Cơ chế phối hợp ba bên Nga-Trung Quốc-Ấn Độ (RIC) được khởi động bằng các cuộc gặp của các bộ trưởng Ngoại giao ba nước này bên lề các phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) trong giai đoạn 2003-2005.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thế bấp bênh của “tam giác chiến lược” Nga-Trung Quốc-Ấn Độ

Cơ chế phối hợp ba bên Nga-Trung Quốc-Ấn Độ (RIC) được khởi động bằng các cuộc gặp của các bộ trưởng Ngoại giao ba nước này bên lề các phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) trong giai đoạn 2003-2005.

Thế bấp bênh của “tam giác chiến lược” Nga-Trung Quốc-Ấn Độ

Với tư cách là 3 cường quốc có ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác giữa Nga-Trung Quốc-Ấn Độ được đánh giá sẽ tạo ra “tam giác chiến lược” đủ mạnh để có thể nâng tầm vị thế của cả ba nước.

Sau đó, cuộc gặp ba bên bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhiều hơn sau khi lần đầu tiên các ngoại trưởng Nga-Trung-Ấn tổ chức được cuộc gặp “độc lập” không trong khuôn khổ của bất kỳ diễn đàn quốc tế nào.

Cuộc gặp đầu tiên như vậy diễn ra vào tháng 6 năm 2005 tại thành phố Vladivostok thuộc đại khu liên bang Viễn Đông của Nga đã phần nào thể hiện nỗ lực và mong muốn của nước chủ nhà trong việc hình thành một cơ chế hợp tác “tam giác” giữa ba nước lớn trên không gian Á-Âu rộng lớn.

Cho đến nay, các cuộc gặp cấp ngoại trưởng RIC đã trở thành một sự kiện thường niên, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chỉ một năm sau cuộc gặp “độc lập” của các ngoại trưởng Nga-Trung-Ấn, định dạng RIC đã được nâng tầm với việc nguyên thủ ba nước này tổ chức cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu và Nga (G8) tại thành phố Saint Petersburg, thủ đô phương Bắc của Nga.

Kết thúc mỗi cuộc họp như thế của nhóm “tam giác,” lãnh đạo các nước thành viên của nhóm RIC lại ra một tuyên bố chính trị chung thể hiện quan điểm của ba nước này đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Tại hội nghị ngoại trưởng ba bên lần thứ 16 diễn ra tháng 2 năm ngoái tại thành phố Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) với sự tham gia của Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj, ba nước nhất trí thúc đẩy hệ thống đa phương với Liên hợp quốc là hạt nhân, đồng thời nhất trí cùng đấu tranh chống khủng bố dưới mọi dạng thức, tăng cường thông tin liên quan chính sách chống khủng bố và hợp tác thiết thực.

Có thể nói, trên bình diện quốc tế, RIC với tư cách là một cơ chế tiếp xúc thường niên đã tạo được một vị thế khá vững chắc, là trụ cột, nhân tố có tiếng nói quan trọng trong các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nhóm BRICS, hoặc G20.

Đối với các nước thành viên, cơ chế RIC cũng mang lại những lợi ích thiết thực, không chỉ giúp gia tăng vị thế, nâng cao hình ảnh cho “mỗi đỉnh của tam giác,” mà còn giúp họ cân nhắc, thỏa hiệp để duy trì quan điểm tương đối gần gũi trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu.

Đó là lý do tại sao, cơ chế này đã tồn tại hơn 15 năm nay, không chỉ trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, mà còn mở rộng sang kinh tế, an ninh.

Bằng những nỗ lực của ba nước, một số kênh phối hợp hành động khác giữa các bộ ngành của RIC như các cuộc tham vấn cấp Phó Thư ký Hội đồng An ninh, cấp lãnh đạo các cơ quan kinh tế-tài chính, đối thoại giữa các viện nghiên cứu, viện hàn lâm... cũng đã được thiết lập.

Năm 2019, các ngoại trưởng RIC cũng thể hiện mong muốn tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác ba bên thiết thực, và nỗ lực thiết lập một cơ chế đối thoại giữa các bộ trưởng quốc phòng vào một thời điểm thích hợp.

Tuy nhiên, sự liên kết của “tam giác chiến lược” Nga-Trung-Ấn vẫn tỏ ra “gượng gạo” và mối quan hệ luôn bấp bênh.

Thế bấp bênh của “tam giác chiến lược” Nga-Trung Quốc-Ấn ĐộNgoại trưởng ba nước Nga-Ấn Độ-Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Cả 3 nước đều đang thực hiện một chính sách đối ngoại rất thực dụng, đều tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế, và trong nhiều trường hợp, tính toán chiến lược của nước này lại va chạm về lợi ích quốc gia với nước khác.

Mặt khác, giữa các cặp quan hệ song phương của tam giác chiến lược này cũng đang tồn tại không ít bất đồng.

Kể cả những cặp quan hệ truyền thống như Nga-Ấn Độ hay quan hệ luôn được đánh giá bằng những ngôn từ “đang nồng ấm” như Nga-Trung, cũng không tránh khỏi tình trạng “đồng sàng dị mộng.”

Dù vậy, nhìn chung, khi cả Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều muốn khẳng định vị trí cường quốc khu vực và vươn tầm ra thế giới, việc duy trì mối quan hệ “tam giác” như hiện nay có lẽ vẫn được cả ba theo đuổi, bởi ít nhiều nó có thể tạo nên thế đối trọng địa-chính trị trong khu vực và tăng cường đáng kể tiếng nói của mỗi nước.

Với cơ chế tam giác chiến lược này, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có thể phối hợp linh hoạt khi cần đối phó với các thách thức và mối đe dọa chung, như khủng bố. Chưa kể những lợi ích về kinh tế-thương mại.

Đó là lý do một năm trước, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới ( G20 ) tại Osaka (Nhật Bản), Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc gặp thượng đỉnh nhằm thể hiện sự ủng hộ chính trị đối với mối quan hệ hợp tác ba bên này.

Theo dự kiến, Hội nghị ngoại trưởng RIC năm nay diễn ra tại Nga, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của BRICS và SCO. Tuy nhiên, sự hoành hành của dịch bệnh COVID-19 và căng thẳng quan hệ giữa hai thành viên RIC là Ấn Độ và Trung Quốc đang gây khó khăn cho hội nghị.

Vì dịch bệnh, người đứng đầu ngành ngoại giao ba nước đã không thể gặp mặt trực tiếp như thường lệ, mà phải tổ chức họp trực tuyến.

Ngoài ra, nước chủ nhà Nga cũng đã quyết định tạm hoãn các hội nghị thượng đỉnh SCO và BRICS vốn theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 22-23/7/2020 tại St. Petersburg.

Song có lẽ thách thức lớn nhất đối với Nga trong việc duy trì sự đồng thuận của RIC chính là căng thẳng biên giới gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ bùng phát, khiến hàng chục binh sỹ hai nước thương vong.

Thế bấp bênh của “tam giác chiến lược” Nga-Trung Quốc-Ấn ĐộBinh sỹ Ấn Độ tuần tra tại khu vực biên giới với Trung Quốc ở bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về nguyên tắc, Nga luôn khẳng định không can thiệp công việc nội bộ hai nước châu Á này và ủng hộ các nỗ lực đối thoại để Bắc Kinh và New Delhi “tự giải quyết.”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng khẳng định nội dung cuộc họp trực tuyến ngày 23/6 tới sẽ “không bao gồm thảo luận các vấn đề liên quan tới quan hệ song phương của một quốc gia với một quốc gia khác trong nhóm RIC.”

Tuy nhiên, cuộc họp tới vẫn sẽ thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế, bởi rõ ràng Nga có lợi ích to lớn trong việc duy trì sự đồng thuận trong tam giác RIC.

Nếu cơ chế RIC không giúp hai nước giải quyết tốt cuộc xung đột đã kéo dài, không loại trừ khả năng Ấn Độ sẽ có những điều chỉnh trong ưu tiên đối ngoại để tham gia các sáng kiến mới do Mỹ dẫn đầu.

Đây sẽ là kịch bản không dễ chịu đối với Nga nói riêng và với cơ chế RIC/BRICS nói chung.

Do đó, ngoài nội dung chính của hội nghị dự kiến là sự phối hợp trong phòng chống đại dịch COVID-19 , không loại trừ Nga sẽ đưa ra nhiều thông điệp đối với các đối tác chiến lược toàn diện của mình để mọi việc trở lại đúng quỹ đạo vốn có./.

(TTXVN/Vietnam+)


(TTXVN/Vietnam+)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]