Dữ liệu cập nhật từ Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Hệ thống (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins cho thấy, tính đến 23h00 GMT ngày 3/5 (6h00 sáng 4/5 theo giờ Hà Nội), tổng số ca mắc COVID-19 được xác nhận trên toàn cầu đã vượt qua con số 3,5 triệu trường hợp, lên 3.502.126 người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dịch COVID-19 trên thế giới: Brazil vượt mốc 100 nghìn ca

Dữ liệu cập nhật từ Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Hệ thống (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins cho thấy, tính đến 23h00 GMT ngày 3/5 (6h00 sáng 4/5 theo giờ Hà Nội), tổng số ca mắc COVID-19 được xác nhận trên toàn cầu đã vượt qua con số 3,5 triệu trường hợp, lên 3.502.126 người.

Dịch COVID-19 trên thế giới: Brazil vượt mốc 100 nghìn caNhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh ngày 18/4/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo CSSE, trên toàn thế giới, 247.107 người đã tử vong do virus SARS-CoV-2.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đại dịch COVID-19 với 1.156.924 ca nhiễm bệnh và 67.498 trường hợp tử vong. Tiếp đó là Tây Ban Nha và Italy với lần lượt 217.466 và 210.717 ca mắc COVID-19. Những quốc gia khác có trên 150.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là Vương quốc Liên hiệp Anh, Pháp và Đức.

Trong khi đó, theo số liệu của trang web thống kê worldometers.info, tính đến 6h ngày 4/5, thế giới ghi nhận 3,561,887 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 248.084 ca tử vong.

Châu Âu: Số ca nguy kịch giảm tại Pháp và Italy

Ngày 3/5, Bộ trưởng Nội các Anh Michael Gove cho hay, vào tuần tới, Anh sẽ thử nghiệm một chương trình mới truy vết virus SARS-CoV-2 ở Đảo Wight, nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Nam của nước này.

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh đang tìm cách tối thiểu hóa nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Gove nói: “Trong tuần tới, chúng tôi sẽ thí điểm các thủ tục xét nghiệm, tìm kiếm và truy vết mới ở Đảo Wight với kế hoạch triển khai chương trình một cách rộng rãi hơn sau đó trong tháng này.”

Cùng ngày, Chính phủ Anh cho biết đã ghi nhận thêm 315 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở các bệnh viện, viện dưỡng lão và cộng đồng, đưa tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 thiệt mạng ở nước này lên 28.446 người - cao thứ hai ở châu Âu sau Italy.

Trong ngày 3/5, Anh còn phát hiện thêm 4.339 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 186.599 người.

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 3/5, nước này ghi nhận thêm 1.389 ca nhiễm mới , nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 210.717 trường hợp.

Trong khi đó, số ca tử vong tăng lên 28.884 trường hợp (tăng 174 ca). Có 1.740 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 81.654 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm 38 ca xuống còn 1.501 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tính đến tối 3/5 (theo giờ địa phương), số ca tử vong vì COVID-19 ở Pháp đã tăng thêm 135 trường hợp - lên thành tổng cộng 24.895 người, bao gồm 15.583 ca (tăng 96 ca) ở các bệnh viện và 9.312 ca (tăng 39 ca) ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.

Hiện Pháp cũng ghi nhận 25.815 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện - giảm 12 ca so với hôm 2/5, trong đó có 3.819 trường hợp đang được điều trị đặc biệt - giảm 8 ca. Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực ở Pháp đã giảm liên tiếp trong suốt 25 ngày qua.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, những người dân đã chọn về quê hoặc đến ở tại nhà nghỉ gia đình trong thời gian phong tỏa trên toàn quốc đã được phép trở lại nơi ở chính của họ. Mục đích của quy định mới là nhằm chuẩn bị cho việc đi làm hoặc đi học trở lại, dự tính từ ngày 11/5.

Liên quan đến hoạt động vận chuyển hàng không, sân bay Paris-Orly đóng cửa từ ngày 31/3 sẽ tiếp tục dừng hoạt động cho đến mùa Thu. Sân bay Roissy-Charles de Gaulle hiện chỉ có 3 trong tổng số 9 nhà ga được phép mở cửa.

Lãnh đạo sân bay này đang có kế hoạch đóng cửa thêm 1 nhà ga để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra y tế.

Hiện nay ở Pháp, ngoại trừ Air France duy trì các chuyến bay đến Marseille, Nice và Toulouse, cũng như các chuyến chở hàng và sơ tán công dân, tất cả các hãng hàng không gần như ngừng hoạt động.

Theo Ban Giám đốc Air France-KLM, việc trở lại nhịp độ bình thường sẽ mất ít nhất là 2 năm.

Cũng trong ngày 3/5, Bộ trưởng Tài chính công Gérald Darmanin khẳng định, trong trường hợp “thực sự cần thiết,” Chính phủ Pháp sẽ hỗ trợ nhà sản xuất máy bay Airbus.

Theo ông Darmanin, hàng không vũ trụ và ôtô là “2 ngành công nghiệp lớn mà chúng ta sẽ phải hỗ trợ đặc biệt.” Bộ trưởng Tài chính Pháp cũng nhấn mạnh, khoản hỗ trợ trị giá 7 tỷ euro dành cho Air France-KLM đã mang lại “lợi ích gián tiếp” cho Airbus.

Theo Giáo sư Matthias Egger - người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm khoa học do Chính phủ Thụy Sĩ thành lập để phối hợp tư vấn và nghiên cứu về dịch bệnh COVID-19, nước này có thể phải tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội trong 2 năm tới.

Trả lời phỏng vấn tuần báo NZZ am Sonntag ngày 3/5, Giáo sư Egger hy vọng, hoạt động tiêm chủng vắcxin quy mô lớn có thể diễn ra trong vòng một năm.

Tuy vậy, cho đến khi các bác sỹ có đầy đủ những câu trả lời về virus SARS-CoV-2 , các biện pháp như giãn cách xã hội sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện trong nỗ lực duy trì hệ số lây nhiễm cơ bản “R0” (ước tính số ca nhiễm mới gây ra bởi một trường hợp mắc bệnh trước đó) ở mức dưới 1 - và do đó làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Didier Pittet - người đứng đầu chương trình kiểm soát nhiễm trùng tại Bệnh viện Đại học Geneva (HUG) - cho rằng, Thụy Sĩ đã cố gắng hạ thấp hệ số lây nhiễm “R0” ở nước này từ mức 3,8 khi bắt đầu dịch bệnh xuống còn 0,6 sau các biện pháp khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, theo ông Pittet, để ngăn chặn sự gia tăng đột biến khác, các biện pháp như giãn cách xã hội, rửa tay kỹ và đeo khẩu trang trong một số tình huống có thể là cần thiết trong dài hạn.

Thụy Sĩ đã quyết định nới lỏng thêm các quy định về phong tỏa. Theo đó, tất cả các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn, bảo tàng và thư viện có thể mở cửa trở lại từ ngày 11/5. Các trường tiểu học, trung học cũng được phép mở cửa trở lại tùy theo quyết định của từng bang.

Số ca mắc tại Brazil vượt ngưỡng 100.000

Ngày 3/5, Bộ Y tế Brazil thông báo số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona SARS-Cov-2 tại nước này đã lên tới 101.147 trường hợp, trong đó có 7.052 ca tử vong.

Dịch COVID-19 trên thế giới: Brazil vượt mốc 100 nghìn caNhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân tại một bãi đỗ xe ở Brasilia, Brazil, ngày 21/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ Latinh dẫn thông cáo của cơ quan y tế Brazil nêu rõ, trong 24 giờ qua quốc gia Nam Mỹ đã ghi nhận 4.588 ca mắc mới với 275 trường hợp tử vong do dịch COVID-19. Bộ Y tế Brazil cũng xác nhận tới nay tổng số người được chữa khỏi là 42.991 người, chiếm 42,5% tổng số ca bệnh, trong khi 51.131 người khác (50,6%) hiện đang trong quá trình chữa trị và 1.364 trường hợp tử vong vẫn đang được điều tra để xác định nguyên nhân.

Hiện tâm dịch COVID-19 ở Brazil là bang Sao Paulo, với 31.772 ca được chẩn đoán dương tính với SARS-Cov-2 và 2.627 trường hợp tử vong, tiếp đó là bang Rio de Janeiro với 1.019 ca tử vong trong tổng số 11.139 ca nhiễm bệnh.

Brazil là quốc gia Mỹ Latinh chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, với hệ thống bệnh viện, nhà tang lễ và nghĩa trang gần như “sụp đổ” do quá tải trong khi các ca mắc hàng ngày vẫn tăng theo cấp số nhân.

Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich hôm 1/5 dự báo số ca tử vong ở nước này có thể lên tới hàng nghìn người mỗi ngày nếu dịch tiếp tục lây lan mạnh.

Ông cũng thừa nhận chưa thể bắt đầu nới lỏng việc giãn cách xã hội bởi đường cong trên biểu đồ dịch của Brazil vẫn tăng rõ ràng. Trong khi đó, các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo với tỷ lệ mắc bệnh hiện nay, Brazil có khả năng sẽ trở thành tâm dịch COVID-19 tiếp theo của thế giới.

Châu Phi: Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng

Ngày 3/5, Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch COVID-19 của Algeria cho biết, tính đến chiều 3/5 theo giờ địa phương, quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận thêm 179 ca mắc mới và 4 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc ở Algeria này lên 4.474 người và 463 ca tử vong.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Algiers dẫn lời ông Djamel Fourar - người phát ngôn của Ủy ban cho biết, cùng ngày, đã có 46 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện là 1.936 người.

Hiện dịch COVID-19 đã lây lan tại toàn bộ 48/48 tỉnh thành phố ở Algeria, trong đó những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Blida, Algiers, Oran, Sétif, Constantine, Ain Defla, Tipaza,... Những ca mắc ở Algeria có độ tuổi trung bình từ 25-60, chiếm 56%, và 65% ca tử vong có độ tuổi từ 65 trở lên.

Hiện Algeria xếp thứ 4 ở châu Phi về tổng số ca mắc COVID-19, sau Nam Phi, Ai Cập và Maroc, nhưng lại là nước có số ca tử vong cao nhất châu lục, với tỷ lệ gần 10%. Hiện quốc gia Bắc Phi đang được đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn dịch.

Cũng trong ngày 3/5, chính phủ Algeria thông báo sẽ cắt giảm một nửa ngân sách hoạt động của nhà nước và các tổ chức có liên quan trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng do giá dầu sụt giảm và đại dịch COVID-19.

Chính phủ Algeria cũng cam kết tăng thu nhập tối thiểu thêm 11% bắt đầu từ ngày 1/6, từ mức 18.000 DZD/tháng (140,76 USD) lên 20.000 DZD/tháng (156.4 USD). Ngoài ra, những người có thu nhập dưới 30.000 DZD/tháng (234,6 USD) sẽ được miễn thuế thu nhập.

Hôm 2/5, Tổng thống Abdelmadjid Tebboune đã nhân danh “chủ quyền đất nước” để quyết định không vay nợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức tài chính quốc tế khác.

Theo dự báo của IMF, Algeria sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế trong năm 2020, cũng như là một trong những quốc gia có mức thâm hụt ngân sách cao nhất trong khu vực do giá dầu mỏ giảm sâu và đại dịch COVID-19.

Cũng liên quan đến diễn biến của dịch, Tổng thống Senegal Macky Sall đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp hôm 23/3 đến ngày 2/6 và lệnh giới nghiêm vào ban đêm để đối phó với sự lây lan từ COVID-19.

Cho đến nay quốc gia Tây Phi đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch, với 1.182 ca mắc và 9 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, chỉ riêng trong ngày 3/5, Senegal đã ghi nhận thêm 67 ca mắc mới, con số cao nhất kể khi nước này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên hôm 2/3.

Tuy nhiên, nhà chức trách Senegal cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có nguy cơ dai dẳng và lây lan rộng trong cộng đồng, khi hệ thống y tế không thể ứng phó trong tương lai gần.

Trước đó, chính quyền Senegal đã đóng cửa biên giới và trường học, cấm tụ tập và cầu nguyện tập thể cũng như lưu thông giữa các thành phố trong nước, bắt buộc đeo khẩu trang tại cơ sở dịch vụ công cộng-tư nhân, trung tâm thương mại cũng như khi tham gia giao thông và đóng cửa các chợ truyền thống ở Dakar vào cuối tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)


(TTXVN/Vietnam+)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]