(Baothanhhoa.vn) - Nghe có tiếng gọi đầu ngõ, người đàn ông nước da bánh mật đẩy nhẹ chiếc cửa gỗ được ghép tạm bợ bằng vài mảnh luồng và gỗ mỏng đã cũ mòn bước ra. Ánh mắt ngại ngùng, mặc cảm, hai tay dìu con gái lớn, anh loay hoay mời chúng tôi vào nhà, nơi có cô con gái nhỏ đang nằm co quắp trong góc giường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cạn nước mắt vì hai con tật nguyền

Nghe có tiếng gọi đầu ngõ, người đàn ông nước da bánh mật đẩy nhẹ chiếc cửa gỗ được ghép tạm bợ bằng vài mảnh luồng và gỗ mỏng đã cũ mòn bước ra. Ánh mắt ngại ngùng, mặc cảm, hai tay dìu con gái lớn, anh loay hoay mời chúng tôi vào nhà, nơi có cô con gái nhỏ đang nằm co quắp trong góc giường.

Cạn nước mắt vì hai con tật nguyền

Căn bệnh hiểm nghèo đang ngày càng vắt cạn sức lực của hai cháu bé Hưng Yên và Thùy Trang.

Bên trong gian nhà chật hẹp, với diện tích chỉ khoảng 8m2, không có một vật gì đáng giá. Ngôi nhà xây tạm bợ thấp lè tè, 4 bức tường quây kín không cửa sổ khiến cho gian nhà trở nên tối tăm, đặc quánh mùi ẩm mốc pha với mùi thuốc ngai ngái của người bệnh. Đây là nơi sinh sống của gia đình anh Nguyễn Quang Hưng và chị Lê Thị Vũ tại thôn Nhật Nội, xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn. Trong căn nhà này, hai đứa con gái bé bỏng, đáng thương của anh chị, cháu đầu 17 tuổi, cháu thứ hai vừa đủ 12 tuối, cái tuổi tưởng chừng như đẹp đẽ nhất, thanh xuân nhất lại ngây ngô như những đứa trẻ lên 2.

Năm 2001, anh Hưng chị Vũ nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của hai bên gia đình cùng bạn bè, làng xóm. Một năm sau, đôi vợ chồng trẻ hân hoan đón chào cô con gái đầu lòng kháu khỉnh, xinh xắn với niềm vui ngập tràn nơi mái nhà nhỏ với tiếng nói cười bi bô của con trẻ. Hi vọng về một cuộc sống đủ đầy, thoát ra khỏi cái đói, cái nghèo, ngày con cứng cáp, anh Hưng bàn với vợ gửi con gái nhờ bà nội nuôi nấng để hai vợ chồng cùng nhau vào miền Nam làm thuê, tích cóp chút vốn liếng lo cho con cái sau này.

Những ngày nơi đất khách quê người, vợ chồng anh Hưng ngày đêm quần quật kiếm tiền. Chị làm công nhân, anh đi phụ hồ, công việc nặng nhọc, vất vả nhưng vì tương lai phía trước, hai vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng hết mình. Khi con gái Hưng Yên được 5 tuổi, tổ ấm nhỏ của họ lại đón chào thành viên mới là bé Thùy Trang. Những tưởng niềm vui của họ đã trọn vẹn thì chính lúc này lại là sự khởi đầu cho những chuỗi ngày đau khổ, bất hạnh. Ngày bé Trang 1 tuổi, thấy con có những dấu hiệu không bình thường, anh chị cho con đi khám và nhận được kết luận từ bệnh viện là bé Thùy Trang mắc chứng teo não toàn phần, một căn bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, dồn dập đổ lên đầu đôi vợ chồng trẻ khi ở quê nhà, bé Hưng Yên cũng phát bệnh bại não. Từ một cô bé nhanh nhẹn, xinh xắn, sau những trận sốt liên tiếp, bé Yên bỗng nhiên chậm chạp, không thể phát âm và dần dần không còn nhận biết được mọi thứ xung quanh. Tai họa giáng xuống khiến anh Hưng, chị Vũ tưởng chừng ngã quỵ. Nhưng, sau những ngày suy sụp, anh chị lại gượng dậy để cùng nhau bắt đầu cuộc hành trình “cứu con” với hi vọng phép màu sẽ trả lại cho gia đình mình hai đứa con xinh tươi, khỏe mạnh.

Mười hai năm kiên trì chạy chữa, không biết anh chị đã đưa con đến bao nhiêu bệnh viện, tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của. Vốn liếng sau bao năm tích cóp đã vét sạch, tiền vay mượn khắp nơi cũng cạn kiệt, đồ đạc nào có giá trị trong nhà, anh Hưng cũng đem đi bán hết. Hy vọng rồi thất vọng, vợ chồng anh triền miên sống trong lo sợ và căng thẳng. Thương con đứt ruột nhưng họ đành bất lực siết chặt con mỗi khi chúng lên cơn co giật hay la hét. Những đêm dài không thể chợp mắt, hai vợ chồng lại thay nhau xoa bóp chân tay và cơ thể gầy guộc của hai con gái đang ngày một teo cứng lại. Phép màu đã không đến với gia đình anh chị. Bé Trang giờ đây đã phải chịu cảnh sống thực vật, ban ngày những cơn ho sặc kéo dài làm bé không còn sức lực, đêm đến lại thức trắng do những cơn đau hành hạ. Chị gái của bé có khá hơn do vẫn còn nhúc nhắc đi lại được nhưng khả năng nhận biết của Yên là một con số không. Anh Hưng đau xót chia sẻ: “Con bé em thì hoàn toàn không thể tự cử động và liên tục co giật, đau đớn. Còn chị nó thì đi được quanh quẩn trong nhà nhưng nhiều lúc đang đi bỗng ngã vật ra, đầu và tay chân đập mạnh xuống nền gạch chảy máu lênh láng. Thương con xé lòng mà chẳng thể làm gì được, đau xót lắm cô ơi”. Vừa nói anh Hưng vừa vén mái tóc lơ thơ của con gái, chỉ cho chúng tôi xem chằng chịt những vết sẹo chưa kịp lành trên trán và vài vết còn rớm máu nơi cánh tay rợt xanh yếu ớt.

Cạn nước mắt vì hai con tật nguyền

Bao nhiêu năm anh Hưng, chị Vũ nên vợ nên chồng là bấy nhiêu năm chìm trong đau khổ. Khó khăn, thiếu thốn lúc nào cũng bủa vây lấy họ. Anh cho biết: Trước đây, từ năm 1961 đến năm 1975, bố anh là ông Nguyễn Quang Vinh đi bộ đội, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, sau khi xuất ngũ, ông Vinh đã làm mất tất cả mọi giấy tờ có liên quan đến quá trình hoạt động trong quân ngũ. Năm 2010, vì tuổi cao sức yếu, ông Vinh qua đời. Vì vậy, từ nhiều năm nay gia đình anh muốn đưa 2 con đi giám định xem có phải chúng bị nhiễm chất độc da cam do ảnh hưởng từ người ông của mình hay không để làm chế độ cho các cháu nhưng không thể thực hiện được do không có cơ sở. Giờ đây, hằng tháng, mọi chi phí sinh hoạt của 4 người trong gia đình, thuốc men cho hai con đều phải trông chờ vào 3 triệu đồng tiền làm công của chị Vũ và hơn 1 triệu đồng tiền trợ giúp xã hội cho những đối tượng tật nguyền của Nhà nước. Anh Hưng dù muốn đi làm để vừa có thêm thu nhập lo cho gia đình vừa không muốn bị mang tiếng đàn ông sức dài vai rộng lại để vợ lăn lộn kiếm tiền nhưng anh vẫn đành ở nhà để chăm sóc con, vì theo anh: “Sức khỏe vợ tôi không tốt, nếu để cô ấy ở nhà chăm con cho tôi đi làm thì chắc chắn cô ấy không thể trụ nổi với những công việc nâng đỡ các con. Hơn nữa tình cảnh bên nhà vợ tôi cũng éo le lắm. Nhà vợ tôi chỉ có 2 anh em thì hiện nay người anh trai cũng đang bị tâm thần, mẹ già ốm yếu đã gần 80 tuổi chẳng biết sống chết ra sao. Tôi sợ để vợ ở nhà sẽ buồn sầu quá mà sinh ra khủng hoảng tinh thần hay mắc chứng trầm cảm thì chẳng biết phải làm sao nên phải để cô ấy đi làm cho khuây khỏa”. Mỗi ngày, chị đi làm, anh ở nhà tất bật với đủ mọi công việc chăm con không lúc nào ngơi nghỉ. Tối đến, anh lại tranh thủ ra đồng bắt thêm con cá, con cua về cải thiện bữa ăn cho gia đình và cũng là tìm cho mình một vài giây phút nghỉ ngơi.

Tận mắt chứng kiến và cảm nhận về hoàn cảnh gia đình anh Hưng, tôi xót xa tự hỏi: Đến bao giờ anh Hưng, chị Vũ mới vơi bớt nỗi thống khổ? Khi nào anh chị mới tìm lại được tiếng cười trẻ thơ trên đôi môi các con của mình. Và tôi cũng cảm nhận được tình yêu thương của anh Hưng, người cha đã chịu nhiều hi sinh dành cho 2 đứa con bé bỏng đáng thương qua câu nói trầm buồn: “Ước gì tôi có thể thay con chịu hết những nỗi đau bệnh tật này”.

Để giúp gia đình anh Hưng có thêm sức mạnh vượt qua những tháng ngày gian nan phía trước cũng như giúp các bé Hưng Yên và Thùy Trang có thêm điều kiện để được sử dụng những loại thuốc tốt hơn, chúng tôi thiết nghĩ rất cần sự chung tay chia sẻ của cộng đồng và sự trợ giúp của các nhà hảo tâm đến từ khắp nơi trên cả nước.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Quỹ Tấm lòng vàng Báo Thanh Hóa – Tòa nhà Báo Thanh Hóa, đường Đông Hương 2, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa. Số Tài khoản: 111000019346, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa.

Hoặc anh Nguyễn Quang Hưng, thôn Nhật Nội, xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Số điện thoại: 0945.157.235.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]