(Baothanhhoa.vn) - Việc thu hút đầu tư và nhân rộng các cơ sở chế biến lâm sản tại các huyện miền núi là hướng đi tất yếu phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, nhất là tại các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn với cây luồng là chủ lực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản miền núi

Việc thu hút đầu tư và nhân rộng các cơ sở chế biến lâm sản tại các huyện miền núi là hướng đi tất yếu phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, nhất là tại các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn với cây luồng là chủ lực.

Trên địa bàn các huyện nói trên cũng đã có hàng chục cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cây luồng như bột giấy, vàng mã, đũa... Về cơ bản, các doanh nghiệp, cơ sở đi vào hoạt động đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các huyện. Theo quy định của pháp luật, tùy theo quy mô, các cơ sở chế biến lâm sản, nhất là các sản phẩm bột giấy, vàng mã... từ luồng, tre, nứa khi được cấp phép hoạt động cần phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường từ việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải trước khi xả ra môi trường. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở phải chấp hành các quy định về xả thải ra môi trường.

Tuy nhiên, theo thống kê trong hai năm trở lại đây, tình trạng các cơ sở chế biến lâm sản, nông sản vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường xảy ra khá nhiều và ở những mức độ khác nhau. Phổ biến nhất là tình trạng nhiều cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt chuẩn hoặc ít nhất phải tương xứng với quy mô sản xuất. Trong chuyến giám sát vào đầu tháng 3-2018, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Thanh Hóa cùng phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Quan Hóa thì phát hiện có ít nhất 3 cơ sở sản xuất bột giấy có hệ thống xử lý nước thải, chất thải chưa đạt chuẩn. Các bể chứa nước thải, chất thải vẫn còn tạm bợ, chưa quy củ, vì vậy lượng nước thải, chất thải vẫn chưa được xử lý đạt yêu cầu trước khi xả ra môi trường. Các bể chứa hóa chất có độ ăn mòn cao như xút (NaOH) để sản xuất bột giấy từ cây luồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rò rỉ ra môi trường xung quanh... Mặc dù vậy, các cơ sở này vẫn hoạt động bình thường nhiều năm nay và theo lý giải của chủ các cơ sở là đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Đây cũng là tình trạng khá phổ biến tại các địa phương khác và với những cơ sở có quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Những dấu hiệu nói trên cho thấy việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh nhất.

Không chỉ vậy, đáng lo ngại hơn khi các cơ sở, doanh nghiệp vẫn tìm “kẽ hở” để xả trộm nước thải ra môi trường. Tháng 7-2016 và tháng 2-2017, trên sông Âm đoạn thuộc hai huyện Ngọc Lặc và Lang Chánh đã xảy ra hai vụ cá chết bất thường. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân là do nước thải chưa được xử lý triệt để tràn ra môi trường từ 3 cơ sở sản xuất giấy vàng mã, gồm Công ty CP Lâm sản Lang Chánh, Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, vận tải Tuấn Vinh và HTX chế biến lâm sản Lang Chánh đóng tại Cụm công nghiệp Bãi Bùi, xã Quang Hiến. Trong đó, năm 2014, HTX chế biến lâm sản Lang Chánh cũng đã bị UBND tỉnh xử phạt do không vận hành thường xuyên và khi vận hành các công trình xử lý môi trường thì không đúng quy trình đã cam kết trong bản cam kết bảo vệ môi trường, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận. HTX chế biến lâm sản Lang Chánh còn xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải từ 10 lần trở lên, đổ thẳng ra sông Âm, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Trong khi đó, vào tháng 3-2017, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Bá Thước đã có hành vi xả nước thải vào nguồn nước có hàm lượng chất ô nhiễm vượt quá giới hạn quy định. Hành vi vi phạm pháp luật trên đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xử phạt với tổng số tiền là 310 triệu đồng... Cũng theo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Bá Thước, năm 2017, huyện cũng đã tạm dừng hoạt động 2 cơ sở chế biến các sản phẩm từ cây luồng do không bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm nói trên chủ yếu là do ý thức chấp hành của các cơ sở, doanh nghiệp còn kém, vẫn vi phạm dù đã ký cam kết bảo đảm đầy đủ các điều kiện và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra do năng lực quản lý của cấp huyện, xã còn yếu kém, thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu công cụ, thiết bị để kiểm tra dẫn đến việc kiểm tra, đánh giá gặp nhiều khó khăn. Việc phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, ngành tài nguyên – môi trường để xử lý vi phạm dù vẫn được thực hiện song hiệu quả thấp. Đây cũng chính là “kẽ hở” để nhiều cơ sở lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như xả trộm nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, đúng quy cách ra môi trường gây ô nhiễm. Một số cơ sở, doanh nghiệp dù đã bị xử phạt song vẫn tiếp tục vi phạm. Điều này đã cho thấy, vẫn còn một bộ phận các cơ sở, doanh nghiệp vì lợi nhuận vẫn coi thường pháp luật.

Được biết, các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đều dành quỹ đất, quy hoạch và thiết lập các cụm công nghiệp trên địa bàn. Các cơ sở chế biến lâm sản, nông sản sẽ được đưa về cụm công nghiệp để không chỉ quản lý về hành chính mà còn tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, trong đó bảo vệ môi trường được ưu tiên hàng đầu. Các huyện như Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh đã tích cực rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các cơ sở, qua đó đánh giá sát thực nhất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Cơ sở nào không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ bị đình chỉ, không cấp phép hoạt động... Công tác tuyên truyền cũng đã được tăng cường. Các cơ sở, doanh nghiệp đều phải ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tạo sự răn đe, đồng thời có hình thức khen thưởng khuyến khích cho các cơ sở, doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về bảo vệ môi trường.


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]