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, thông báo không đả động đến tiến trình thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU suốt từ năm 2005, vốn đang được coi là bế tắc.

Điều này cũng phần nào cho thấy EU đã khôn khéo, vừa giúp “hạ hỏa” được hai quốc gia thành viên, vừa buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải hành động, bởi nếu không, EU sẽ phải tính tới những biện pháp cứng rắn tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào giữa tháng 12 tới.

Mặc dù nút thắt được tháo gỡ, song vụ việc trên cũng cho thấy EU đã phải vất vả và khó khăn ra sao để có thể đi tới một quyết định nhanh chóng và hiệu quả trong chính sách đối ngoại.

Quyền phủ quyết của một nước thành viên có thể chặn đứng 26 bánh xe còn lại trong bất cứ vấn đề nào mà quốc gia thành viên đó cảm thấy chưa được EU quan tâm đúng mức tới lợi ích của mình.

Cả Đức và Pháp đều muốn thay đổi điều này và muốn lựa chọn giải pháp chỉ cần hướng tới sự nhất trí của đa số, song đã bị nhiều nước thành viên, đặc biệt là các nước nhỏ, phản đối kịch liệt.

Trong một thập niên qua, nguyên tắc đồng thuận và quyền phủ quyết của các nước đối với các chính sách của khối đôi khi kìm bước EU trong các vấn đề quốc tế.

Được coi là hội nghị thượng đỉnh về chính sách đối ngoại, song thực tế, cái gọi là “đối ngoại” lại không hiện diện nhiều. Trong cuộc xung đột Nagorny Karabakh, các nhà lãnh đạo EU không mất nhiều thời gian để ra tuyên bố kêu gọi các bên lập tức chấm dứt thù địch, hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài và giải quyết hòa bình mâu thuẫn.

Các nhà lãnh đạo EU cũng hối thúc giới chức Nga hợp tác đầy đủ với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học trong việc điều tra làm rõ vụ nhân vật Navalny nghi bị đầu độc.

Trong quan hệ với Trung Quốc, EU ủng hộ mục tiêu hoàn tất đàm phán về một thỏa thuận đầu tư toàn diện song phương (CAI) vào cuối năm nay. Các nhà lãnh đạo EU cũng khuyến khích Trung Quốc có trách nhiệm lớn hơn với những thách thức toàn cầu, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong vấn đề Brexit, Thủ tướng Đức Merkel bày tỏ lạc quan rằng một quyết định về tương lai quan hệ giữa Anh và EU có thể được đưa ra “trong vài ngày tới.”

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mong muốn tăng cường đàm phán về một hiệp định thương mại với Anh, song “không phải bằng mọi giá."

Với những chủ đề mà các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần này, có thể nói dư luận chưa thể thấy được tầm vóc của một EU theo kỳ vọng của những người đứng đầu khối.

Từ Chủ tịch EC von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel từ lâu đã kêu gọi EU tự nắm vận mệnh và đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, một phần vì đồng minh bên kia Đại Tây Dương là Mỹ đang ngày càng rời xa châu Âu và rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế quan trọng.

Thế nhưng với những nguyên tắc và cách tiếp cận hiện nay, EU được cho khó có thể tiến xa hơn với tham vọng của mình.

Nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tại Nghị viện châu Âu, ông Norbert Neuser, cho rằng việc Cộng hòa Síp phong tỏa lệnh cấm vận của EU đối với Belarus đã cho thấy sự chậm chạp trong chính sách đối ngoại của EU khi vẫn áp dụng nguyên tắc đồng thuận thay vì quy trình hiệu quả hơn là thông qua quyết định của đa số.

Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Nicola Beer cũng cho rằng chừng nào EU còn tuân thủ nguyên tắc này thì liên minh sẽ vẫn “giậm chân tại chỗ” trong chính sách đối ngoại.

Theo bà, các hội nghị thượng đỉnh EU tới đây cần tiến tới thay thế nguyên tắc đồng thuận trong chính sách đối ngoại bằng quyết định của đa số. Thực tế, nếu không thể thay đổi nguyên tắc này thì EU khó lòng có thể đạt được sự đồng thuận trong hàng loạt vấn đề, kể cả đối nội và đối ngoại, đặc biệt với những chủ đề nhạy cảm như trong quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng dù ban đầu có khó khăn, song cuối cùng EU vẫn đạt được một tiếng nói chung, tất nhiên sau những màn đối thoại căng thẳng và cả sự nhượng bộ, cũng như nhờ khả năng thuyết phục của một số nhà lãnh đạo “đầu tàu.”

Trong những năm qua, một EU “trưởng thành” cũng đã phần nào được thể hiện rõ nét hơn trong các chính sách đối ngoại thông qua việc định hình “quyền tự chủ chiến lược” của khối.

Quyền tự chủ chiến lược sẽ dẫn dắt EU tới đâu phụ thuộc rất lớn vào sự đoàn kết nội khối và quyết tâm của các nhà lãnh đạo EU trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)


(TTXVN/Vietnam+)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]