Số phận thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi văn kiện lịch sử này vẫn tiếp tục là chủ đề “nóng” trong mấy ngày gần đây. Iran mới đây đã khẳng định sẽ tiếp tục ở lại Thoả thuận với điều kiện các nước Châu Âu vẫn ủng hộ duy trì thỏa thuận này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Châu Âu có dám hy sinh lợi ích thương mại với Mỹ vì Iran?

Số phận thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi văn kiện lịch sử này vẫn tiếp tục là chủ đề “nóng” trong mấy ngày gần đây. Iran mới đây đã khẳng định sẽ tiếp tục ở lại Thoả thuận với điều kiện các nước Châu Âu vẫn ủng hộ duy trì thỏa thuận này.

Trong khi đó, Mỹ không ngừng hối thúc các đồng minh Anh, Pháp, Đức phối hợp theo chủ trương của Washington, đồng thời đe dọa sẽ trừng phạt các công ty Châu Âu nếu tiếp tục làm ăn với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Giới quan sát cho rằng, tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran hiện phụ thuộc phần lớn vào các bước đi của Anh, Pháp và Đức. Các nước này liệu có hy sinh lợi ích thương mại với Mỹ để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran đang là câu hỏi đáng quan tâm.

Châu Âu rơi vào tình huống khó xử

Đối với Châu Âu thì quyết định của Mỹ về việc rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã đẩy khối này vào thế bị kẹt giữa hai bên. Một bên là Iran và các lợi ích kinh tế và an ninh mà Châu Âu đã theo đuổi suốt nhiều năm qua mới đạt được và một bên là Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Châu Âu và là cường quốc số 1 thế giới. Vấn đề bây giờ là Châu Âu phải cân bằng được cùng lúc hai bài toán khó: vừa phải giữ được Iran ở lại trong thoả thuận hạt nhân 2015 và vừa phải làm sao để không làm đổ vỡ quan hệ đồng minh sống còn với Mỹ.

Đây là thế khó cả về mặt chính trị lẫn kinh tế khi mà lợi ích giữa các bên không tương đồng, thậm chí là trái ngược hoàn toàn như Mỹ và Iran.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, mối bận tâm lớn nhất của Châu Âu trước hết là khía cạnh kinh tế. Cụ thể, là làm sao vừa đảm bảo được lợi ích kinh tế của chính mình, vừa bù đắp được cho thiệt hại kinh tế của Iran. Nguyên do là vì Iran đã tuyên bố là nước này sẽ chỉ tiếp tục tuân thủ thoả thuận hạt nhân 2015 nếu Châu Âu đảm bảo bù đắp được các thiệt hại kinh tế mà Iran sẽ phải chịu khi Mỹ nối lại các lệnh trừng phạt kinh tế Iran. Và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã đến Châu Âu từ ngày 15/5 để buộc Châu Âu trả lời câu hỏi: Châu Âu sẽ bù đắp cụ thể về mặt kinh tế ra sao cho Iran trong thời gian tới.

Đây là thế lưỡng nan với Châu Âu vì ngay cả bản thân lợi ích kinh tế của các công ty Châu Âu đang làm ăn ở Iran cũng đang bị đe doạ. Trong những ngày qua thì các chính trị gia Châu Âu đã phải liên tiếp trấn an các công ty của mình đang có quan hệ làm ăn với Iran, đồng thời cũng phải nghiên cứu các giải pháp nhằm né tránh hoặc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Các tập đoàn lớn của Châu Âu đang đầu tư và làm ăn rất mạnh tại Iran trong vài năm qua, với số vốn đầu tư trên 20 tỷ euro, nhưng dù tiềm năng hợp tác kinh tế với Iran có lớn đến mấy thì cũng không thể so được với lợi ích kinh tế của các tập đoàn này với Mỹ. Vì thế, Châu Âu bây giờ cùng lúc phải trả lời 2 câu hỏi hóc búa: Một là có dám chấp nhận rủi ro với Mỹ để tiếp tục làm ăn với Iran hay không? Và hai là sẽ chấp nhận bù đắp cho Iran đến mức độ nào để giữ nước này tiếp tục ở lại trong thoả thuận hạt nhân.

Quan điểm của Châu Âu

Quan điểm của Châu Âu về cơ bản không thay đổi so với thời điểm ông Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân, đó là sẽ tiếp tục thực hiện thoả thuận này. Trong tối 15/5, sau cuộc gặp Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, các Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức đều đã khẳng định lại quan điểm này, và nhấn mạnh điều cần thiết phải đưa ra cho Iran “một gói bảo đảm”. Nhưng cụ thể các bảo đảm này là gì thì các bên đều chưa công bố.

Tuy nhiên, mối bận tâm lớn của Châu Âu vào thời điểm này chưa phải là chuyện tiếp tục thực thi thoả thuận 2015 ra sao mà ở việc làm sao để né được các thiệt hại kinh tế rất lớn một khi Mỹ áp dụng trở lại các lệnh trừng phạt Iran.

Một trong các hướng đi được Châu Âu bàn đến nhiều là làm sao để Mỹ không sử dụng nguyên tắc áp dụng luật ngoài lãnh thổ đối với các công ty Châu Âu. Ngoài ra có thể có các kịch bản kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới- WTO hay tổ chức một kênh tín dụng riêng của Châu Âu để làm ăn với Iran mà không phụ thuộc vào các hệ thống tài chính liên quan đến Mỹ. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này đều rất phức tạp và cũng không chứng minh được tính hiệu quả trong quá khứ.

Giới chuyên gia kinh tế Châu Âu nhìn chung bi quan về việc Châu Âu có thể phong toả được sức mạnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, cũng như không tin rằng Châu Âu dám hy sinh lợi ích kinh tế và an ninh với Mỹ để đứng về phía Iran.

Kịch bản khả thi cho tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran?

Hồ sơ hạt nhân Iran vốn vô cùng phức tạp, với các tính toán lợi ích đan xen chồng chéo của nhiều nước. Châu Âu đương nhiên muốn bằng mọi giá giữ được thoả thuận hạt nhân Iran 2015 hoặc trong tình huống mà Mỹ gây sức ép lớn thì sẽ thuyết phục Mỹ cùng các bên đàm phán một thoả thuận mới trên cơ sở mở rộng thoả thuận cũ. Đây là điều Mỹ muốn nhưng lại là điều mà Nga, Trung Quốc hay Iran kịch liệt phản đối. Vào lúc này thì giữa tất cả các bên gần như không có điểm dung hoà lợi ích.

Về lý thuyết, thoả thuận hạt nhân Iran 2015 vẫn có thể tiếp tục thực hiện kể cả khi Mỹ rút lui, nhưng thực hiện đến bao giờ thì lại phụ thuộc ở việc Châu Âu dám hy sinh quan hệ đồng minh với Mỹ đến đâu, và dám bù đắp kinh tế cho Iran đến mức nào? Rất khó tin rằng mối quan hệ đồng minh sống còn của phương Tây lại có thể đổ vỡ vì hồ sơ Iran, vì quan hệ đồng minh đó là nền tảng cho trật tự thế giới mà các nước phương Tây muốn duy trì.

Vì thế, về lâu dài, Châu Âu sẽ phải tìm kiếm một giải pháp được Mỹ chấp nhận. Vì lí do này mà các lãnh đạo Châu Âu đang ráo riết thực hiện các nỗ lực ngoại giao con thoi, như việc họp thượng đỉnh chớp nhoáng tại Bulgaria trong ngày hôm nay hay việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đi thăm Nga để bàn thảo với Tổng thống Nga, Vladimir Putin trong vài ngày tới./.


Theo VOV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]