(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2023, TAND 2 cấp đã giải quyết 36.572 vụ ly hôn, trong đó năm 2018 là 5.938 vụ, năm 2022 là 7.201 vụ, 9 tháng năm 2023 là 5.133 vụ. Qua số liệu trên cho thấy, số lượng các vụ việc về ly hôn ngày càng gia tăng qua từng năm, trong đó có nhiều cặp vợ chồng ly hôn chỉ sau vài năm kết hôn, thậm chí là vài tháng sau kết hôn.

“Yêu nhanh, cưới vội, sớm... ra tòa”

Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2023, TAND 2 cấp đã giải quyết 36.572 vụ ly hôn, trong đó năm 2018 là 5.938 vụ, năm 2022 là 7.201 vụ, 9 tháng năm 2023 là 5.133 vụ. Qua số liệu trên cho thấy, số lượng các vụ việc về ly hôn ngày càng gia tăng qua từng năm, trong đó có nhiều cặp vợ chồng ly hôn chỉ sau vài năm kết hôn, thậm chí là vài tháng sau kết hôn.

“Yêu nhanh, cưới vội, sớm... ra tòa”UBND huyện Mường Lát tổ chức hội thi tuyên truyền, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Chị ơi! Em buồn lắm. Vợ chồng em chuẩn bị ly hôn rồi. Em không bao giờ nghĩ điều đó xảy ra đối với em nhưng vì suy nghĩ và lối sống quá khác nhau nên chúng em không thể hòa hợp được. Thấy em buồn, bạn bè em khuyên nếu không sống được với nhau nữa thì giải thoát cho nhau, đường ai người ấy đi để tìm cơ hội mới. Em chỉ thương con em còn nhỏ, bố mẹ ly hôn sẽ thiệt thòi cho con về sau...” - đó là tâm sự của em Nguyễn Hải Anh, sinh năm 1997 (TP Thanh Hóa) khi bộc bạch với chúng tôi.

Hải Anh kể, tốt nghiệp đại học xong, em về quê cũng cố gắng đi kiếm việc làm rồi lấy chồng nhưng công việc không mấy ổn định, thu nhập bấp bênh nên em ở nhà nội trợ, chăm lo con cái, trong khi đó chồng em có việc làm ổn định ở một đơn vị cấp tỉnh nhưng vì mới ra trường nên thu nhập cũng không được cao. Một mình anh ấy phải lo cho cả gia đình, nên suốt ngày anh ấy cáu bẳn với em. Trước kia, ngày nào anh ấy cũng đi hàng chục cây số về với mẹ con em nhưng hơn 1 năm nay anh ấy không thường xuyên về nữa. 1 tuần rồi 2 tuần và 3 tuần, thậm chí 1 tháng mới về một lần. Mỗi lần về là một lần cãi vã... Thấy tình cảm vợ chồng không được như xưa, em quyết định nộp đơn ly hôn chị ạ...

Cũng như Nguyễn Hải Anh, em Lê Thu Hoài, sinh năm 2000 (TP Thanh Hóa) cũng bước ra khỏi cuộc hôn nhân một cách chóng vánh. “Nếu bố mẹ và anh chị em trong nhà mà khuyên can, em biết suy nghĩ sâu, xa hơn em sẽ không lấy phải người chồng cờ bạc, gái gú... Giờ ân hận thì đã quá muộn. Nhưng muộn còn hơn phải sống trong cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” như vậy" - nói rồi Hoài thở dài.

Hoài cho biết, sinh ra trong một gia đình không mấy hạnh phúc. Mẹ nợ nần do đánh đề, các anh chị trong nhà chủ yếu lao động tự do nên không để ý đến em. Vì có chút nhan sắc nên học xong lớp 12, em được chồng em bây giờ săn đón, chiều chuộng, thích gì được nấy. “Thấy anh ấy có điều kiện, em nghĩ anh ấy làm ăn chân chính nên thay vì đi học tiếp để kiếm cái nghề trong tay, em lại vội vàng đi lấy chồng. Về ở với nhau chưa được bao lâu, thì những cái gì xấu xa của chồng em thể hiện ra hết. Nào là cờ bạc, gái gú, nợ nần... em nói thì bị anh ấy đánh cho thâm tím mặt mày. Không chịu nổi, em đơn phương nộp đơn ly hôn. Vì nợ nần, chưa có con, tài sản chung không có gì để chia nên tòa xử cũng nhanh. Giờ thì đường ai người ấy đi” - Hoài bộc bạch.

Trước thực trạng “yêu nhanh, cưới vội, sớm... ra tòa” như hiện nay của giới trẻ, chúng tôi có cuộc trao đổi với thẩm phán Lê Thị Dung, chánh tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND tỉnh - là một trong những người có thâm niên trong việc xét xử các vụ án ly hôn. Thẩm phán Lê Thị Dung cho biết: Hiện nay, số vụ ly hôn tăng không chỉ ở thành thị - nơi có mật độ dân cư đông đúc mà ngay cả các huyện, nhiều nơi có tỷ lệ ly hôn cũng rất cao. Theo số liệu thống kê của TAND tỉnh từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2023, TAND huyện Hoằng Hóa đã giải quyết 2.230 vụ ly hôn, TAND huyện Triệu Sơn giải quyết 2.281 vụ, TAND huyện Quảng Xương giải quyết 1.952 vụ, TAND huyện Thọ Xuân giải quyết 1.855 vụ... Trong đó, tỷ lệ các vụ việc giải quyết ly hôn ở lứa tuổi từ 18 đến 30 chiếm đa số. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhiều nhất là do mâu thuẫn gia đình với 20.900 vụ; do nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc 1.349 vụ; bạo lực gia đình 647 vụ...

Tuy nhiên, qua trao đổi riêng với các cặp vợ chồng để chúng tôi tìm hiểu rõ lý do nhằm hòa giải thì biết được có rất nhiều nguyên nhân ẩn khuất đằng sau vợ chồng chia tay, nhưng khi khai lý do mâu thuẫn trong các lá đơn, các cặp vợ chồng chỉ ghi vẻn vẹn có mấy chữ “không hợp nhau”, “bất đồng quan điểm sống”, ”mâu thuẫn không thể hòa giải”... Và, trên thực tế, khi hiểu được mấu chốt của mâu thuẫn, có những vụ xét thấy tình cảm vợ chồng vẫn còn, chúng tôi đã kiên trì hòa giải hàn gắn được hạnh phúc gia đình. Song, có những vụ mâu thuẫn vợ chồng đã kéo dài nhiều năm, mức độ mâu thuẫn đã trở nên trầm trọng, vợ chồng sống ly thân, thậm chí tình trạng bạo lực gia đình căng thẳng, vợ hoặc chồng không còn trách nhiệm với gia đình, bỏ bê con cái, có người khác bên ngoài... thì phải xét xử ly hôn.

Đối với giới trẻ hiện nay, họ quen biết nhau qua mạng, yêu nhau được vài ba tháng rồi cưới. Có những cặp đôi, cưới vội vì nhỡ mang bầu trước nên họ chưa chuẩn bị kỹ tâm lý làm bố, làm mẹ, trách nhiệm vun đắp hạnh phúc gia đình nên khi gặp phải những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn như: công việc không ổn định, không có nguồn thu nhập, con cái ốm đau, bất đồng quan điểm sống với gia đình nhà vợ, nhà chồng, với chồng, với vợ nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến yếu tố bạo lực gia đình... họ sẵn sàng ly hôn để đi tìm cuộc sống khác. Bởi, quan niệm về hôn nhân và gia đình của các bạn trẻ ngày nay theo hướng đề cao tính tự do, tính cá nhân, chấp nhận các hiện tượng hôn nhân và gia đình mới nên họ xem đó là việc bình thường.

Song, đằng sau những cuộc chạy trốn khỏi hôn nhân là những hệ quả để lại vô cùng nặng nề, con cái sẽ trở thành “nạn nhân” khi thiếu vắng tình cảm chăm sóc của bố mẹ; các em rất bị tổn thương, dễ bị sang chấn tâm lý. Chưa nói đến những cặp vợ chồng trẻ ly hôn xong, để con cho ông bà chăm sóc, bỏ đi làm ăn xa hoặc lấy vợ, lấy chồng khác... lớn lên thiếu sự quan tâm, chăm sóc uốn nắn, giáo dục từ bố mẹ rồi đỉnh điểm là bị đẩy ra ngoài xã hội, bỏ học và tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Từ đó, các em rất dễ sa ngã, bị bạn bè xấu lôi kéo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, sau đó trở thành người phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ. Và, đã có rất nhiều phiên tòa xét xử các tội phạm vị thành niên phạm tội như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy, hiếp dâm... Nhiều đối tượng trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), được xác định là “trẻ em” nhưng hành vi phạm tội không hề “ngây thơ”, tính chất của hành vi rất côn đồ, có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tính chất manh động, gây mất an toàn cho xã hội.

“Kết hôn rồi lại ly hôn - không phải là câu chuyện mới trong xã hội đang đề cao tính cá nhân của mỗi con người, thế nhưng lại là câu chuyện đáng bàn khi số vụ ly hôn đang tăng theo từng năm và độ tuổi ly hôn đang có xu hướng trẻ hóa. Việc tôn trọng sở thích và cái tôi cá nhân là điều cần thiết thế nhưng chịu trách nhiệm trước mỗi quyết định quan trọng của cuộc đời nhất là việc lập gia đình cũng cần mỗi người trẻ xem trọng để mỗi đứa trẻ sinh ra không phải chịu cảnh thiếu thốn tình thương do sự đổ vỡ của bố mẹ. Vì vậy, các bạn trẻ trước khi kết hôn cần trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí của mình trong xây dựng gia đình, biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội để mỗi đứa trẻ lớn lên không thiếu vắng tình thương từ gia đình...” - thẩm phán Lê Thị Dung chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]