(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù là loại hình du lịch còn “khá trẻ”, thế nhưng với những ưu thế riêng là dựa vào tự nhiên, văn hóa, có đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững. Thế nên, vài năm trở lại đây du lịch xanh đã trở thành sản phẩm thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa, thu hút sự quan tâm rộng rãi của khách du lịch.

Tăng cường kết nối - Mở rộng cơ hội (Bài 2): Kết nối các “điểm đến xanh”, “tuyến du lịch xanh”

Mặc dù là loại hình du lịch còn “khá trẻ”, thế nhưng với những ưu thế riêng là dựa vào tự nhiên, văn hóa, có đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững. Thế nên, vài năm trở lại đây du lịch xanh đã trở thành sản phẩm thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa, thu hút sự quan tâm rộng rãi của khách du lịch.

Tăng cường kết nối - Mở rộng cơ hội (Bài 2): Kết nối các “điểm đến xanh”, “tuyến du lịch xanh”Cảnh quan Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh). Ảnh: Nguyễn Đạt

Tin liên quan:
  • Tăng cường kết nối - Mở rộng cơ hội (Bài 2): Kết nối các “điểm đến xanh”, “tuyến du lịch xanh”
    Tăng cường kết nối - Mở rộng cơ hội (Bài 1): Mở cửa bầu trời

    Việc mở lại toàn bộ đường bay nội địa và đường bay thông lệ quốc tế đã, đang mở ra cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho toàn ngành du lịch trong bối cảnh “bình thường mới”. Với ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa, việc khai thác trở lại các đường bay cũng chính là “mở cửa” thị trường du lịch, thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác, hướng đến đa dạng hóa nguồn khách “chiến lược” ngay trong thời điểm du lịch phục hồi.

Xu hướng du lịch xanh

Những năm gần đây, du lịch xanh không chỉ là một khái niệm mà đã trở thành xu hướng, đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, thu hút sự quan tâm rộng rãi của khách du lịch. Nắm bắt được thị hiếu đó, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch xanh, đồng thời đẩy mạnh kết nối các tour, điểm, tuyến du lịch xanh với các trọng điểm du lịch ở cả trong và ngoài tỉnh.

Được ví như một “Hạ Long thu nhỏ” ở xứ Thanh, thời gian qua, Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh) là một trong những điểm du lịch xanh thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế suốt 4 mùa. Đến với Bến En, du khách sẽ được trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ, được khám phá và tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, đặc biệt sẽ được đi dạo quanh lòng hồ sông Mực, tham quan 21 đảo lớn nhỏ với những tên gọi mang đậm những câu chuyện huyền bí và ly kỳ, như: đảo Tình Yêu, đảo Hạnh Phúc, đảo Hy Vọng, đảo Mộng Mơ... mỗi hòn đảo đều mang một màu xanh của cây lá soi bóng tạo nên những bức tranh thủy mặc đẹp đến ngỡ ngàng. Cùng với đó, Bến En còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng hệ sinh thái đa dạng, nhất là hệ sinh thái rừng nhiệt đới và hệ sinh thái ao hồ; cùng sự đa dạng của các loài động, thực vật quý hiếm như: vượn đen má trắng, khỉ mặt đỏ, cu li lớn, cu li nhỏ, gấu, diệc sám, lim xanh, sao lá to... Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, đồng thời cũng là để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, những năm qua, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En đã tập trung khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch xanh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En cho biết: Xác định được tầm quan trọng của du lịch xanh là hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái một cách bền vững, nên trong những năm qua, ngoài việc phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch xanh, như dịch vụ cắm trại, chèo thuyền Kayak, đi bộ ven hồ... Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En còn tích cực phối hợp với ban quản lý du lịch các xã, thôn trên địa bàn huyện để liên kết, kết nối các tour du lịch cộng đồng đi xã Xuân Thái; giới thiệu dẫn khách đến với các điểm du lịch như Di tích Lò cao Kháng chiến, vườn hoa Thủy Sơn (thị trấn Bến Sung), vườn bưởi Hải Tân, thôn Vĩnh Lợi (xã Hải Long); đến với lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (xã Xuân Phúc)... Nhờ đó, trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song Vườn Quốc gia Bến En vẫn đón được 750 đoàn đến làm việc, tham quan, học tập (trong đó khách nội địa là 713 đoàn/4.852 lượt khách; khách quốc tế là 37 đoàn/145 lượt khách). Hiện Vườn Quốc gia Bến En đang xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bến En, giai đoạn 2021-2030.

Cùng với Vườn Quốc gia Bến En, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các điểm đến, các khu du lịch sinh thái, du lịch xanh thu hút khách du lịch như: Khu Du lịch Pù Luông (Bá Thước); Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân); Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); thác Voi, thác Mây (Thạch Thành); thác Ma Hao - bản Năng Cát (Lang Chánh)... Ngoài ra, còn có các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh theo mô hình trang trại được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, như: Nông trại Golden Cow, xã Lương Sơn (Thường Xuân); Nông trại Happy Farm, xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa); Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa); Khu dịch vụ thương mại tổng hợp Yên Trung, Nông trại Ánh Dương (Yên Định); Nông trại dâu tây, xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy), Trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm (Đông Sơn) và các mô hình nông nghiệp (rau, quả sạch) kết hợp với du lịch tham quan, mua sắm tại một số địa phương như Thọ Xuân, Như Xuân, Thạch Thành... Theo ước tính, hàng năm lượng khách đến tham quan loại hình du lịch xanh đạt trên 500 nghìn lượt khách.

Nói về việc phát triển du lịch xanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Thị Hải Yến cho biết: Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng như biển, rừng, hồ, núi, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh thắng... cùng những hệ sinh thái đặc trưng, nhiều loại động, thực vật quý hiếm, cùng với khí hậu trong lành, mát mẻ sẽ là những điều kiện thích hợp để khách du lịch tham gia các hoạt động du lịch xanh như dã ngoại, cắm trại, nghỉ dưỡng núi... Hơn nữa, trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày càng tăng thì việc phát triển những sản phẩm du lịch xanh có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn của điểm đến du lịch. Bởi vậy, cùng với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch (ngày 15-3), ngành du lịch Thanh Hóa đang tích cực, chủ động xây dựng hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Để làm được việc này, ngành du lịch Thanh Hóa đã ban hành và hướng dẫn triển khai Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó kiểm tra và công nhận các điểm đến đảm bảo an toàn trong việc đón và phục vụ khách du lịch; thiết lập và công bố các “điểm du lịch xanh”, “tuyến du lịch xanh”; đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Đồng thời, quan tâm đến việc đầu tư, thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch... phát triển du lịch xanh.

Để du lịch xanh phát triển bền vững

Mặc dù là loại hình du lịch còn khá trẻ song du lịch xanh đang được coi là “chìa khóa” của sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, văn minh tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa được ngành du lịch xác định là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng điểm đến, tăng sức cạnh tranh cho du lịch tỉnh nhà. Cùng với đó, là sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và tinh thần chủ động của các thành phần tham gia du lịch, từ nhà quản lý các cấp, doanh nghiệp tới cộng đồng và du khách chính là tiền đề cơ bản để du lịch xanh ở Thanh Hóa phát triển bền vững.

Hiện nay, du lịch xanh đang được xác định là trọng tâm chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển bền vững. Đây cũng là mục tiêu hướng tới xu hướng xanh của nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế - xã hội, môi trường, công nghiệp, thương mại... Thực tế ở một số địa phương tỉnh bạn, như: Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La... những năm gần đây, du lịch xanh được các địa phương này quan tâm khai thác, hình thành những điểm đến nổi tiếng, đem lại nguồn thu đáng kể từ các dịch vụ du lịch, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển ở các vùng, miền. Tại Thanh Hóa, cũng phải nhấn mạnh rằng từ khi du lịch xanh được quan tâm đầu tư phát triển không chỉ trở thành “kỳ quan bốn mùa” thu hút khách du lịch, mà còn góp phần quan trọng trong bảo tồn văn hóa, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân địa phương, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã khẩn trương xây dựng đề án phát triển du lịch, xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, khai thác các giá trị tiềm năng phục vụ phát triển du lịch xanh như: Quan Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh...

Điển hình là, tại huyện Bá Thước, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Đôn (xã Thành Lâm) và bản Kho Mường (xã Thành Sơn), tiến tới quy hoạch tổng thể phát triển du lịch 6 xã Cụm Quốc Thành, cụm kinh tế nằm trong Khu Du lịch Pù Luông (năm 2019). Ngoài ra, năm 2019 bản Đôn, bản Kho Mường, bản Báng và thác Hiêu đã được UBND tỉnh công nhận là khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng... Đây chính là điều kiện tiên quyết để đưa du lịch xanh ở Bá Thước ngày càng phát triển và thu hút đông đảo khách du lịch. Hay như, huyện Lang Chánh cũng đã công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Du lịch sinh thái bản Năng Cát, thác Ma Hao được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2120/QĐ-UBND (ngày 9-6-2020). Khu du lịch sinh thái cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa này có tổng mức đầu tư 113,407 tỷ đồng. Việc quy hoạch các phân khu du lịch sinh thái, du lịch xanh tại đây được xây dựng trên cơ sở bảo vệ nguồn sinh thủy, cảnh quan, môi trường, gắn với bảo tồn bản sắc của người dân bản địa... Qua đó, từng bước giúp người dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định từ du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa các khu, điểm du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế suốt 4 mùa.

Tuy nhiên, dù đạt được kết quả quan trọng trong phát triển du lịch xanh, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng việc xây dựng các tuyến du lịch sinh thái - du lịch xanh trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do cơ sở hạ tầng ở một số huyện miền núi chưa đồng bộ; quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu văn hóa trong phát triển du lịch xanh dẫn tới những thay đổi trong tập quán, lối sống, bản sắc của người dân bản địa; yêu cầu đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn tự nhiên, văn hóa để khai thác phát triển du lịch với các mục tiêu đảm bảo an ninh, quốc phòng và phát triển các loại hình kinh tế khác như thủy điện, chế biến nông, lâm sản... cũng là một thách thức cho phát triển du lịch xanh.

Bởi vậy, theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để phát triển du lịch xanh một cách bền vững trước hết là phải đa dạng các sản phẩm du lịch của mỗi điểm đến. Nếu hệ thống sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị tăng cao sẽ thu hút được sự chú ý của du khách hơn, đồng thời bảo đảm đáp ứng nhu cầu của du khách. Cùng với đó, là phải phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương vậy nên khi quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cũng cần dựa vào thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch để khai thác tập trung; đồng thời cần tích cực phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền du lịch xanh trong nhận thức của người làm du lịch, cho cộng đồng Nhân dân và cho cả du khách. Các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật; xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư tổ hợp du lịch để phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch ở những thị trường trọng điểm.

Nguyễn Đạt

Bài cuối: Kết nối lại mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp du lịch.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]