(Baothanhhoa.vn) - Vĩnh Lộc là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, trong đó có 16 mỏ đá làm vật liệu xây dựng với tổng diện tích 68,68 ha, trữ lượng được phê duyệt là 9.355.544 m3. Trên địa bàn huyện có hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh chế tác đá mỹ nghệ, trong đó có làng nghề đá mỹ nghệ làng Mai ở xã Minh Tân.

Nỗ lực cải thiện ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế tác đá

Vĩnh Lộc là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, trong đó có 16 mỏ đá làm vật liệu xây dựng với tổng diện tích 68,68 ha, trữ lượng được phê duyệt là 9.355.544 m3. Trên địa bàn huyện có hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh chế tác đá mỹ nghệ, trong đó có làng nghề đá mỹ nghệ làng Mai ở xã Minh Tân.

Nỗ lực cải thiện ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế tác đáKhu vực xử lý nước thải tại một cơ sở chế biến đá ở khu cụm công nghiệp khai thác, chế biến đá trên địa bàn thị trấn Yên Lâm.

Làng Mai được công nhận làng nghề chế tác đá từ năm 2013. Tại đây có hơn 30 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình hoạt động với loại hình sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ, công suất đạt khoảng 23,95 tấn/ngày. Tổng số lao động đang làm việc tại làng nghề khoảng hơn 200 lao động, trong đó có hơn 130 lao động thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ.

Các làng nghề khai thác, sản xuất, chế tác đá có đặc thù riêng với những “bài toán khó” trong việc bảo đảm môi trường. Hiện địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề tồn đọng, nỗ lực giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong hoạt động khai thác, chế tác đá.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường tại làng nghề, UBND xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường; hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh chế tác đá mỹ nghệ thực hiện đúng việc phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất và nước thải theo đúng quy định; đồng thời thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề chế tác đá làng Mai. Năm 2022, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương hệ thống tường rào bao quanh các khu nhà xưởng tại làng nghề đã được chỉnh trang lại, lắp đặt thêm các công trình xử lý môi trường...

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường. Huyện đã chỉ đạo các xã có nghề tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất đá thủ công mỹ nghệ ký cam kết, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở không tuân thủ nghiêm các quy định. UBND huyện cũng chỉ đạo UBND xã Minh Tân và các hộ sản xuất đá mỹ nghệ tại các xã Minh Tân và Vĩnh Thịnh xây dựng hệ thống tường rào, lắp hệ thống cửa, hệ thống phun sương... để giảm bụi và tiếng ồn.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lộc Mai Xuân Tùng cho biết: Tại làng nghề đá mỹ nghệ làng Mai, tỉnh đã đầu tư xây dựng một dự án xử lý nước thải, hiện đang triển khai thi công. Huyện cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Vĩnh Minh tại xã Minh Tân với diện tích 30 ha nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều năm qua tại các xã Minh Tân và Vĩnh Thịnh. Công tác GPMB giai đoạn 1 đã thực hiện được 19,4 ha; UBND tỉnh cho thuê đất với diện tích 12,7 ha; số còn lại đang GPMB. Huyện đã có phương án lập quy hoạch một số nơi ở Vĩnh Thịnh với diện tích 7,9 ha thành khu sản xuất tập trung để tạo mặt bằng thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ có vị trí giáp Quốc lộ 217 trên địa bàn xã Minh Tân và xã Vĩnh Thịnh vào nơi tập trung.

Tại huyện Yên Định, tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có của vùng núi đá vôi nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng hoạt động khai thác, chế biến đá tại thị trấn Yên Lâm tạo việc làm cho hàng trăm công nhân. Theo thống kê, trên địa bàn thị trấn Yên Lâm có hơn 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến đá được hình thành từ nhiều năm về trước, môi trường luôn là vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác chế biến đá, từ cuối năm 2022 Chủ tịch UBND huyện Yên Định yêu cầu thị trấn Yên Lâm thành lập tổ quản lý môi trường cụm công nghiệp Yên Lâm để thường xuyên, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động khai thác, chế biến đá trên địa bàn thị trấn. Chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường đối với chất thải rắn, bụi, nước thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM đã được UBND tỉnh phê duyệt; đặc biệt, phải có giải pháp để xử lý triệt để bột đá đang tồn tại các cơ sở; cương quyết xử lý nghiêm hoặc kiến nghị xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, chế biến đá trên địa bàn thị trấn Yên Lâm phải có trách nhiệm trong việc hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện công tác thu gom bột đá, đất đá rơi vãi trên các tuyến đường và phun nước giảm bụi phát sinh, đặc biệt tại tuyến đường có người dân sinh sống giáp với khu cụm công nghiệp, tần suất phun nước ít nhất 1 lần/ngày.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm Đoàn Quang Phi cho biết: Đầu năm 2023, UBND thị trấn đã ban hành Đề án đảm bảo vệ sinh, môi trường khu dân cư và làng nghề đá phát triển bền vững. Đề án có những quy định riêng về môi trường khu cụm công nghiệp khai thác, chế biến đá, trong đó có các hoạt động tưới nước giảm bụi tại các tuyến đường liên quan đến xe vận tải chở đá... Việc tưới nước do doanh nghiệp hợp đồng với HTX môi trường Yên Lâm thực hiện. Địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc thu gom vận chuyển rác sinh hoạt của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành môi trường của các doanh nghiệp. Các phương tiện vận chuyển đá xây dựng không được vận chuyển quá đầy làm rơi vãi ra đường. Khi xẻ đá, nghiền đá phải sử dụng bạt, tôn che chắn bụi, hạn chế đến mức thấp nhất bụi, bột đá ra ngoài môi trường; phải dùng máy phun nước vào bộ phận máy nghiền đá để hạn chế bụi ra môi trường... Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường là thiếu kinh phí, thiếu con người để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]