(Baothanhhoa.vn) - Năm nào cũng vậy, mùa hè đến, thời tiết nắng nóng, oi bức khiến nhu cầu mua sắm, sử dụng các thiết bị điện lạnh tăng cao. Kéo theo đó, các dịch vụ sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng luôn trong tình trạng quá tải, các cửa hàng điện tử, điện lạnh làm không hết việc nhưng vẫn không thể đáp ứng hết yêu cầu của khách hàng.

Sửa chữa điện lạnh “chạy đua” những ngày nắng nóng

Năm nào cũng vậy, mùa hè đến, thời tiết nắng nóng, oi bức khiến nhu cầu mua sắm, sử dụng các thiết bị điện lạnh tăng cao. Kéo theo đó, các dịch vụ sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng luôn trong tình trạng quá tải, các cửa hàng điện tử, điện lạnh làm không hết việc nhưng vẫn không thể đáp ứng hết yêu cầu của khách hàng.

Sửa chữa điện lạnh “chạy đua” những ngày nắng nóngĐể đáp ứng nhu cầu của khách, anh Nguyễn Văn Dương, phường Phú Sơn đến tận nhà để lắp đặt, bảo dưỡng.

Dạo một vòng qua các cửa hàng lắp đặt, sửa chữa điện tử, điện lạnh chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua sắm và sử dụng thiết bị điện lạnh của người dân tăng cao. Vì thế, dịch vụ lắp đặt, sửa chữa cũng “nóng” hơn bao giờ hết. Anh Nguyễn Văn Dương, chủ cơ sở lắp đặt, sửa chữa điện lạnh trên đường Dốc Ga, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: “Ngày bình thường, cơ sở chỉ sửa chữa được vài ba sản phẩm, nhưng từ khoảng trung tuần tháng 5 đến nay, nhất là những ngày nắng nóng cao điểm, mỗi ngày có khoảng vài chục khách hàng đến trực tiếp hoặc gọi điện đến để lắp đặt, sửa chữa thiết bị điện lạnh. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đáp ứng được trên 50% lượng khách yêu cầu, còn lại đành phải hẹn vài ngày sau”. Anh Dương cho biết thêm: “Các “bệnh” của điều hòa thường gặp trong mùa nắng nóng như: Chết tụ, thiếu gas, điện yếu không cung cấp đủ dẫn đến hiện tượng lốc tự ngắt khi vận hành máy và giá các dịch vụ thường dao động từ 300.000 - 1.200.000 đồng như: vệ sinh máy, nạp gas 300.000 - 400.000 đồng/máy, công lắp đặt điều hòa mới khoảng 350.000 - 450.000 đồng/máy... Vì vậy, để giảm bớt những sự cố đối với thiết bị điện lạnh của gia đình, nhất là điều hòa, người sử dụng không nên bật nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ bên ngoài. Đồng thời, làm mái tôn che cục nóng ngoài trời và sử dụng ổn áp từ 5 - 10kg”.

Anh Lê Hùng Cường, một cơ sở bảo dưỡng điều hòa lâu năm trên đường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) cho hay: Với những đợt nắng nóng kéo dài như hiện nay nhu cầu sửa chữa, bảo trì điều hòa của người dân, cơ quan, xí nghiệp tăng cao. Mỗi ngày một người thợ lành nghề có thể sửa 5 - 7 cái điều hòa, tiền công mỗi cái tầm 250.000 - 300.000 đồng/cái trở lên thì thu nhập một ngày thợ sửa điều hòa cũng tiền triệu. Theo anh Cường, thông thường là thợ đến sửa trực tiếp ở nhà, cơ quan, chỉ trường hợp nào “bệnh nặng” mới đưa về cửa hàng. Nếu bảo dưỡng, lau chùi, bơm gas thì mất tầm 40 phút, giá mỗi lần bơm gas là 300.000 đồng, tiền công 200.000 đồng. Đối với thợ lành nghề, việc phát hiện “bệnh” rất nhanh và sửa chữa cũng không mấy khó khăn.

Từ tháng 5 đến nay, tốp thợ gồm 3 người của cửa hàng sửa chữa điện lạnh trên đường Lê Lai (TP Thanh Hóa) làm việc hết công suất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Theo anh Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở thì trung bình mỗi ngày, cơ sở nhận được 20 - 30 cuộc điện thoại đặt lịch sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa của khách, khối lượng công việc của thợ cao gấp 3 - 4 lần so với trước đó. Lý giải về tình trạng trên, anh Hùng cho hay: “Thông thường điều hòa chỉ sử dụng vào mùa hè còn lại là “để không” nên bám bụi, nấm mốc. Vì vậy, nhu cầu vệ sinh máy trước khi vận hành cao; ngoài ra, nhiều máy bị hỏng mạch, dàn nóng, dàn lạnh, hết gas... nhưng khi nắng nóng, cần sử dụng bật lên mới biết hỏng hóc. Do đó, đầu mùa nắng nóng, nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng tăng đột biến. Đặc biệt, mùa hè năm nay, các nhà hàng, khách sạn đồng loạt hoạt động trở lại, nhu cầu bảo dưỡng máy lạnh lại càng cao nên anh em chúng tôi tăng ca, làm hết công suất vẫn không hết việc”.

Còn anh Hoàng Hùng Thanh, chủ cửa hàng điện lạnh trên đường Phú Thọ, phường Phú Sơn, cho biết: Cửa hàng có thêm dịch vụ sửa chữa tại nhà, những ngày nắng nóng thường “cháy thợ” vì nhu cầu quá cao. Nhân công tại cửa hàng ngoài lương thì tính thêm doanh thu và tiền làm ngoài giờ. Nếu thợ nào chịu khó thì thu nhập tiền triệu mỗi ngày là chuyện thường. Anh Thanh chia sẻ, nghề sửa điều hòa có rất nhiều mánh khóe để ăn chặn tiền khách hàng. Vì vậy, để tránh tình trạng nhân viên “móc túi” khách hàng, cửa hàng luôn có bảng giá để nhân viên đưa khách hàng tham khảo, khách hàng đồng ý thợ mới được sửa. Làm nghề gì thì cũng đặt chữ tín lên trên hết, có như vậy khách hàng mới tin tưởng và tìm đến mình.

Theo chân anh Hoàng Khắc Nam, phường Quảng Phú (TP Thanh Hóa) một thợ sửa điều hòa có hơn 10 năm kinh nghiệm mới thấy cái nghề “hái ra tiền” như mọi người vẫn nói không hề đơn giản. Giữa cái nóng 40 độ C, anh Nam trèo lên tầng ba của một ngôi nhà trên đường Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) bằng một chiếc thang nhôm để bảo dưỡng điều hòa, mà không hề có phương tiện bảo hiểm. Sau gần một tiếng đồng hồ ở giữa trời nắng, khi xuống áo anh đã ướt sũng mồ hôi. Thấy tôi thắc mắc vì sao không có phương tiện bảo hiểm, anh vừa lau mồ hôi vừa nói: “Mang theo dây bảo hiểm rườm rà, leo không cho nhanh, xuống còn thu dọn đồ để kịp đi sửa cho nhà khác, mang dây bảo hiểm rồi cởi ra mất thời gian, làm nghề này leo trèo quen rồi nên không sợ (!?)”.

Còn đối với anh Trần Văn Hòa thì làm nghề này chẳng khác gì chịu nóng để mang mát đến cho mọi nhà, lúc nào cũng làm việc ngoài nắng, đó là chưa kể đến việc thường xuyên phải leo lên cao, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có khi đang ăn cơm khách gọi cũng phải vội vàng. Đối với khách hàng là các nhà nghỉ, khách sạn có khi 2 - 3 giờ sáng họ gọi tới sửa điều hòa cũng phải lọ mọ dậy đi, bởi nghề này phục vụ 24/24 giờ.

Trời nắng nhu cầu lắp, bảo trì điều hòa càng tăng. Những người thợ sửa điều hòa đều phải bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng có khi về đến nhà đã là 11 giờ đêm, ngày nối ngày cứ quần quật với công việc. Đồ nghề họ phải mang vác cũng chẳng nhẹ nhàng gì, rồi leo tường, đục tường... tất cả những công việc này đều không hề đơn giản một chút nào. Những tai nạn nghề nghiệp như đứt tay, đau chân, ngã từ trên thang xuống là chuyện không còn hiếm đối với họ trong khi làm việc. Đó là chưa kể đến những tai nạn như, cháy nổ, giật điện, tiếng ồn, độ cao, say nắng chói mắt, khói bụi... là điều hiển nhiên khi bạn chọn nghề này. Dù nhu cầu tăng, lượng công việc nhiều nhưng họ không vì thế mà tăng giá công hay dùng mánh khóe để ăn chặn tiền của khách, mà phải luôn đặt uy tín và chất lượng công việc lên hàng đầu.

Lắp đặt, sửa chữa thiết bị điện lạnh đang được coi là một trong những nghề “hốt bạc” mùa nắng nóng. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi một số cơ sở tư nhân lợi dụng thời điểm “cháy” thợ mà chặt chém, thay thế phụ tùng kém chất lượng cho khách hàng. Để tránh tiền mất tật mang, người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở uy tín, có quy mô lớn để mua sắm cũng như thay thế, sửa chữa các thiết bị điện lạnh của gia đình.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]