(Baothanhhoa.vn) - Tai nạn đuối nước trẻ em luôn là nỗi lo đối với mỗi gia đình và các cơ quan chức năng, nhất là mỗi khi hè về. Tại tỉnh ta, tuy mới chớm hè và chưa có đợt nắng nóng gay gắt nào nhưng đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước, để lại nỗi đau thương, mất mát cho nhiều gia đình, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý trẻ em từ mỗi gia đình, nhà trường và xã hội.

Phòng chống đuối nước trẻ em – cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Tai nạn đuối nước trẻ em luôn là nỗi lo đối với mỗi gia đình và các cơ quan chức năng, nhất là mỗi khi hè về. Tại tỉnh ta, tuy mới chớm hè và chưa có đợt nắng nóng gay gắt nào nhưng đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước, để lại nỗi đau thương, mất mát cho nhiều gia đình, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý trẻ em từ mỗi gia đình, nhà trường và xã hội.

Phòng chống đuối nước trẻ em – cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi ở huyện Hà Trung.

Hồi chuông cảnh báo

Theo số liệu báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn đuối nước, gây tử vong đối với 20 trẻ em. Chỉ tính từ 8-3 đến 8-4-2022 có tới 11 trẻ tử vong do đuối nước. Trong đó có những vụ gây tử vong nhiều trẻ em như vụ đuối nước xảy ra trên sông Mậu Khê, vị trí giáp ranh giữa xã Thiệu Hợp và Thiệu Duy (Thiệu Hóa) vào chiều ngày 4-4 khiến 5 nữ sinh lớp 6 thiệt mạng. Theo người dân nơi các em sinh sống, chưa bao giờ nơi đây phải chứng kiến cảnh tượng tang tóc đến như vậy. Nhìn người thân các em thất thần, gào khóc gọi tên con, cháu mình trong tuyệt vọng khiến những người chứng kiến không cầm được nước mắt, xót xa cho những em nhỏ xấu số.

Trước đó, vào khoảng 13h15 ngày 8-1, trên địa bàn bản Phé, xã Phú Xuân (Quan Hóa) xảy ra vụ lật thuyền trên sông Mã khiến 2 ông bà Hà Văn Q. và Hà Thị H. cùng cháu ngoại là Hà Bảo Ch. tử vong. Được biết, Ch. thường xuyên ở với ông bà trên chòi để thuận tiện cho việc trồng trọt, chăn nuôi. Hôm đó, sau khi xuống làng cấy lúa giúp gia đình con gái, ông bà cùng cháu ngược thuyền trở lên chòi thì thuyền bị lật khiến cả 3 cùng thiệt mạng.

Điều đáng nói, những trẻ tử vong do đuối nước thời gian qua phần lớn có bố mẹ ly thân, cả bố và mẹ hay bố hoặc mẹ đi làm ăn xa, để các cháu ở nhà với ông bà. Ví như vụ đuối nước ở huyện Thiệu Hóa có tới 4/5 em chủ yếu ở với ông bà. Vụ đuối nước xảy ra ở huyện Đông Sơn do bố mẹ bị nhiễm COVID-19 phải cách ly nên gửi con nhờ ông bà trông coi... Sau những vụ đuối nước thương tâm là sự đau xót, day dứt và ân hận của các bậc làm cha, làm mẹ, các thầy, cô giáo và chính quyền địa phương. Nhưng tất cả đều đã quá muộn bởi sự chủ quan, lơ là của những người có trách nhiệm.

Theo ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, có rất nhiều nguyên nhân khiến số trẻ em tử vong vì đuối nước. Nhưng nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống đuối nước trẻ em còn hạn chế, một số gia đình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, nhất là ở khu vực nông thôn, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, bố mẹ đang phải lo mưu sinh, không có thời gian quan tâm, giám sát con cái một cách chặt chẽ. Trong khi điều kiện tự nhiên, môi trường sinh sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước. Trẻ em lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, phòng tránh tai nạn đuối nước. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em... Vì vậy, tình trạng đuối nước đang là vấn đề “nóng”, để lại những hậu quả nặng nề cả về vật chất và nỗi đau tinh thần cho mỗi gia đình và toàn xã hội.

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội

Dự báo tình hình tai nạn đuối nước trẻ em trong thời gian tới có nguy cơ gia tăng. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là hạn chế tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp như: Tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nghiên cứu các phương án, biện pháp, giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; vận động người dân tích cực tham gia thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; từng bước kiểm soát và giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Ngành giáo dục phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động dạy bơi an toàn cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên các địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giám sát học sinh trong thời gian học trực tuyến tại nhà, sau giờ học ở trường, thời gian nghỉ hè nhằm bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn đuối nước cho học sinh.

Đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện “Chương trình bơi an toàn”; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục thể thao. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em tại các bãi tắm du lịch, bể bơi, hồ bơi. MTTQ và các hội, đoàn thể, theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện lồng ghép các nội dung phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Phối hợp các đơn vị liên quan nâng cao nhận thức, vận động đoàn viên, hội viên tăng cường quản lý, giám sát con, em mình nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong do đuối nước; tích cực tham gia xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em. UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông bằng các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuyên truyền, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão; chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Hướng dẫn các hộ gia đình thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các địa điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, khắc phục nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Ưu tiên đầu tư xây dựng, lắp đặt bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học để triển khai việc dạy bơi cho trẻ em. Lắp đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng thì từng gia đình cần thường xuyên nhắc nhở con em biết những nguy cơ có thể gây đuối nước và nên bơi lội ở đâu để bảo đảm an toàn... Có như vậy mới giảm thiểu được nỗi đau mang tên đuối nước trẻ em.

Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]