(Baothanhhoa.vn) - Nhằm tạo cho phạm nhân chiếc “cần câu” để thắp sáng lên trong họ niềm hy vọng trở về và vững tin hòa nhập với cuộc sống đời thường, công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng nghiệp dạy nghề, tổ chức cai nghiện ma túy... đã và đang được phối hợp và từng bước phát huy hiệu quả...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng

Nhằm tạo cho phạm nhân chiếc “cần câu” để thắp sáng lên trong họ niềm hy vọng trở về và vững tin hòa nhập với cuộc sống đời thường, công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng nghiệp dạy nghề, tổ chức cai nghiện ma túy... đã và đang được phối hợp và từng bước phát huy hiệu quả...

Các phạm nhân tại Trại giam Thanh Lâm được Hội LHTN tỉnh biểu dương, khen thưởng do cải tạo tốt.

Gương sáng hoàn lương

Có một câu ngạn ngữ: “Trong cuộc sống nếu ai không mắc phải sai lầm thì đó là điều thật tuyệt vời, nhưng nếu mắc phải mà biết đứng dậy sửa chữa sai lầm đó thì còn tuyệt vời hơn”. Anh Lê Sỹ Tần, sinh năm 1979, ở thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn), chính là một điển hình đã vượt qua quá khứ lầm lỗi, vươn lên trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Những năm trước, khi đang còn là một phạm nhân, trong thời gian cải tạo, nhờ được sự quan tâm, động viên của cán bộ, chiến sĩ trại giam, anh Lê Sỹ Tần đã nhận ra lỗi lầm và quyết tâm cải tạo, học nghề, rèn luyện tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Sau khi ra tù, anh Tần trở về địa phương nhưng vẫn còn mang nặng mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc với cộng đồng, xã hội. Sau những ngày lặn lội tìm kiếm việc làm bất thành, được gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể thường xuyên đến động viên, giúp đỡ, anh Tần đã quyết định lập nghiệp và bắt đầu làm lại cuộc đời. Thông qua kênh của huyện đoàn, anh được ngân hàng chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế. Qua những ngày đầu lập nghiệp khó khăn, đến nay, anh Tần đã mở được 2 cơ sở kinh doanh và sửa chữa điện thoại di động. Lợi nhuận hàng tháng, sau khi trừ chi phí, cơ sở kinh doanh và sửa chữa điện thoại của anh đạt từ 5-7 triệu đồng. Mới đây, anh Tần đã đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ thanh niên yếu thế, thanh niên sau cai nghiện ma túy phát triển kinh tế từ nguồn hỗ trợ của Trung ương Đoàn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm giúp những thanh niên yếu thế, lầm lỡ có cơ hội việc làm và cũng là để mở rộng quy mô kinh doanh.

“Cần câu” giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng

Hẳn chúng ta đều biết con đường dẫn đến phạm tội chỉ là một ranh giới mong manh khi con người không thể tự làm chủ được bản thân. Có câu danh ngôn nổi tiếng rằng: “Nếu chẳng may bạn phạm phải lỗi lầm, kể cả những lỗi lầm lớn, hãy luôn nhớ rằng còn có cơ hội khác cho bạn chuộc lỗi. Thất bại không phải là vấp ngã, mà là cứ nằm lì sau khi ngã”. Và đối với những phạm nhân đang trong quá trình cải tạo, làm sao để họ xóa bỏ tự ti, mặc cảm, phấn đấu cải tạo tốt để sau khi mãn hạn tù, trở về với cuộc sống đời thường, tái hòa nhập với cộng đồng? Trả lời câu hỏi này, chia sẻ tại hội nghị tổng kết chương trình phối hợp về “Giáo dục, giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2015 – 2017” (ngày 16-5-2018) giữa Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh với các trại giam đóng trên trên địa bàn tỉnh, Đại tá Nguyễn Đình Giang, Giám thị Trại giam Thanh Lâm, cho biết: Hiện Trại giam Thanh Lâm có trên 1.000 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên. Chúng tôi giúp họ bằng cách phối hợp với các trường, các doanh nghiệp hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Dựa vào khả năng, tâm tư nguyện vọng của phạm nhân, các cán bộ sẽ cho họ được học nghề mà họ yêu thích. Mấu chốt của việc học nghề là phạm nhân được tự khẳng định mình, nhận thức được sai phạm, ý thức được cuộc sống tốt hơn để không dễ bị những kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng. Mặt khác, cũng giúp phạm nhân sau khi mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng, dễ dàng tìm được việc làm...

Với ý nghĩa nhằm giúp phạm nhân nâng cao nhận thức, hiểu biết xã hội, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, thông qua các hoạt động giáo dục, cải tạo, dạy văn hóa, hướng nghiệp dạy nghề, tổ chức cai nghiện ma túy cho phạm nhân trong độ tuổi thanh niên... tạo cho họ chiếc “cần câu” để thắp sáng lên trong họ niềm hy vọng trở về và vững tin hòa nhập với cuộc sống đời thường, từ năm 2013 đến nay, Hội LHTN tỉnh và các trại giam trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chương trình phối hợp về “Giáo dục, giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tái hòa nhập cộng đồng”. Trong đó, riêng thực hiện chương trình phối hợp, giai đoạn 2015 – 2017, các cấp jội LHTN trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các trại giam đóng trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm đẩy mạnh công tác cảm hóa, giáo dục, cải tạo phạm nhân và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như tổ chức các diễn đàn “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, “Giao lưu thắp sáng ước mơ hoàn lương”... Cùng với đó, các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống và chăm sóc sức khỏe, cai nghiện ma túy cho phạm nhân, thanh niên ra tù được quan tâm, đẩy mạnh. Ban chỉ đạo liên ngành đã phối hợp tổ chức 51 buổi tuyên truyền, giáo dục về chủ đề niềm tin hướng thiện cho đông đảo phạm nhân; tổ chức 3.860 lượt tuyên truyền trên loa phát thanh tại các phân trại; xây dựng 108 tủ sách thanh niên. Các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, thanh niên ra tù trong độ tuổi thanh niên và tạo việc làm, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng được triển khai hiệu quả. Các trại đã tổ chức được các lớp đào tạo nghề may, xây dựng và cấp chứng chỉ nghề cho hơn 400 phạm nhân. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tạo môi trường lành mạnh cho phạm nhân được tổ chức thường xuyên. Công tác biểu dương, khen thưởng được chú trọng kịp thời. Trong 3 năm, đã có 544 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên được biểu dương, khen thưởng vì có nhiều cố gắng trong lao động, cải tạo.

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các cấp bộ hội LHTN với các trại giam, giai đoạn 2018 - 2020, công tác phối hợp tiếp tục tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp bộ hội, hội viên thanh niên đối với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân trong độ tuổi thanh niên; tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cho thanh niên, trại viên về vai trò, trách nhiệm đối với công tác giúp đỡ phạm nhân cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho phạm nhân; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho các phạm nhân ở độ tuổi thanh niên; vận động các nhà tài trợ, các tổ chức doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng thư viện, phòng đọc sách, tủ sách pháp luật, xây dựng các công trình văn hóa, thể thao phục vụ sinh hoạt, giải trí cho phạm nhân; tích cực vận động các thanh niên có quá khứ phạm tội tham gia các chương trình, hoạt động tình nguyện xã hội ở các địa phương, qua đó tiếp cận, tư vấn, cảm hóa, giáo dục, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng.


Bài và ảnh: Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]