(Baothanhhoa.vn) - Năm 2013, sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Thanh Hóa có 17 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khi mới sáp nhập, bình quân chung đạt 6,8 tiêu chí/xã, đến hết năm 2017 đạt 17,8 tiêu chí/xã và có 6 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Năm 2013, sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Thanh Hóa có 17 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khi mới sáp nhập, bình quân chung đạt 6,8 tiêu chí/xã, đến hết năm 2017 đạt 17,8 tiêu chí/xã và có 6 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Mô hình chăn nuôi gà của người dân xã Hoằng Đại cho thu nhập cao.

Hiện nay, 11 xã còn lại đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để TP Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2019.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của TP Thanh Hóa và các xã triển khai thực hiện là họp các ban, ngành, đoàn thể để triển khai kế hoạch; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo phụ trách từng xã để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; thường trực ban chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giao ban nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các cơ chế hỗ trợ cho phù hợp với từng địa phương. Cùng với việc triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, thành phố đã thực hiện một số đề án khuyến khích phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển chăn nuôi trang trại, chương trình việc làm và dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng cơ chế dồn điền, đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, TP Thanh Hóa cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, thấy được vai trò, nhiệm vụ của mình trong thực hiện các tiêu chí... Qua tuyên truyền, vận động đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Điều này được minh chứng bằng việc nhân dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của, hiến đất để xây dựng các công trình chung. Năm 2017, tổng số vốn thành phố và các xã huy động để thực hiện chương trình nông thôn mới đạt hơn 360 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất làm đường giao thông, nhà văn hóa, các công trình phúc lợi khác...

Quảng Phú là 1 trong 4 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2017, hiện các ngành chức năng đang thẩm định để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Để thực hiện thành công chương trình này, đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực xây dựng cơ bản như hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn; 100% ngân sách thành phố và xã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng phục vụ sản xuất cho người dân... Trong quá trình triển khai, việc “lấy sức dân để lo cho dân” được xem là yếu tố then chốt. Trong hơn 119 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới có gần 26 tỷ đồng do nhân dân tự nguyện đóng góp, ngoài ra nhân dân còn tự đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhà ở, tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp cho khu dân cư. Ở Quảng Phú, mỗi tiêu chí nông thôn mới đều có sự đóng góp, ủng hộ của người dân, được nhân dân bàn định thấu đáo trong thực hiện, tạo sự thống nhất cao trong tập thể, do đó khi triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả cao.

Hoằng Đại là một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, đời sống người dân dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Song, với nhận thức đúng đắn về mục đích, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới trong nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nên việc xây dựng nông thôn mới được thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch đề ra. Với phương châm “Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực”, xã Hoằng Đại đã khai thác có hiệu quả nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các nguồn thu tại chỗ và huy động nhân dân đóng góp cùng thực hiện. Từ năm 2011 đến 2017, tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư xây dựng nông thôn mới của toàn xã đạt hơn 185 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, hệ thống cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được nâng cấp và xây mới khang trang; những con đường liên thôn, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp... Sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới, với sự lãnh đạo sát đúng, cơ cấu kinh tế của xã Hoằng Đại đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng (chiếm 43%), dịch vụ - thương mại (chiếm 41%), nông nghiệp - thủy sản (chiếm 16%). Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,55%, an ninh trật tự được giữ vững... Đến nay, Hoằng Đại đã hoàn thành tất cả các tiêu chí và đang trong quá trình thẩm định để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018.

Năm 2018, TP Thanh Hóa phấn đấu có 8 xã về đích nông thôn mới, gồm 4 xã đang thẩm định của năm 2017 là Hoằng Long, Hoằng Đại, Quảng Phú, Đông Hưng và đăng ký hoàn thành thêm 4 xã gồm Thiệu Khánh, Thiệu Vân, Đông Lĩnh, Đông Vinh. 3 xã còn lại là Quảng Cát, Hoằng Quang, Hoằng Lý tiếp tục thực hiện các tiêu chí để thành phố hoàn thành chương trình nông thôn mới vào năm 2019. Để đạt mục tiêu này, trong thời gian tới, TP Thanh Hóa tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ tâm huyết, năng động đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình và dự án khác đang triển khai trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện phong trào theo phương châm “dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ” và “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.


Bài và ảnh: Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]