(Baothanhhoa.vn) - Nhìn xuống dòng sông Chu, Hạnh lấy tay lau giọt nước mắt như gạt đi cuộc đời tủi khổ, nổi trôi trên xóm chài nghèo thăm thẳm. Rồi đây, những đứa trẻ xóm thủy cơ này sẽ không còn phải buộc dây, buộc bóng vào người phòng lúc rơi tuột xuống nước khi theo bố mẹ chúng lênh đênh mịt mùng trên những khúc sông.

Nụ cười đã nở phía chân đê

Nhìn xuống dòng sông Chu, Hạnh lấy tay lau giọt nước mắt như gạt đi cuộc đời tủi khổ, nổi trôi trên xóm chài nghèo thăm thẳm. Rồi đây, những đứa trẻ xóm thủy cơ này sẽ không còn phải buộc dây, buộc bóng vào người phòng lúc rơi tuột xuống nước khi theo bố mẹ chúng lênh đênh mịt mùng trên những khúc sông.

Nụ cười đã nở phía chân đê

Khu tái định cư cho đồng bào sinh sống trên sông ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) đã hiện hữu những căn nhà kiên cố.

Niềm vui đã về trên thân hình gầy guộc của Nguyễn Thị Hạnh (SN 1997) cùng những người dân chài xóm thủy cơ lam lũ khi những căn nhà trên khu tái định cư cho đồng bào sinh sống trên sông sắp sửa hoàn thành ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa). Đó là một khu tái định cư được xây dựng cách đê hữu sông Chu không xa, nơi mép nước bao đời nay dân chài thủy cơ vẫn cắm sào neo đậu, lại gần trung tâm xã, gần chợ, gần trường học. Trên con đường nhựa phía trước những căn nhà ngổn ngang hồ vữa, gạch lát, khung nhôm, cửa kính, hai đứa con Hạnh là Nguyễn Thị Mai (6 tuổi) và Nguyễn Thị Như (4 tuổi) cùng những đứa trẻ làng chài lấm lem bốc cát chơi trò trong những câu hát đồng dao.

Nhìn vào ánh mắt thơ ngây của những đứa trẻ, Hạnh vui lắm: “Em chưa từng nghĩ mình được ở trên bờ, trong căn nhà khang trang, kiên cố. Rồi đây các cháu sẽ được đến trường đi học. Bố nó cũng ở nhà đi làm, không phải tha hương kiếm sống. Còn vui nào hơn đâu”. Nói rồi, Hạnh đưa ánh mắt xa xăm, kể lại cuộc đời đã qua trong nổi trôi vô định trên những khúc sông sâu.

Cũng như bao đời dân chài, Hạnh cất tiếng khóc lọt lòng trên mặt sông ì oạp sóng vỗ mạn thuyền ở gần cầu phao Vồm (Thiệu Khánh). Lúc thanh xuân, chị đẹp nức tiếng trên xóm chài, những mong lấy được chồng trên cạn. Nhưng rồi, như một lời nguyền truyền kiếp, Hạnh gặp Nguyễn Văn Phương (SN 1990) trong những lần theo con nước, nên duyên về chung thuyền, rồi ngược lên xóm thủy cơ xã Thiệu Vũ tá túc từ năm 2017. Khi con tôm, con cá ngày càng thưa vắng, lại phải làm trụ cột của gia đình, Phương đã phải đi vào Quảng Trị làm thuê trên tàu hút cát dưới sông. Còn Hạnh ở nhà, cũng vì làm việc vất vả, đội nắng, đi mưa, lại dè dặt, chắt bóp chi tiêu để phòng lúc sinh nở, nên đồ ăn thức uống lúc mang thai cũng chẳng khác trước là bao. Người vẫn thường xanh xao, vàng vọt, nên 4 lần mang thai, 3 lần “vượt cạn”, đến chị còn hai mụn con gái.

Hạnh bộc bạch: “Mỗi lần sinh nở, chưa khô vết mổ em phải xuất viện. Nằm trên con thuyền bị sóng đánh, lúc nghiêng bên này, lúc nghiêng bên kia, em cắn răng chịu đựng từng cơn đau. Mà nếu không nằm thì em thường phải khom người, vết mổ lại càng dữ dội hơn. Giờ nghĩ lại em vẫn còn thấy sợ".

Năm ngoái, cũng vào giấc này, trời mưa tầm tã, tôi gặp Hạnh lom khom chuẩn bị bữa cơm trong con thuyền nhỏ tuềnh toàng, ướt sũng trên xóm thủy cơ. Mâm cơm chiều của ba mẹ con chị cũng chỉ có vài quả trứng gà luộc, ít hạt muối trắng và một nồi cơm đùng đục. Ngồi ăn cơm cạnh mẹ, nhưng 2 đứa con Hạnh vẫn phải bị buộc vào một sợi dây ràng với mui thuyền, phòng tránh bị rơi xuống sông.

Nụ cười đã nở phía chân đê

Niềm vui của gia đình anh Nguyễn Văn Phương và chị Nguyễn Thị Hạnh trước ngôi nhà chuẩn bị được hoàn thành.

Giờ dẫn tôi ra đê nhìn xuống dòng sông Chu, nơi con thuyền của gia đình đang chung chiêng trên sóng, Hạnh cười tươi, vì chỉ còn ít ngày nữa thôi, căn nhà kiên cố, khang trang trên khu tái định cư cho đồng bào sinh sống trên sông sẽ hoàn thành, làm mái ấm chở che cho những cuộc đời tủi khổ, lênh đênh. Chồng chị - anh Nguyễn Văn Phương nói: “Em sẽ cố gắng tìm việc làm ở quê, không đi làm ăn xa nữa. Vì ở nhà em sẽ có điều kiện hơn để nuôi dạy con cái ăn học. Khi các cháu có chữ, sẽ không khổ như bọn em nữa”.

Gặp lại tôi, Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1980) tay bắt mặt mừng rồi chỉ tay giới thiệu căn nhà sắp được hoàn thành trong huyên náo tiếng máy trộn bê tông, tiếng máy cắt gạch, tiếng lạch cạch của những người thợ lát nền. Căn nhà ở vị trí đầu ve, được xây dựng chắc chắn, có 4 phòng ngủ, 1 phòng khách, đủ chỗ cho 5 bố con anh sinh sống ổn định.

Năm ngoái, tôi gặp anh trong một con thuyền nồng nặc mùi ẩm mốc, được che bằng đủ thứ vật dụng, chỗ quây tôn, nơi ghép ván, đoạn quấn bạt. Trong con thuyền ấy, đồ đoàn cũng chẳng có gì đáng giá ngoài cái bếp ga, vài cái nồi inox. Đến như cái ấm pha trà cũng không có nắp đậy, lúc rót nước mời tôi, anh phải lấy tạm cái chén đậy lên giữ hơi nóng. Trên xóm chài thủy cơ, thuyền của Hậu thuộc diện to, nhưng vào mỗi mùa mưa, nghe tin bão vào Thanh Hóa gia đình anh vẫn phải cùng cả xóm chài bồng bế nhau lên bờ lánh nạn.

Đến giờ vẫn vậy, Hậu không nhớ mình đã là đời thứ bao nhiêu trong gia đình làm nghề chài lưới. Chỉ biết rằng, ông bà nội đã ở dưới sông. Sinh ra, anh đã bị ràng rịt vào đôi mái chèo, lúc ngược lên Thọ Xuân, khi xuôi Ngã Ba Bông lên Yên Định... được tôm, cá thì đưa lên bờ, gặp chợ bán ở chợ, không gặp chợ thì đi vào bán cho dân làng, hoặc đổi gạo, rau, mắm muối sinh nhai. Cuộc sống nay đây mai đó, nên cả 7 anh em nhà Hậu lít nhít trứng gà trứng vịt, đói ăn thiếu mặc nên chẳng ai được đến trường học chữ, lại bị “hà bá” cướp đi người chị thứ hai. Kể cả vợ anh, chị Nguyễn Thị Loan cũng tử nạn do bị lật thuyền vào mùa mưa năm 2019 khi tuổi đời chưa đầy 40, để lại mình anh gà trống nuôi 4 con nhỏ cùng người mẹ già mắt mờ tóc bạc.

Từ ngày ấy, anh quăng quật đủ thứ nghề trên sông, thậm chí đi làm “cát tặc”, cốt chỉ đủ kiếm gạo nuôi con. 4 đứa con sinh ra cũng bị số phận an bài vào dòng sông. Chúng cũng lít nhít gầy gò, đen đúa, đứa nhỏ mặc lại quần áo đứa lớn và tịnh nhiên không một chiếc nào chưa bị vá, nhưng khỏe như cỏ dại ven bờ. Cuộc sống của gia đình anh cứ bập bềnh trôi đi trong chồng chất khó khăn với bao nỗi đoạn trường, tủi khổ của kiếp phận làm người.

“Giờ thì khác rồi, có nằm mơ mình cũng không nghĩ sẽ có nhà trên bờ. Rồi mình sẽ cố gắng tìm nghề mới để làm ăn, nuôi các cháu ăn học”, Hậu cười trong ánh mắt vằn đỏ.

Sau Thông báo số 129-TB/VPTU, ngày 18-4-2022 của Văn phòng Tỉnh ủy thông báo kết luận của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông tại các địa phương trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Thông báo số 129), ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) một khu tái định cư đã được khởi công xây dựng trên diện tích 1,06 ha, tổng mức đầu tư 6,2 tỷ đồng, với đầy đủ các hạng mục công trình dân sinh, phục vụ di dời 28 hộ/140 nhân khẩu đồng bào giáo dân sinh sống trên sông có hộ khẩu thường trú tại xã Thiệu Vũ lên bờ. Đó là công trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn, được khởi dựng từ một quyết sách đúng đắn, kịp thời, trao cơ hội, tạo động lực mạnh mẽ để các hộ đồng bào sinh sống trên sông lên bờ, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Ngoài được cấp đất ở, mỗi hộ dân còn được Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, Caritas Giáo phận Thanh Hóa hỗ trợ 50 triệu đồng và Ủy ban MTTQ huyện Thiệu Hóa hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà ở. Sau khi mặt bằng hoàn thành, ngày 8-4-2023 huyện Thiệu Hóa đã tổ chức lễ động thổ, 28 hộ đồng bào sinh sống trên sông đồng loạt khởi công xây dựng nhà ở trong ăm ắp niềm vui, tiếng cười.

Tôi nhớ rõ những trăn trở của ông Nguyễn Xuân Lai, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thiệu Hóa trong những ngày đầu triển khai thực hiện Thông báo số 129 gần một năm trước. Làm thế nào để rà soát, bình xét công tâm, khách quan để không bỏ sót các hộ đồng bào được hưởng lợi, nhưng cũng không để xảy ra tình trạng bị lợi dụng chính sách là cả một việc làm khó. Bởi các hộ dân chài nay đây, mai đó, thậm chí có hộ chuyển đi các tỉnh khác sinh sống, đã rất lâu không trở về địa phương. Thành ra, các cấp ủy, chính quyền huyện Thiệu Hóa mà trực tiếp là xã Thiệu Vũ đã phải đi tìm ngư dân xã mình, gọi về để hỗ trợ. Phải hơn 4 tháng trời việc rà soát, xác định hộ đồng bào được thụ hưởng chính sách mới được hoàn thành.

“Bài toán sinh kế cho bà con đã được huyện bàn bạc kỹ lưỡng. Sau khi hoàn thành nhà ở, những người trong độ tuổi lao động sẽ được huyện giới thiệu vào làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn. Người quá độ tuổi lao động thì sẽ làm nghề mây giang xiên ở nhà”, ông Lai nói.

Cũng như gia đình anh Nguyễn Văn Hậu, những hộ đồng bào sinh sống trên sông vốn được chắp nối với nhau bằng con tôm, con cá, sinh ra trên dòng nước, sống theo con nước. Khát vọng lên bờ vẫn luôn hằng cháy trên nhọc nhằn những vết chân chim nơi khóe mắt và cả trong thẳm sâu tâm can bậc sinh thành mong cho con cái được học hành, thoát khỏi hiểm nguy, đói nghèo, lạc hậu. Nhưng rồi cuộc sống lênh đênh vô tận, bữa đói bữa no, nên ước mơ tưởng chừng như đơn sơ ấy lại trở thành “báu vật” truyền đời như những lời nguyền hóa đá ghì lên đời họ. Và giờ đây, trên nơi ở mới, họ đang vui như chưa bao giờ được vui.

Ghi chép của Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]