(Baothanhhoa.vn) - Là huyện miền núi thấp, Ngọc Lặc có tiềm năng đất vườn đồi khá lớn. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn cải tạo, phá bỏ cây tạp, áp dụng các tiến bộ khoa học để hình thành nên nhiều mô hình vườn - ao - chuồng (V-A-C) hiệu quả.

Phát triển kinh tế V-A-C trên vườn đồi Ngọc Lặc

Là huyện miền núi thấp, Ngọc Lặc có tiềm năng đất vườn đồi khá lớn. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn cải tạo, phá bỏ cây tạp, áp dụng các tiến bộ khoa học để hình thành nên nhiều mô hình vườn - ao - chuồng (V-A-C) hiệu quả.

Phát triển kinh tế V-A-C trên vườn đồi Ngọc LặcCải tạo cây tạp, gia đình ông Trương Thế Thanh ở thôn Thanh Sơn, xã Minh Tiến hình thành mô hình kinh tế vườn đồi cho lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm.

Với diện tích vườn đồi tới gần 1 ha, từ năm 2018 gia đình ông Trương Thế Thanh ở thôn Thanh Sơn, xã Minh Tiến đã mạnh dạn phá bỏ vườn cao su, đồng thời cải tạo các cây tạp để phát triển vườn cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Phần diện tích trên đồi cao được gia đình ông chuyên canh 4.000m2 dứa gai, tiếp đến là khu chuồng trại nuôi lợn. Diện tích đất bằng quanh nhà được gia chủ bố trí 2.000m2 ổi lê, còn lại là bưởi, chanh và cây cảnh.

Dần thoát ly với phương thức canh tác lạc hậu, gia đình ông Thanh phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn. 20 con lợn nái sinh sản để phát triển và xuất chuồng trên dưới 600 con lợn thịt mỗi năm, nhưng vấn đề môi trường cơ bản bảo đảm bởi ông đã đầu tư hệ thống thu gom chất thải và các bể biogas hiện đại. Cây ăn quả như ổi, bưởi được bón phân hữu cơ được ủ bằng các chế phẩm vi sinh nên chất lượng quả ngon, được thương lái đến tận vườn thu mua.

Sau 5 năm đầu tư, cây - con trong vườn đồi gia đình ông đã cho thu nhập ổn định. Các cây ăn quả cho thu nhập hơn 100 triệu đồng, dứa gai hơn 200 triệu đồng, sản phẩm chăn nuôi hơn 800 triệu đồng... Trừ mọi chi phí sản xuất, khu vườn đồi gia đình mang về lợi nhuận hơn 500 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên.

Với gần 4.400m2 đất vườn đồi, gia đình chị Phạm Thị Loan ở thôn Cao Thắng, xã Cao Thịnh đã hình thành nên mô hình sản xuất tổng hợp cho lợi nhuận trên dưới 400 triệu đồng mỗi năm. Ngay sau vườn nhà, một vườn bưởi chuyên canh trĩu quả đang được thu hoạch tỉa trong tháng 12 này.

Theo chủ vườn Phạm Thị Loan, khu vườn trước kia được gia đình trồng luồng, ngô, mít và nhiều cây tạp nên không hiệu quả. Thực hiện Chỉ thị 29/CT-HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc năm 2013 về cải tạo vườn tạp, đến năm 2015 gia đình đã mạnh dạn phá bỏ cây tạp trong vườn, trồng hơn 3.600m2 bưởi. Phía cuối khu vườn, gia đình đào ao thả cá, đồng thời chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Dưới tán bưởi, gia đình chăn thả đàn gà hàng trăm con mỗi lứa.

Vừa sản xuất, vừa học hỏi kinh nghiệm, gia đình chị Loan từng bước khắc phục hững hạn chế, chiếm lĩnh kỹ thuật trong canh tác bưởi để hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng cho quả bưởi. Đến năm 2017, vườn đồi này được xã Cao Thịnh chọn để xây dựng vườn mẫu NTM, gia đình tiếp tục đầu tư hệ thống đường ống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Quy trình canh tác được tuân thủ theo hướng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, gia đình chỉ dùng các chế phẩm sinh học để trị sâu bệnh cho cây, bón phân hữu cơ tự sản xuất. Phía trước sân nhà được gia đình trồng cây cảnh theo hướng kinh doanh.

Sau 8 năm miệt mài cải tạo vườn đồi, mô hình V-A-C của gia đình chị Phạm Thị Loan đã cho doanh thu ổn định khoảng 500 triệu đồng mỗi năm. Theo hạch toán của gia chủ, năm 2013 thu nhập từ bưởi đạt hơn 200 triệu đồng, ao cá 55 triệu đồng, các lứa gà cho thu nhập hơn 150 triệu đồng... Từ sự thành công của mình, gia đình đã truyền đạt kinh nghiệm và giúp đỡ để 5 gia đình trong xã phát triển kinh tế vườn đồi với cách thức tương tự.

Tại xã Minh Sơn, gia đình ông Hà Văn Hoàng ở thôn Minh Thắng cũng trở thành điển hình trong phát triển kinh tế vườn hộ. Có diện tích vườn đồi gần 1,5 ha, trước đây ông chủ yếu canh tác mía, trồng ngô và cây hoa màu. Những năm 2015-2016, giá mía xuống thấp, gia đình quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển thêm chăn nuôi; đồng thời từng bước cải tạo, đến nay gia đình đang phát triển vườn bưởi, na, mít và 800m2 ao thả cá. Dưới gốc cây ăn quả, đàn gà thả vườn của gia đình cũng mang về thu nhập trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm. Nhiều năm gần đây tổng thu nhập từ các loại cây, con trong vườn đồi gia đình ông Hoàng đã đạt gần 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 850 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động.

Theo đại diện Hội Làm vườn và Trang trại huyện Ngọc Lặc, tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng trên địa bàn huyện có hàng trăm mô hình kinh tế V-A-C hiệu quả từ vườn đồi. Điển hình như hàng chục mô hình trồng sắn dây kết hợp chăn nuôi ở xã Ngọc Liên; các mô hình trồng măng tây, trồng nấm, mộc nhĩ, các loại cây ăn quả với chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp ao thả cá ở hầu khắp các xã trong huyện. Nhiều mô hình kinh tế vườn đồi đã cho doanh thu hàng tỷ đồng, khơi dậy được tiềm năng đất đồi địa phương, giúp nhiều hộ dân vươn lên giàu có ngay tại quê nhà.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]