(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực từ nhịp sống hiện đại thời công nghệ số, sự “vô tâm” của nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã vô tình làm cho những đứa trẻ đang ngày càng mất dần đi tuổi thơ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tuổi thơ của những đứa trẻ thời công nghệ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực từ nhịp sống hiện đại thời công nghệ số, sự “vô tâm” của nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã vô tình làm cho những đứa trẻ đang ngày càng mất dần đi tuổi thơ...

Các thành viên trong gia đình thiếu sự gắn kết vì đều tập trung vào điện thoại. (Ảnh có tính chất minh họa).

Tuổi thơ trong 4 bức tường

Trong hành trình cuộc đời của mỗi con người, tuổi thơ chính là khoảng trời bình yên, tươi đẹp nhất mà bất kỳ ai cũng nâng niu. Ngày ấy, bố tôi đi làm xa, một mình mẹ vừa làm ruộng, vừa chăm ông bà nội già yếu và một đàn con thơ. Người phụ nữ như mẹ dù có “ba đầu, sáu tay” cũng không thể có đủ thời gian để vừa lo việc gia đình, vừa quản lý các con, chứ nói gì đến việc hướng dẫn con học bài. Đứa lớn trông đứa bé, 4 chị em tôi quen với việc đầu trần, chân đất, chạy khắp nẻo đường thôn. Không có mô đất, dải ruộng, bờ ao nào ở cái vùng quê ấy mà không có dấu chân của chúng tôi. Từ thả diều, tắm mưa, đến đá bóng, bắt cá... chúng tôi đều tham gia. Cứ thế, chị em tôi lớn lên trong lòng quê với những kỷ niệm êm đềm không thể phai.

So với tuổi thơ của chúng tôi, trẻ em bây giờ được hưởng cuộc sống đầy đủ, tiện nghi hơn rất nhiều, từ ăn mặc, học hành đến các sinh hoạt khác. Tuy nhiên, để có những kỷ niệm đẹp thì chưa hẳn.

Đơn cử như trường hợp của em Mai Thị Thu Trang (12 tuổi, học sinh Trường THCS Đông Cương, TP Thanh Hóa). Ngày nào cũng vậy, tan học trở về nhà, Thu Trang đã vớ lấy chiếc điều khiển bật tivi, chương trình ca nhạc Itv Music mà em yêu thích, một nhóm nhạc Hàn Quốc đang biểu diễn ca khúc theo em là đang “hot”. Em bật điều hòa, nằm nghe nhạc. Mặc kệ dưới nhà bà nội giục đi tắm, Trang mải miết dán mắt vào chiếc tivi. Chỉ một lát sau là cô bé chìm vào giấc ngủ mệt. Tivi vẫn để tiếng ồn ào, cho đến khi ai đó trong nhà lên phòng đánh thức em dậy đi tắm, đi ăn cơm tối. “Ngày nào nó cũng dán mắt vào cái tivi với máy tính. Ngày trước chiếc tivi đó để dưới phòng khách, nhưng bố mẹ nó mua thêm một cái nữa nên chuyển lên phòng cho cháu nó dùng. Thành ra bây giờ, cháu nó cứ ru rú cả ngày trên phòng riêng, chẳng mấy khi xuống nhà trò chuyện với ông bà” – bà nội của Trang thở dài. Còn Trang thì vùng vằng biện hộ: “Xuống nhà thì cũng chỉ xem tivi thôi mà bà...”.

Thời gian biểu của Trang ngoài giờ lên lớp thì còn rất ít cho vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, lúc được “giải trí” thì cô bé cũng không biết như thế nào mới là “giải trí lành mạnh”. “Bố mẹ em quản chặt lắm. Em muốn đi chơi công viên, đi hiệu sách với bạn thì cũng phải năn nỉ chán chê bố mẹ em mới cho đi, mà cũng chỉ cho đi một, hai tiếng là cùng. Có lần, em xin tự đi xe đạp đến nhà bạn dự sinh nhật, không ngờ mẹ em dù đồng ý, nhưng rồi lại đi theo sau để theo dõi em. Từ lần đấy trở đi em chán, cũng chẳng muốn xin đi đâu nữa” – Trang tâm sự. Dẫu biết rằng mẹ lo cho mình, nhưng cô bé vẫn không thể nào chịu được cảnh bị giám sát như vậy. “Gần nhà em cũng có công viên nhưng chẳng lẽ ra xem các ông bà, các bác tập thể dục? Em thấy chẳng có chỗ nào đi chơi cả vì đi đâu bố mẹ, ông bà cũng sợ này, sợ kia. Thế mà đến xem tivi em cũng bị mắng!” – Trang nói.

Hỏi, những năm tuổi thơ đã qua của Trang như thế nào, cô bé ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: “Hồi em bé thỉnh thoảng được bố mẹ cho về quê với ông bà ở huyện Hậu Lộc, ngay sát biển, em cũng thích lắm. Nhưng lâu rồi ông bà chuyển lên thành phố nên em cũng không về quê mấy nữa. Cuối tuần bố mẹ em được nghỉ làm thì cho em lên Vincom chơi trò chơi... Chiều tối thì cũng được ra xóm chơi với các chị, các bạn, còn nhiều khi bố mẹ đi vắng em phải ở nhà một mình, khóa cửa trong nhà thật cẩn thận không được đi đâu cho đến khi mẹ đi làm về”.

Người lớn bây giờ thương con trẻ theo cách khác. Họ sợ đủ điều, họ sợ con ra ngoài chơi sẽ gặp tai nạn, họ sợ con nghịch bẩn sẽ có nhiều vi khuẩn (mặc dù ở nhà cũng nhiều vi khuẩn không kém), họ sợ con mình ra ngoài gặp bạn xấu sẽ bị bắt nạt. Thế là giải pháp tốt nhất họ nghĩ ra, đó là tống cho bọn trẻ một chiếc ipad, iphone, máy tính. Vừa an toàn vừa đỡ phiền phức. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một cậu bé mải miết với trò chơi điện tử trên smartphone hay một cô bé say sưa xem video trên máy tính bảng... ở bất cứ đâu. Nhiều đứa trẻ đã chấp nhận và thỏa hiệp ngồi yên một chỗ chỉ cần smartphone bên cạnh. Có không ít những “vụ thương lượng” trở nên phổ biến trong gia đình hiện nay, như: “Con được điểm 10 mẹ sẽ mua cho máy tính bảng”, “Ngồi chơi cho mẹ bán hàng, lát mẹ cho chơi điện thoại” hay “Ăn đi rồi mẹ cho xem điện thoại”...

Chúng ta cần hiểu rằng, thiên nhiên sẽ đánh thức mọi giác quan, giúp trẻ cảm thụ và rung động trước cái đẹp, từ đó hình thành tư duy thẩm mỹ. Việc chạy, nhảy, vận động ngoài trời giúp phát triển tối đa các kỹ năng vận động, trẻ sẽ vừa dẻo dai cứng cáp, vừa tự tin hơn vào bản thân, hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa. Thế giới tự nhiên luôn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ, khơi gợi trí tò mò và thôi thúc trẻ em khám phá. Khi trồng một cây non, bé thỏa sức tưởng tượng cây sẽ lớn lên như thế nào, tỏa bóng ra sao, từ đó tính sáng tạo được nuôi dưỡng và vun đắp. Trong quá trình tiếp xúc với không gian bên ngoài, bé sẽ tự hiểu mùa hè nên mặc quần áo thoáng mát còn mùa đông cần giữ ấm, vui đùa hay té ngã sẽ khiến bé tự rút ra bài học để bảo vệ bản thân. Khi kết bạn với thiên nhiên, chỉ đơn giản là từ việc ăn quả ngọt trên cây thì phải biết chăm bón, tưới nước, không hái lá bẻ cành; hay nuôi một chú chó giữ nhà thì cần phải chăm sóc, cho ăn..., trẻ sẽ dần học được cách tôn trọng tự nhiên, nuôi dưỡng lòng nhân ái, sống có trách nhiệm với môi trường xung quanh. Nhưng thực tế thì sao? Theo khảo sát tại Anh, 64% trẻ em ngày nay chơi bên ngoài ít hơn mỗi tuần một lần và 28% số trẻ không đi bộ trong một năm.

Công nghệ làm suy giảm sự gắn kết giữa trẻ với bố mẹ

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng: Đứng trước sự vận động của xã hội theo hướng công nghệ hóa, số hóa, cuộc sống của từng gia đình - những tế bào của xã hội - cũng bị cuốn theo và sự thay đổi xảy ra luôn thể hiện ở cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Trong đó, xét với đời sống tinh thần và quan hệ xã hội của trẻ, thì tác động tiêu cực thể hiện rõ nhất là sụt giảm sự gắn bó mật thiết giữa bố mẹ và các thành viên trong gia đình, với trẻ, sự giảm thiểu rõ rệt thậm chí mất hẳn cuộc sống vốn có từ ngàn đời của con người với thiên nhiên bao quanh và thay vào đó là sự tăng chóng mặt những “kích thích” đến từ “đời sống công nghiệp” cả về âm thanh, màu sắc, hình ảnh và tình cảm.

Đặc biệt rõ là cuộc sống của trẻ thơ ở khu vực thành phố! Phần lớn các ông bố, bà mẹ đi làm cả ngày, giao con cái cho người giúp việc, học hành thuê gia sư, đẩy con cái đến các lớp học thêm, học năng khiếu... Còn ở nông thôn, gia đình cũng khó đoàn tụ bởi không bố thì mẹ đi làm ăn xa, thậm chí cả bố mẹ đi làm ăn để con cho ông bà chăm. Không có điều kiện tiếp xúc nhiều khiến sự gắn kết giữa con cái - bố mẹ ngày càng trở nên lỏng lẻo. Trẻ thực sự trở nên cô độc trong chính ngôi nhà của mình, không có người để trò chuyện, tâm giao nên càng trở thành bạn thân thiết của máy tính, internet, game, truyện... Áp lực công việc, kiếm tiền, áp lực học tập của con cái không chỉ giảm sự tiếp xúc giữa cha mẹ và con cái, mà nhu cầu học hỏi của con cái từ bố mẹ cũng không được đáp ứng. Trước “một rừng” những thắc mắc của con nhỏ mà không có thời gian giải đáp, trẻ quay sang “giao tiếp” với thế giới “điện tử” và “trưởng thành” từ sự tương tác, khám phá và tự thỏa mãn nhu cầu đó nhờ máy tính, internet. “Muốn hiểu trẻ đang chú ý cái gì, thích gì, suy nghĩ và hành động của trẻ đi theo chiều hướng nào... hãy nhìn vào internet!” - bác sĩ Tuấn, chia sẻ.

Dù máy tính, internet mang đến nguồn kiến thức khổng lồ cho các bạn trẻ, nhưng với những chuyên gia nghiên cứu tâm lý thì game, mạng xã hội... chỉ là thế giới internet. Tiến sĩ Tuấn, cho biết: “Khi điều kiện tiếp xúc của con cái và bố mẹ bị thu hẹp lại càng kích thích đứa trẻ tìm đến cuộc sống internet, tách rời với cuộc sống thực. Ở thế giới internet, trẻ không được rèn các kỹ năng nói, nghe, ứng xử trong đời sống thực của gia đình, xã hội nên trẻ tự đưa ra những ứng xử của mình. Sự tự lập tự quyết định hành vi luôn được khuyến khích, nhưng với những trẻ này, kinh nghiệm thực tế lại không có nên dễ dẫn đến những lệch lạc về hành vi, sẵn sàng bất chấp tất cả để thỏa mãn bản thân... Đó là một phần căn nguyên của những hành động bộc phát, bỗng dưng muốn có xe là có thể đi cướp xe, muốn có điện thoại thì đi cướp điện thoại... của một bộ phận giới trẻ hiện nay”.

Sự tự chủ mọi vấn đề, thích đọc, thích xem cái gì trẻ tự quyết, thói quen này dần tạo cho trẻ hành vi, lối sống, suy nghĩ mình là trung tâm, khiến trẻ trở thành đứa bé ích kỷ, chỉ biết mình bản thân.

Khơi dậy năng lượng yêu thương cho trẻ

Giáo sư Nguyễn Đình Cử, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, từng kể rằng: Khi con trai còn nhỏ, mỗi lần ông đạp xe đi đón là hai bố con lại dắt xe đi dạo quanh bờ hồ, như tập thể dục và thư giãn. Thời điểm đó ông thủ thỉ chuyện trò với con trai như những người bạn. Vì thế bố con gần gũi nhau, gia đình gắn kết và con trai ông luôn là con ngoan, trò giỏi.

“Thế giới tưởng tượng cũng tốt nhưng phải cân bằng với cuộc sống thực. Bố mẹ chính là cầu nối cho con giữa hai thế giới ảo - thực đó. Hãy là cầu nối cho con bằng chính sự quan tâm, trò chuyện, sẻ chia, cung cấp cho con những kiến thức cơ bản nhất và cũng nên gợi mở để trẻ có thể nắm bắt được từ kho tàng kiến thức khổng lồ trên internet. Sự tiếp xúc, học hỏi từ mẹ cha, từ xã hội thực sẽ giúp trẻ có thể có những nhận thức, hành vi ứng xử đúng đắn, phù hợp” – bác sĩ Tuấn, nói.

Các nhà tâm lý học khuyên những ông bố, bà mẹ trẻ hãy gạt công việc sang một bên để dành thời gian chơi với con nhiều hơn. Hãy dành thời gian cuối tuần cho trẻ, hòa vào những trò chơi vận động thể chất mang tính tập thể, như: Bơi lội, trượt cỏ, picnic... để cả nhà cùng tham gia, học cách chia sẻ và đoàn kết, để con cái cảm nhận được sự gần gũi của bố mẹ, là dịp trẻ dễ kể tâm sự thầm kín của mình. Thực tế người lớn bận nhưng vẫn dành thời gian đi nhậu, đi chơi, cà phê, tán gẫu... với bạn bè. Họ không có sự giao lưu với xóm giềng nên phát sinh căn bệnh “tán gẫu trên toàn cầu”. Bố mẹ hãy bớt thời gian “tán gẫu” để chơi với con, đừng để trẻ lủi thủi một mình, hoặc phó mặc cho người trông trẻ, hoặc các “bảo mẫu công nghệ” như máy tính bảng, iphone, ipad... Hãy cương quyết không dán mắt vào những thiết bị công nghệ khi ở bên con, bởi như thế sẽ làm các thành viên ngày một xa cách và con trẻ khôn lớn sẽ không đọng lại kỷ niệm yêu thương nào để nhớ về bố mẹ.

Bác sĩ tâm lý y khoa Ấn Độ - Newton Kondaveti khi giảng về “Chữa lành và hàn gắn” ở Việt Nam đã chia sẻ, ở gia đình ông đã hình thành thói quen mỗi sáng dậy cả nhà thường ôm hôn nhau để có năng lượng yêu thương, cùng nhau ăn sáng rồi mới mỗi người mỗi việc. Cuộc sống ngày nay nhiều áp lực, nhưng các bố mẹ hãy dành thời gian vui chơi cùng con, nói những lời yêu thương từ tận đáy lòng. Hãy luôn nói “Bố mẹ yêu con nhiều lắm”. Hãy ôm hôn con mỗi ngày, hãy đặt những nụ hôn lên má trẻ mỗi sáng trước khi con đi học hay mỗi tối trước lúc con đi ngủ, hoặc trao một cái ôm thật yêu thương trìu mến. Chỉ cần vậy thôi trẻ đã cảm thấy ấm áp và hạnh phúc lắm.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]