(Baothanhhoa.vn) - “Có là bao, ba vạn sáu nghìn ngày, được trăm lần tết,

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phong vị xuân trên từng trang sách

“Có là bao, ba vạn sáu nghìn ngày, được trăm lần tết,

Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân”.

Phong vị xuân trên từng trang sách

Đầu xuân năm mới, ai không du xuân trẩy hội đó đây hoặc vui bạn, vui bè mà tìm đến những trang sách như một thú vui xuân, cũng thấy chộn rộn lên niềm vui đạm bạc, không kém phần tinh tế. Và, những sinh hoạt văn hóa gắn liền với những tờ báo xuân, giai phẩm xuân, tập sách chuyên đề về xuân từ lâu đã trở thành nét đẹp truyền thống không dễ gì thay thế được.

Thật “nhã” lắm sao khi trong những ngày cả đất trời hân hoan đón mừng năm mới, lòng người khoan khoái tận hưởng khoảng thời gian thảnh thơi hiếm hoi của bản thân cho việc đọc sách. Harvey MacKay từng sâu sắc nhận định: “Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc”. Sách là kho tàng trí thức của nhân loại. Đọc sách là cách nhanh nhất giúp mỗi người trong chúng ta tiếp cận được kho tàng khổng lồ ấy, rút ngắn khoảng cách thế hệ, thấu tỏ việc cổ kim. Do muôn vàn lợi ích như thế nên đọc sách, dù ở bất kỳ hoàn cảnh, thời điểm nào cũng đều đáng quý, chẳng riêng gì vào xuân.

Trong tác phẩm “Văn chương với ngày xuân” (Nhật Nam thư xã) có viết: “Không phải như hoa thơm cỏ lạ tới ngày xuân mới phô sắc, phun hương; lại không phải như yến tía, oanh vàng, đợi ngày xuân mới tập bay, học nói; trái lại văn chương là vật “không mùa”, nó không theo thời tiết mà thay hình, đổi dạng”... Tuy nhiên, vào những ngày xuân, khi ở đất nước này, “cảm giác về sự phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau của yếu tố tự nhiên và con người, tạo thành thành phần cơ bản của tất cả cái tín ngưỡng dân gian” thì văn chương lại có giá trị đặc biệt. Điều đó lý giải vì sao, sau gần 60 năm vắng bóng, dòng sách tết quay trở lại “khá sôi động” trên thị trường trong sự háo hức, đón đọc của đông đảo độc giả. Nhiều ấn phẩm, giai phẩm xuân cũng đua nhau “khoe sắc, tỏa hương” như càng tô thắm hơn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Được ra mắt bạn đọc dịp đầu xuân năm mới nên dù thời gian phát hành ngắn nhưng mỗi ấn phẩm khi xuất bản đều được các tác giả, nhóm tác giả nỗ lực, cố gắng làm sao “sửa soạn”, bày biện những “món ăn tinh thần” ấy cho thực sự chu đáo, phong phú, hấp dẫn về mặt nội dung và “bắt mắt” về hình thức. Quan trọng hơn tất thảy, mỗi trang viết đều khiến độc giả cảm nhận được “hồn xuân” thấm đẫm, vừa như lạ lại vừa như quen.

Ví như cảm giác háo hức, thú vị khi cầm trên tay cuốn sách “Phong vị xuân xưa” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2021) của nhóm tác giả Nguyễn Văn Học, Lê Thái Dũng, Nguyễn Thị Thúy Hà sưu tầm và tuyển chọn. Phát hành vào dịp giáp Tết Tân Sửu 2021, cuốn sách “Phong vị xuân xưa” với phụ đề “Ngày xuân xem sách biết việc cổ kim” chính là kết quả sưu tầm - giới thiệu công phu với khoảng trên 40 bài viết tập trung vào chủ đề phong tục ngày tết và đón xuân có giá trị của nhiều tác giả trong Nam, ngoài Bắc, được tập hợp từ một số sách báo, tạp chí cũ thuộc những năm 20 - 40 của thế kỷ trước. Trong số đó, có không ít những nhân vật tên tuổi, như: Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Tố, Tô Ngọc Vân...

Không gian văn hóa - xã hội của ngày xuân tuần tự được mở ra, từ phần dẫn nhập: Văn chương với ngày xuân (Nhật Nam thư xã, 1933) đến các phần mà ngay ở tên gọi đã gợi lên biết bao háo hức, đón đợi những điều thú vị: Phần I - Lai rai chén rượu ngày xuân; phần II - Cảm Tết; phần III - Mùa xuân văn hóa và lịch sử. “Phong vị xuân xưa” tạm khép lại với lời bạt của Chu Hà Lã Xuân Choát (1938): “Tuổi trẻ với ngày xuân và cuộc đời”. Nếu phần I - Lai rai chén rượu ngày xuân bao gồm các bài viết luận bàn về tết và khắc họa sinh động, hấp dẫn phong tục vui tết, đón xuân xưa, thì phần II - Cảm tết lại đi vào chiều sâu tâm hồn, giãi bày những nỗi niềm chân thật của các tác giả về khoảng thời gian đặc biệt, ý nghĩa ấy. Đó là tâm trạng khắc khoải của người “đi làm xa nhớ nhà”: “Nhà là cái gì? Quê là cái chi? Để thường là một bụi tre, cái cầu ao, khoảng góc bếp hoặc cảnh vườn hoa, với lịa mấy tiếng trẻ oe oe khóc hay rúc rích cười... Ấy chỉ có thể mà nhớ nhà... nhớ quê... nhớ... biết bao là nhớ...!!! [...] Năm mới có chăng là tự như người; người có tự mới, thì năm mới thật mới. Bằng như xuân đi, xuân lại, bao độ xuân qua, mà ta cũng cứ vẫn như xuân, cái xuân năm sau đã giống hệt xuân năm trước, mà ta năm nay cũng chẳng mới gì hơn ta năm xưa; thôi thế thì mỗi lần gặp xuân, là mỗi lần hổ thẹn với xuân, chớ vui gì đâu ta?...”. (Đi làm xa nhớ nhà, Vọng Sơn). Đứng trước giây phút giao thừa - cái khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ - mới, mỗi người dường như thấm thía về sự nhỏ bé của mình: “Ta bỗng thấy mình bé tí trước cái hùng vĩ, to lớn của thời giờ. Mà đến non nước, cỏ cây, suốt cả vũ trụ cũng như đương nín hơi chờ đấng Hóa công ra phép lạ” (Giao thừa, Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư). “Du xuân” trên từng trang sách để biết được mạch nguồn văn hóa và lịch sử dân tộc với: “Tết của sử ký nước Việt Nam - mồng năm - ngày vẻ vang”, “Phong dao và lịch sử”, “Cách thức tế Nam Giao”, “Đại cương về mỹ thuật nước nhà trong hai kỳ chịu ảnh hưởng mỹ thuật Trung Hoa và Âu Tây”; “Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại”... Từ những hiểu biết ấy, mỗi người trong chúng ta càng thêm yêu mến, tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, càng cảm nhận sâu sắc hơn cái tươi mới, niềm hứng khởi, thiêng liêng mỗi dịp đầu xuân năm mới.

Ngày xuân! Chẳng cứ phải mâm cao cỗ đầy, hỉ hả chúc nhau. Nhiều khi, tâm hồn con người khao khát những khoảng lặng để được đắm chìm vào thế giới con chữ, tận hưởng cái khoái cảm dạt dào khi đọc được cuốn sách hay, bắt gặp tứ thơ độc đáo, giọng văn hấp dẫn... Bởi lẽ, “thiều quang chín chục”, gió ấm mưa êm, thời tiết ấy cũng hợp với sự đọc sách xem văn hơn các thời tiết khác. Trước những cảnh hoa đào dạn gió, tơ liễu buông mành, cái én đưa thoi, con oanh học nói mà ta rót chén rượu, thắp nén hương, ngâm câu thơ, đọc những bài văn có ý vị, thì tính tình khoan khoái biết chừng nào. Thế thì văn chương tức là thuốc chữa cho những bệnh: sầu xuân, cảm xuân...” (Văn chương với ngày xuân - Nhật Nam thư xã).

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]