(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 sản phẩm nông nghiệp; trong đó có 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Tuy phong phú về chủng loại song nhiều loại nông sản của tỉnh chưa bảo đảm được các yêu cầu về chất lượng nên chủ yếu xuất bán ở dạng sản phẩm thô, giá trị kinh tế không cao.

Phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản qua nền tảng số

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 sản phẩm nông nghiệp; trong đó có 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Tuy phong phú về chủng loại song nhiều loại nông sản của tỉnh chưa bảo đảm được các yêu cầu về chất lượng nên chủ yếu xuất bán ở dạng sản phẩm thô, giá trị kinh tế không cao.

Phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản qua nền tảng sốDiện tích rau, quả của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa được sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, hầu hết sản phẩm từ nông nghiệp đều được người dân tiêu thụ nhỏ lẻ, tự phát tại các chợ truyền thống, thông qua hệ thống thương lái... Do đó, cần thêm sự chung tay của các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh để hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản thông qua các nền tảng số. Từ đó, không chỉ gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX và người nông dân, mà còn thúc đẩy hình thành các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ qua nền tảng số.

Theo đó, cùng với việc xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên sản xuất các loại nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ cho các HTX và sản phẩm OCOP cùng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại trụ sở của Liên minh HTX tỉnh. Cùng với đó, hỗ trợ các HTX kết nối với các đơn vị thu mua nông sản thông qua nhóm zalo Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, hướng dẫn các HTX tham gia vào sàn giao dịch nongsanthanhhoa.vn hoặc tham gia các nền tảng số, như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, VNpost... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các HTX trong tình hình mới. Từ đó, đã giúp nhiều hộ sản xuất và HTX phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng giá trị nông sản trên thị trường.

Cùng với đó, nhiều HTX, hộ sản xuất ở tỉnh Thanh Hóa đã duy trì, ứng dụng tốt các tiêu chuẩn vào sản xuất hàng hóa, nông sản đạt chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ðiển hình là HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa đã nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là những kênh phân phối, tiêu thụ hiện đại, như siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm... Ông Nguyễn Văn Dương, giám đốc HTX, cho biết: Trước khi đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã chủ động đem sản phẩm đi chào bán, giới thiệu ở một số triển lãm, trưng bày của tỉnh, huyện, với mong muốn quảng bá, liên kết tìm thị trường tiêu thụ; tuy nhiên, hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Sau khi đăng ký vùng sản xuất VietGAP, người nông dân phải sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm chất lượng, sản lượng, có độ đồng đều, quản lý, ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc để có hồ sơ truy xuất nguồn gốc xuất xứ và xây dựng nhãn hiệu... Nhờ đó, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn và hiện sản phẩm nông sản của HTX đã có mặt ở nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Không chỉ vậy, HTX còn tham gia giới thiệu các mặt hàng trên các sàn thương mại điện tử hoặc trên các trang mạng xã hội facebook, zalo... Từ đó đã giúp người tiêu dùng biết được chất lượng cũng như thương hiệu sản phẩm của HTX trên thị trường; đồng thời, ổn định đầu ra và gia tăng lợi nhuận cho các hộ có hợp đồng sản xuất với HTX.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, hiện có 452 HTX tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, hiện nay việc nông dân mở rộng quy mô sản xuất đang khiến nguồn cung của nhiều mặt hàng nông sản vượt so với nhu cầu thị trường. Từ đó, tạo sức ép lên giá cả, gây nhiều khó khăn và áp lực cho việc tiêu thụ nông sản. Hơn nữa, để nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định cần bảo đảm tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bởi, quy trình sản xuất bảo đảm quy chuẩn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng mà còn khẳng định giá trị thương hiệu cho các đơn vị cung cấp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cung ứng nông sản của địa phương.

Để “mở đường” cho sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bưu điện tỉnh và Viettel Post Thanh Hóa triển khai nhiều phương án hướng dẫn, hỗ trợ các hộ sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn. Từ đó, giúp hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX tiếp cận được khách hàng và đối tác tiềm năng qua môi trường số, từng bước phát triển các kênh bán hàng hiện đại, gia tăng giá trị cho hàng hóa, nông sản, đặc sản chủ lực của địa phương, góp phần hình thành các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua nền tảng số.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]