(Baothanhhoa.vn) - Lần đầu tiên kể từ khi được công bố năm 2021, Thanh Hóa đã bứt phá ngoạn mục khi vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020) và thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020). Bước “nhảy vọt” ấn tượng này đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và sự nhất quán trong hành động của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở khi kiên trì thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính.

Thanh Hóa: Cuộc bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng PAPI (Bài 1): Bước “nhảy vọt” ấn tượng

Lần đầu tiên kể từ khi được công bố năm 2021, Thanh Hóa đã bứt phá ngoạn mục khi vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020) và thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020). Bước “nhảy vọt” ấn tượng này đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và sự nhất quán trong hành động của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở khi kiên trì thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính.

Thanh Hóa: Cuộc bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng PAPI (Bài 1): Bước “nhảy vọt” ấn tượngCông chức bộ phận “một cửa” UBND TP Thanh Hóa giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

Chinh phục top 3 cả nước

Bộ chỉ số quốc gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được thực hiện từ việc đo lường trải nghiệm của người dân đối với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền. Chỉ số PAPI được thực hiện năm 2009. Thanh Hóa chính thức tham gia vào bộ chỉ số PAPI từ năm 2011 nhưng nhiều năm liên tục, vị trí xếp hạng của Thanh Hóa luôn nằm ở nhóm trung bình cao của cả nước. Ngoại trừ năm 2018, Thanh Hóa vươn lên xếp thứ 11 thì các năm còn lại, Thanh Hóa không cải thiện được điểm số mà còn có xu hướng giảm dần và thứ hạng luôn không ổn định, chỉ duy trì ở vị trí thứ 20 đến 28/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Trong đó, nhiều chỉ số thành phần như quản trị điện tử, quản trị môi trường hay trách nhiệm giải trình với người dân... nhiều năm nằm ở mức trung bình thấp; một số chỉ số thành phần giảm điểm nhiều năm liên tục mà chưa được khắc phục. Tính chung 10 năm (2011-2020), chỉ số PAPI của Thanh Hóa chỉ tăng 0,6 điểm, thuộc nhóm thấp của cả nước.

Trước thực trạng đáng “quan ngại” trên, đồng thời, với mong muốn cải thiện thứ bậc xếp hạng trên “đường đua”, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành và đưa ra nhiều giải pháp thực thi thật sự hiệu quả để cải thiện mạnh mẽ vị trí xếp hạng PAPI của tỉnh.

Bầu không khí đổi mới cùng quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở đã truyền “sức nóng”, truyền “lửa cải cách” đến từng cán bộ, công chức, viên chức – đó chính là “chìa khóa” quan trọng giúp Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố khác, vươn lên một cách “ngoạn mục” trên bảng xếp hạng PAPI năm 2021 và lần đầu tiên được xướng tên ở vị trí top 3 tỉnh dẫn đầu cả nước với 47,102 điểm, sau Thừa Thiên Huế (48,059 điểm) và Bình Dương (47,187 điểm). Không phải ngẫu nhiên khi 8 chỉ số nội dung, 29 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu thành phần cấu thành Chỉ số PAPI năm 2021 được khảo sát từ người dân, Thanh Hóa có tới 7/8 chỉ số nội dung tăng mạnh, nằm trong nhóm cao nhất cả nước, đó là: Chỉ số thành phần về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng từ 4,84 điểm lên 5,85 điểm (cao nhất cả nước); chỉ số công khai, minh bạch tăng từ 5,44 điểm lên 6,20 điểm (đứng thứ 2 cả nước cùng với Thừa Thiên Huế và đứng sau Bình Dương 6,25 điểm); chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng từ 7,19 điểm lên 7,81 điểm (đứng thứ 2 cả nước sau Bình Dương 8,15 điểm)... Kết quả này là sự phản ánh thực chất, khách quan nhất cho hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền theo hướng kiến tạo, vì Nhân dân phục vụ. Vì đi đúng hướng nên các cấp chính quyền được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo nên sức mạnh để Thanh Hóa vươn lên vị trí top 3 của cả nước.

Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam tại Trung ương và địa phương, Công ty Phân tích thời gian thực và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tiến hành 387 cuộc phỏng vấn đối với người dân ở 24 thôn, phố của 12 xã, phường thuộc 6 địa phương là Hậu Lộc, Nông Cống, Quảng Xương, Cẩm Thủy, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa. Ông Nguyễn Văn Thuyết, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Các địa phương được lựa chọn phỏng vấn cung cấp danh sách người dân từ 18 đến dưới 70 tuổi có mặt trên địa bàn. Qua đó, họ lựa chọn hoàn toàn khách quan, ngẫu nhiên và phỏng vấn trực tiếp người dân. Chỉ có người dân được biết nội dung phỏng vấn, vì vậy mà kết quả xếp hạng hoàn toàn trung thực, khách quan từ thực tiễn, phản ánh đúng kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các địa phương”.

Như vậy, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025, Thanh Hóa đã hiện thực hóa thành công mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI theo “Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021–2025” đã đề ra. Bước tiến mới về chỉ số PAPI mà tỉnh đạt được là rất vui mừng, phấn khởi, song cũng đặt ra cho Thanh Hóa trách nhiệm lớn hơn, cao hơn để giữ vững và bứt phá mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

Ấn tượng PAR INDEX

Sau PAPI, năm 2012, Thanh Hóa cũng chính thức tham gia vào bộ Chỉ số CCHC (PAR INDEX) nhưng nhiều năm liên tục đều xếp ở nhóm cuối của cả nước. Giai đoạn 2017-2019, PAR INDEX của Thanh Hóa luôn không ổn định và xếp ở nhóm cuối của cả nước khi đứng ở vị trí thứ 61 (năm 2017), thứ 57 (năm 2018), thứ 43 (năm 2019), thứ 29 (năm 2020). Năm 2021, lần đầu tiên Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố khác và “về đích” ở vị trí thứ 14 với 87,83 điểm. Bước “nhảy vọt” ấn tượng về thứ hạng trong lần công bố này một lần nữa khẳng định công tác chỉ đạo, điều hành được đặt lên hàng đầu chính là yếu tố then chốt để Thanh Hóa mở cánh cửa thành công. Dấu ấn nổi bật trong bộ chỉ số PAR INDEX mà Thanh Hóa đạt được là cả 8 lĩnh vực đánh giá đều có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2020, trong đó công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 7,82 điểm; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 8,93 điểm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đạt 9,23 điểm; cải cách tài chính công đạt 9,88 điểm; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt 11,49 điểm; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt 12,70 điểm; hiện đại hóa hành chính đạt 14,18 điểm; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt 13,61 điểm.

Kết quả xếp hạng các chỉ số cải cách năm 2021 là hiện thực sinh động cho khát vọng không ngừng vươn xa của Thanh Hóa trong hành trình cải cách, đổi mới. Đáng phấn khởi, trong 8 lĩnh vực đánh giá thì lĩnh vực hiện đại hóa hành chính của Thanh Hóa xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này là cả một chặng đường dài không ngừng nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Để phục vụ cho việc xây dựng chính quyền điện tử theo đúng định hướng của Chính phủ, từ năm 2019, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tham vấn các tổ chức, chuyên gia để được tư vấn, định hướng các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh. Sau khi Chính phủ ban hành khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Thanh Hóa cũng đã sớm phê duyệt đề cương Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa phiên bản 2.0. Đóng vai trò trụ cột của chính quyền điện tử, việc hiện đại hóa hành chính được Thanh Hóa quan tâm đầu tư xây dựng. Theo đó, trục tích hợp liên thông văn bản LGSP của tỉnh đã kết nối, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chất lượng cao, với công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh nằm trong top đầu của cả nước triển khai hiệu quả việc tạo lập văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số. Mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số có bước đột phá quan trọng khi cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi phương thức, lề lối, thói quen làm việc từ giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Tỉnh đã cấp thiết bị ký số dạng E-token (ký số trên máy tính) cho 100% các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã và hơn 150 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, cấp 1.100 chứng thư số cấp cho cá nhân; việc ký số trên thiết bị di động cũng đang được triển khai thí điểm. Năm 2021, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 99% (trừ các văn bản mật theo quy định); 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã trao đổi, xử lý trên hệ thống 1.988.791 lượt văn bản đến và 808.230 văn bản đi. Thanh Hóa cũng là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất trong cả nước với 600 điểm cầu (31 điểm cầu tại các ban, sở, ngành và UBND cấp huyện, 10 điểm cầu của khối các cơ quan Đảng, 559 điểm cầu UBND cấp xã) và 18 phòng họp không giấy tờ của các đơn vị, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí cho các cuộc họp và rất phù hợp trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Không dừng ở đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng được đầu tư mạnh mẽ. Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống “một cửa” điện tử tại 27/27 UBND cấp huyện và 559/559 UBND cấp xã, tạo thành một hệ thống hiện đại, đồng bộ, góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh. Thanh Hóa là 1 trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên của cả nước kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện đang cung cấp 874 TTHC mức độ 3 và 4, phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi và công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC. Thúc đẩy lộ trình ứng dụng công nghệ số, Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng tòa nhà Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa để phát triển các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin cho các tổ chức, cá nhân và các hoạt động khác liên quan đến công nghệ thông tin. Tỉnh cũng khuyến khích và “trao quyền” cho mỗi người dân để trở thành những “công dân điện tử”, là hạt nhân quan trọng trong hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Đặc biệt, UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về thúc đẩy triển khai chính quyền số, xã hội số, kinh tế số giai đoạn 2021-2025..., tạo tiền đề để từ năm 2022 trở đi Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực bứt phá, đẩy nhanh lộ trình xây dựng chính quyền điện tử.

Cùng với hiện đại hóa hành chính, Thanh Hóa vui mừng khi đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố ở lĩnh vực tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, dù không nằm ngoài vòng xoáy do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng Thanh Hóa hoàn toàn có quyền tự hào khi là điểm sáng của cả nước trong thực hiện “mục tiêu kép”. Tỉnh đã đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Bằng sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng và đồng bộ, Thanh Hóa đã có sự “bứt tốc” tăng trưởng để ghi dấu ấn đậm nét lên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bằng những “kỷ lục” có ý nghĩa lớn lao. Minh chứng rõ nhất là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,85%, đưa Thanh Hóa đứng vào nhóm những tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 39.600 tỷ đồng, vượt 49,1% so với dự toán; giải ngân vốn đầu tư công đạt 91% kế hoạch, cao hơn 5,2% so với cùng kỳ và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao cả nước; thành lập mới ước đạt 3.729 doanh nghiệp, đứng thứ 4 cả nước... Đặc biệt, năm 2021 tiếp tục chứng tỏ sức hút của Thanh Hóa - điểm đến đầy tiềm năng, độ tin cậy cao, an toàn và hấp dẫn các nhà đầu tư. “Làn sóng” nghìn tỷ, mà nổi bật với những dự án “khủng” như Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng; Khu Du lịch sinh thái Tân Dân có tổng mức đầu tư 3.662 tỷ đồng; Flamingo Hải Tiến có tổng mức đầu tư 3.350 tỷ đồng... đã cho thấy thành công của Thanh Hóa trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Những con số “biết nói” về thành tựu tăng trưởng đã phản ánh sinh động và đầy thuyết phục những sắc thái tươi mới trên bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội năm 2021. Đồng thời, cũng là minh chứng về một Thanh Hóa đổi mới trong định hướng, tư duy, tầm nhìn phát triển.

Những kết quả quan trọng kể trên là minh chứng cho bước tiến dài của Thanh Hóa trên bảng xếp hạng PAPI; song không vì kết quả đạt được mà công tác CCHC được phép trùng xuống. Với tâm thế đó, Thanh Hóa tiếp tục nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được, đồng thời “nhìn thẳng vào sự thật” để “mổ xẻ” những tiêu chí còn thấp điểm, mất điểm để đưa ra mục tiêu phấn đấu mới cao hơn cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Tố Phương

Bài 2: “Chìa khóa” tạo dựng thành công.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]