(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, cơ quan công an đã bóc gỡ nhiều vụ án liên quan đến thủ đoạn nhận “chạy việc” để chiếm đoạt tài sản, đồng thời đưa ra những lời cảnh báo để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác. Tuy nhiên, vẫn không ít người tiếp tục trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lừa xin việc vào cơ quan Nhà nước – thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Những năm qua, cơ quan công an đã bóc gỡ nhiều vụ án liên quan đến thủ đoạn nhận “chạy việc” để chiếm đoạt tài sản, đồng thời đưa ra những lời cảnh báo để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác. Tuy nhiên, vẫn không ít người tiếp tục trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này.

Lừa xin việc vào cơ quan Nhà nước – thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Các chiêu trò “xin việc”

Tuy chỉ là đối tượng lao động tự do, không có việc làm ổn định, không có khả năng xin việc làm vào các cơ quan Nhà nước nhưng Đỗ Quốc Đ., sinh năm 1976, ở huyện Thọ Xuân đã “nổ” với anh Lê Hữu S. ở thị trấn Thọ Xuân là có người thân làm ở Văn phòng Chủ tịch nước, có thể xin việc được ở nhiều nơi như: Công an, Quân đội, Ngân hàng... Tin lời của Đ., anh S. đã nhờ Đ. xin việc cho con gái là cháu Lê Thị V. chuẩn bị tốt nghiệp đại học vào làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội với mức chi phí 350 triệu đồng. Trong đó, anh S. phải đưa trước cho Đ. số tiền 200 triệu đồng cùng hồ sơ xin việc, khi nào cháu V. có quyết định đi làm thì anh S. đưa tiếp cho Đ. số tiền còn lại. Đ. đã nhận tiền của anh S. và viết giấy nhận tiền, hứa với anh S. sau 3 tháng cháu V. sẽ có quyết định đi làm, chậm nhất là ngày 25-9-2015, nếu không xin được việc Đ. sẽ trả lại số tiền cho anh S. Tuy nhiên, sau khi nhận 200 triệu đồng của anh S., Đ. đã không thực hiện được “Chạy việc” cho cháu V., mà sử dụng số tiền vào mục đích cá nhân. Quá thời hạn thỏa thuận, thấy Đ. không xin được việc cho con gái, anh S. nhiều lần yêu cầu trả lại tiền nhưng Đ. không trả, Đ. cũng cắt luôn liên lạc với anh S. Mãi đến tháng 8-2016, Đ. chuyển trả vào tài khoản của cháu Lê Thị V. 10 triệu đồng. Đợi mãi không lấy được số tiền còn lại, tháng 12-2016 anh S. đã gửi đơn tố cáo hành vi của Đ. đến cơ quan điều tra Công an huyện Thọ Xuân. Tại cơ quan điều tra và phiên tòa xét xử, Đỗ Quốc Đ. khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đ. đã bị tuyên phạt 5 năm 3 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Một trường hợp khác, đầu năm 2017, do có quen biết với gia đình Nguyễn Phương Đ. nên ông K., ở huyện Hoằng Hóa đã đến đặt vấn đề với bà Nguyễn Thị L., ở thị trấn Bút Sơn là mẹ của Đ. để nhờ Đ. xin cho con trai là Nguyễn Đình T., sinh năm 1998 đi lính nghĩa vụ công an nhân dân (CAND) giống Đ. Trong thời gian này, Đ. đang là chiến sĩ phục vụ có thời hạn tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 22, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động ở Hà Nội. Đ. đã nhận lời ông K. và hứa sẽ xin cho con trai ông đi phục vụ có thời hạn trong CAND 3 năm, sau đó sẽ được đi thi hoặc phục vụ chuyên nghiệp trong CAND. Để ông K. tin tưởng, Đ. đã tự nghĩ ra việc mình quen một thiếu tướng làm việc tại Bộ Công an có khả năng xin cho T. đi nghĩa vụ, phí ban đầu là 180 triệu đồng. Nhận được tiền của nạn nhân, Đ. sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân hết. Đến tháng 8-2017, Đ. nói với ông K. là cần phải ra Hà Nội để cảm ơn người xin việc cho con trai ông. Sau đó, Đ. đã thuê một người đàn ông đóng giả là thiếu tướng công an và bố trí cho ông K. gặp. Sau buổi gặp mặt, ông K. đưa cho Đ. thêm 30 triệu đồng nhờ chuyển cảm ơn thiếu tướng. Tiếp đó, khi có chuyện gì cần tiền, Đ. lại nghĩ ra lý do hợp lý rồi giả giọng thiếu tướng yêu cầu ông K. chuyển tiền vào tài khoản cho lái xe riêng của thiếu tướng (thực chất là một tài khoản của người bạn Đ.). Cứ như vậy, bằng các thủ đoạn gian dối Đ. đưa ra các lý do khác nhau để gia đình ông K. tin và đưa tiền mặt, chuyển khoản nhiều lần qua các tài khoản của bạn Đ. với tổng số tiền là hơn 1,2 tỷ đồng. Không dừng lại ở đấy, Đ. còn nói dối ông K. là có thể xin việc cho Nguyễn Thị T., con gái ông K. vào ngành công an. Tin tưởng là có thiếu tướng công an lo cho thật nên vợ chồng ông K. lại tiếp tục chuyển tiền. Tổng số tiền ông K. đưa tiền cho Đ. để xin việc cho Nguyễn Thị T. là 265 triệu đồng. Ngoài ra, tháng 6-2018, Đ. giả giọng thiếu tướng gọi điện cho ông K. giới thiệu mua lô đất ở Hà Nội với giá rẻ. Ông K. đã nhờ Đ. đem số tiền 90 triệu đồng cho thiếu tướng. Hôm sau, Đ. lại giả giọng thiếu tướng gọi điện nhờ ông K. vay tạm tiền đưa cho Đ. mua bình tứ quý và mua bộ bàn ghế Long Phụng. Tin là thật, ông K. tiếp tục đưa cho Đ. thêm 27 triệu đồng. Tổng cộng, Đ. đã lừa được ông K. với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào tháng 11-2019, hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Phương Đ. 9 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Hai trường hợp trên chỉ là ví dụ trong số hàng trăm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc hứa hẹn xin việc làm được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các vụ lừa đảo hầu như cùng một đặc điểm chung dễ nhận thấy đó là các đối tượng nắm bắt rất rõ tâm lý của người dân mong muốn xin việc làm cho con vào cơ quan Nhà nước nên thường sử dụng các chiêu bài quen thuộc là có mối quan hệ quen biết với lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương có thể xin việc vào công an, ngân hàng, bệnh viện, trường học... để người dân dễ dàng tin tưởng và giao tiền cho các đối tượng. Ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, người dân không có điều kiện tìm hiểu kỹ thông tin về nơi định tìm kiếm việc làm thì sau khi bị các đối tượng dùng lời ngon ngọt dụ dỗ đã sẵn sàng bỏ số tiền lớn để xin việc cho con. Đây là những thủ đoạn không hề mới và đã được cơ quan chức năng cảnh báo trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền qua những phiên tòa xét xử lưu động... nhưng nhiều người dân vẫn nhẹ dạ cả tin để rồi tiền mất tật mang. Không ít gia đình phải đi chạy vạy vay mượn anh em, họ hàng, thậm chí cầm cố nhà cửa cho ngân hàng để có tiền xin việc cho con. Đến khi công việc không có, đối tượng lừa đảo đã “cao chạy, xa bay” thì mới đến cơ quan công an trình báo. Cho dù sau đó đối tượng có bị truy tố, đưa ra tòa xét xử, phải chịu án phạt tù nhưng số tiền bồi thường trách nhiệm dân sự thì vẫn không biết đến bao giờ mới có thể lấy lại hết được.

Vì vậy, để phòng chống loại tội phạm trên, trước hết người dân muốn xin việc làm cho con thì phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của nơi định tìm kiếm việc làm, bởi theo quy định hiện nay thì khi có kế hoạch tuyển dụng các cơ quan, ban, ngành phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân nên đến tận nơi để tìm hiểu, không nên vì quá nóng vội mà đặt niềm tin, giao tài sản cho đối tượng lừa đảo. Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc điều tra, phá án thì cấp ủy, chính quyền cũng nên tăng cường tuyên truyền sâu, rộng những thủ đoạn lừa đảo “xin việc”, “trúng thưởng”... để người dân nâng cao cảnh giác tránh biến mình thành miếng “mồi ngon” của kẻ lừa đảo.

Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]