(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) do các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh gây ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản

Cơ sở chế biến lâm sản của gia đình anh Nguyễn Văn Tình, thôn Trung Đỗ, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy).

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) do các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh gây ra.

Đối với huyện Cẩm Thủy, sản xuất và chế biến lâm sản là ngành đã, đang góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Hiện, toàn huyện có 83 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực chế biến lâm sản, tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động. Tuy nhiên, một số cơ sở còn xem nhẹ công tác BVMT. Hoạt động chế biến lâm sản có ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề môi trường, như: Tác động đến nguồn nước, tiếng ồn, không khí... do các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ và tự phát với vốn đầu tư không lớn, chủ yếu lao động thủ công, các thiết bị chậm đổi mới, diện tích sản xuất chật hẹp. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất của các cơ sở có các công đoạn, như: Tẩy trắng nguyên liệu đối với các sản phẩm đũa, nan, tăm, bào gỗ, hệ thống xử lý nước thải sản xuất chưa được đầu tư xây dựng... Đồng thời, phần lớn các cơ sở chế biến lâm sản thường xây dựng gần vùng nguyên liệu nhằm bảo đảm thuận lợi cho việc thu mua. Tuy nhiên, điều này lại gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân do việc phát sinh các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn. Do đó, việc BVMT trong hoạt động chế biến lâm sản luôn được UBND huyện chú trọng quan tâm, chỉ đạo sát sao bằng những hành động cụ thể. Ông Mai Văn Xô, cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện, cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện Cẩm Thủy phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của chủ các cơ sở trong công tác quản lý môi trường. Ngay sau khi đăng ký kinh doanh, các cơ sở đều thực hiện đầy đủ các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT. Thường xuyên nhắc nhở các cơ sở tập trung đầu tư, xây dựng đầy đủ các công trình xử lý chất thải. Đồng thời, thành lập đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản vi phạm Luật BVMT... Các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả rõ rệt ở mỗi địa phương trên địa bàn huyện.

Cơ sở chế biến lâm sản của gia đình anh Nguyễn Văn Tình, thôn Trung Đỗ, xã Cẩm Châu sản xuất gỗ bóc xuất khẩu thành lập cách đây không lâu. Đến nay, cơ sở đã đi vào hoạt động ổn định với số lượng lao động từ 10 đến 12 người. Anh Tình cho biết: “Song song với việc được UBND huyện, xã khuyến khích, tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia đình tôi còn được hướng dẫn làm cam kết BVMT. Thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường, như: Toàn bộ khu sản xuất được xây dựng khép kín, dùng bạt che chắn để hạn chế sự phát tán bụi gỗ. Thường xuyên nhắc nhở, nâng cao ý thức của người lao động trong vấn đề BVMT. Tuy lượng khói bụi, tiếng ồn chưa được giải quyết một cách triệt để, nhưng cơ sở của gia đình anh Tình được UBND xã Cẩm Châu đánh giá là một trong những cơ sở thực hiện tốt công tác BVMT.

Tìm hiểu tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Đầu tư Năm Anh, xã Cẩm Sơn, được biết: Trước đây, khu sản xuất cũng có một hệ thống xử lý nước thải nhưng không đáp ứng được nhu cầu so với công suất hoạt động. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề xử lý nước thải, nhằm BVMT công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại hơn. Đến nay, đã hoàn thành và bắt đầu đưa vào sử dụng có hiệu quả, nước thải ra môi trường bảo đảm không bị ô nhiễm. Giám đốc công ty, ông Lê Trọng Năm, nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thực hiện đồng loạt các giải pháp BVMT và đã mang lại hiệu quả rõ rệt”.

Ngoài ra, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có nghề chế biến lâm sản phát triển mạnh, như các huyện: Lang Chánh, Quan Hóa, Như Xuân... đã và đang đẩy mạnh sản xuất gắn với công tác BVMT. Tuy nhiên, tại các địa phương, hầu hết các cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn còn hạn hẹp, đầu tư xây dựng, nhưng chưa quan tâm đến vấn đề BVMT. Đối với huyện Như Xuân, chế biến lâm sản là ngành đã và đang có nhiều triển vọng, góp phần tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động và nâng cao thu nhập cho người dân. Được biết, trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp chế biến lâm sản đang hoạt động tại các xã: Bãi Trành, Yên Cát, Xuân Hòa. Ông Nguyễn Quang Dự, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Để hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng như vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm của các cơ sở trong lĩnh vực này.

Lê Ngọc


Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]