(Baothanhhoa.vn) - Đông Sơn - miền đất “Địa linh nhân kiệt”, quê hương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống cách mạng, là nơi thành lập Chi bộ Hàm Hạ - chi bộ đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; là địa danh vinh dự và tự hào khi được đón Bác trong lần đầu tiên Người về thăm tỉnh Thanh (20-2-1947), tại Rừng Thông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đông Sơn “đoàn kết, năng động, sáng tạo” xây dựng thành công huyện nông thôn mới

Đông Sơn - miền đất “Địa linh nhân kiệt”, quê hương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống cách mạng, là nơi thành lập Chi bộ Hàm Hạ - chi bộ đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; là địa danh vinh dự và tự hào khi được đón Bác trong lần đầu tiên Người về thăm tỉnh Thanh (20-2-1947), tại Rừng Thông.

Đông Sơn “đoàn kết, năng động, sáng tạo” xây dựng thành công huyện nông thôn mới

Đồng chí Nguyễn Quang Hải, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Sơn thăm mô hình sản xuất của người dân.

Phát huy truyền thống của quê hương; khắc sâu lời dạy của Bác “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, đặc biệt sau khi tiếp thu chủ trương của Đảng và Nhà nước về triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với ý chí quyết tâm “đoàn kết, năng động, sáng tạo”, đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đoàn kết, đồng lòng với tinh thần quyết tâm cao cùng cách làm sáng tạo, hiệu quả đã tạo nên thành quả trong XDNTM. Diện mạo nông thôn huyện Đông Sơn ngày càng khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Ngày 16-8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận huyện Đông Sơn đạt chuẩn NTM năm 2019.

Nhớ những ngày đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, huyện Đông Sơn gặp nhiều khó khăn: Hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán, manh mún; dịch vụ, ngành nghề nông thôn, quy mô nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp; một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức về mục tiêu, quan điểm XDNTM chưa đầy đủ, còn tư tưởng ngại khó, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách cấp trên... Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở luôn thấm nhuần quan điểm: “XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân” từ đó tập trung triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM với quyết tâm cao nhất, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản, quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương, của UBND tỉnh về XDNTM.

Để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, cụ thể hóa các chủ trương của cấp ủy các cấp, mục tiêu nhiệm vụ của huyện, huyện ủy đã ban hành các nghị quyết, quyết định, đề án gắn với nội dung XDNTM, tiêu biểu là: Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong XDNTM trên địa bàn huyện Đông Sơn giai đoạn 2012-2020”; Nghị quyết số 07-NQ/HU về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Đông Sơn giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 10-NQ/HU về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ huyện Đông Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 428/QĐ-HU về việc thành lập tổ chỉ đạo triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn, đô thị. Để xác định được lộ trình xây dựng và từng xã NTM một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành phụ trách tiêu chí hướng dẫn và phối hợp với các địa phương rà soát chi tiết mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí, chỉ ra những nội dung công việc cần phải hoàn thiện, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện, phương án huy động nguồn lực một cách hợp lý, hiệu quả đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Hàng năm, HĐND huyện đã cụ thể hóa các nghị quyết của huyện ủy để ban hành nhiều cơ chế, chủ yếu tập trung vào khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, về cơ chế thu tiền sử dụng đất. Các cơ chế hỗ trợ được ban hành đã góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích, kích cầu cho các xã tích cực đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng được lộ trình cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình XDNTM.

Quá trình triển khai XDNTM, huyện Đông Sơn tập trung mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy nội lực. Xác định người dân là chủ thể của phong trào, huyện luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để triển khai, thực hiện; với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Từ đó, mỗi người dân đều cảm thấy mình là chủ thể và tích cực tham gia thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã huy động trên 6.181 tỷ đồng XDNTM; trong đó, ngân sách Trung ương 139,06 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 173,32 tỷ đồng; ngân sách huyện 405,2 tỷ đồng; ngân sách xã 389,14 tỷ đồng; vốn vay tín dụng 318,08 tỷ đồng; doanh nghiệp, HTX 1.494,25 tỷ đồng; nhân dân tham gia (trên 2 tỷ đồng tiền mặt, đóng góp 61.056 ngày công lao động, hiến 89.815m2 đất, chỉnh trang nhà ở, vườn tạp...) với tổng trị giá 3.082,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, huyện đã đầu tư làm mới, nâng cấp, sửa chữa và mở rộng 235 km đường giao thông đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiêu chí mới; xây dựng 298 phòng học và phòng chức năng của trường học các cấp, sửa chữa hàng trăm phòng học và mua sắm trang thiết bị, bổ sung đồ dùng dạy học; xây mới, nâng cấp 110 nhà văn hóa và khu thể thao thôn; xây mới 11 nhà hội trường xã và 13 sân vận động thuộc khu trung tâm văn hóa - thể thao...

Thực hiện XDNTM, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Đến hết năm 2018, cơ cấu giá trị sản xuất của công nghiệp - xây dựng chiếm 62%; thương mại - dịch vụ chiếm 19,9%; nông nghiệp chiếm 18,1%. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Đông Sơn đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Huyện ban hành đề án cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, hỗ trợ cho nông dân, HTX, tổ chức mua sắm máy móc, thiết bị để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, đến nay đã xây dựng và duy trì thực hiện được 17 cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa ở 14 xã với tổng diện tích thực hiện là 592,2 ha. Toàn huyện có 324 trang trại, gia trại; 10 mô hình nhà màng, nhà lưới nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả, hoa hữu cơ kết hợp tưới nước tiết kiệm; 50 hộ sản xuất nấm, 3 HTX sản xuất rau an toàn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP....

Cùng với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp, 3 công ty may xuất khẩu giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Dịch vụ, thương mại phát triển với tốc độ cao, đã hình thành nhiều cửa hàng thương mại với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân, dịch vụ xe khách, xe taxi đã hình thành liên kết các tỉnh trong khu vực đáp ứng nhu cầu đi lại và giao lưu hàng hóa cho nhân dân. Đến nay, tỷ lệ lao động của huyện Đông Sơn có việc làm thường xuyên là 95,6%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo khu vực nông thôn đạt 71,28%. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển toàn diện với 14/14 xã đã được công nhận danh hiệu văn hóa; 85/85 thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90%. 92,5% các trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia (đứng đầu toàn tỉnh); 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế (đứng đầu toàn tỉnh); tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 89%. 14/14 xã được công nhận xã đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, bản sắc văn hóa quê hương, tình làng, nghĩa xóm và các hoạt động từ thiện, nhân đạo tiếp tục được giữ gìn, khơi dậy và phát huy, góp phần giữ vững an ninh trật tự nông thôn. Hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Đặc biệt, công tác quy hoạch cán bộ; gắn quy hoạch với việc đào tạo nâng cao trình độ, chuẩn hóa đội ngũ và luân chuyển cán bộ được huyện Đông Sơn quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Giai đoạn 2011-2018, huyện đã điều động, luân chuyển 16 cán bộ huyện xuống cơ sở và điều động 16 cán bộ chủ chốt từ địa phương này sang địa phương khác giữ các chức danh chủ chốt ở các xã, thị trấn. Đến nay, 100% các xã, thị trấn có ít nhất một chức danh chủ chốt (bí thư hoặc phó bí thư thường trực hoặc chủ tịch UBND) không phải là người địa phương.

Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM đã làm cho bộ mặt nông thôn Đông Sơn ngày càng khởi sắc, thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân toàn huyện giai đoạn 2011-2018 đạt 17,4%, tăng 1,3% so với giai đoạn 2005-2010; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 43,5 triệu đồng, tăng gần 3,2 lần so với thời điểm triển khai XDNTM. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện từ 22,1% (năm 2011) giảm xuống còn 2,41% (năm 2018), đến tháng 9 năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,63% (đứng thứ hai toàn tỉnh).

Sau gần 10 năm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ của các ban, sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội cấp tỉnh; với tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận chung tay góp sức của người dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM ở Đông Sơn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả... mang đến một sự đổi thay mạnh mẽ, một diện mạo mới, sức sống mới ở mọi làng quê, trong mỗi người dân.

Từ kết quả đó Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM huyện Đông Sơn rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội theo phương châm “Quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm và hướng mạnh về cơ sở” tạo ra quyết tâm chính trị cao, tính chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và của ban chỉ đạo. Bên cạnh đó nắm chắc thực tiễn, nghiên cứu, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, cơ chế sát đúng “ý Đảng hợp lòng dân” để khuyến khích, thực hiện một cách hiệu quả.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng tới mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, hiểu sâu về chủ trương, ý nghĩa, mục đích chương trình XDNTM, để phát huy tính chủ động và sáng tạo của người dân; xác định XDNTM là lấy người dân là chủ thể, phải thực hiện được “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm tới lợi ích thiết thực của dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình XDNTM ở địa phương.

Ba là, làm tốt công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, làm tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, thôn để nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, nhiệt tình, sáng tạo, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ XDNTM.

Bốn là, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân, khuyến khích, huy động tối đa sự hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tầng lớp nhân dân tham gia hiến đất, tài sản và đóng góp công sức, kinh phí... tạo nguồn lực XDNTM.

Năm là, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên kịp thời các địa phương làm tốt, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình.

Có thể khẳng định, xây dựng huyện Đông Sơn đạt chuẩn NTM chính là kết quả, là thành công được kết tinh từ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện cùng tinh thần, tình cảm của con em Đông Sơn khắp mọi miền đất nước hướng về quê hương trong tiến trình đổi mới và phát triển. Đây chính là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Sơn quyết tâm xây dựng thành công huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025.

Nguyễn Quang Hải

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Sơn


Nguyễn Quang Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]