(Baothanhhoa.vn) - Làm nail – chăm sóc, vẽ móng tay, móng chân nghệ thuật có lịch sử phát triển lâu đời ở Mỹ và một số nước tiên tiến từ những năm 60 của thế kỷ trước và là nghề mưu sinh cho hàng ngàn Việt kiều trên nước Mỹ. Tuy nhiên, chỉ khoảng gần chục năm trở lại đây trào lưu này mới phát triển mạnh ở Việt Nam và tại tỉnh ta cũng đang nở rộ, đã và đang trở thành phương thức làm đẹp mới của chị em phụ nữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm móng nghệ thuật “hút” giới trẻ

Làm nail – chăm sóc, vẽ móng tay, móng chân nghệ thuật có lịch sử phát triển lâu đời ở Mỹ và một số nước tiên tiến từ những năm 60 của thế kỷ trước và là nghề mưu sinh cho hàng ngàn Việt kiều trên nước Mỹ. Tuy nhiên, chỉ khoảng gần chục năm trở lại đây trào lưu này mới phát triển mạnh ở Việt Nam và tại tỉnh ta cũng đang nở rộ, đã và đang trở thành phương thức làm đẹp mới của chị em phụ nữ.

Một tiệm sơn móng nghệ thuật trên đường Hạc Thành (TP Thanh Hóa).

Điểm nhanh trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện có khoảng vài chục cửa hàng làm móng nghệ thuật lớn nhỏ, chưa kể tới những người nhận làm móng nghệ thuật tại nhà riêng. Trên các tuyến đường Đội Cung, Hạc Thành, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Lê Hoàn... các tiệm làm móng được tập trung khá gần nhau, có một số tiệm thường kết hợp cả làm móng cùng các dịch vụ khác như gội đầu, nối mi, làm tóc để khách hàng có nhiều chọn lựa. Với sự khéo léo của đôi bàn tay cùng gu thẩm mỹ, người thợ có thể tạo ra những họa tiết với đủ các hình dáng kiểu cách phù hợp với mọi lứa tuổi như họa tiết 3D, họa tiết nổi, sơn móng tự nứt, sơn lông... Chị Nguyễn Thị Linh, một thợ sơn móng chuyên nghiệp tại cửa hàng trên đường Đội Cung chia sẻ: Làm móng là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và có một chút mang yếu tố của hội họa. Trang trí trên móng tay, móng chân nhiều lúc cũng gần giống như vẽ một bức tranh tí hon với đủ các màu sắc và hình họa, chất liệu khác nhau như: Sơn lì, sơn gel, sơn bóng..., tùy thuộc vào chất liệu và giá thành thì sẽ có những bộ móng khác nhau. Để bắt kịp với xu hướng làm móng của thị trường, tôi phải thường xuyên sáng tạo ra những kiểu mẫu mới làm phong phú thêm bộ sưu tập móng. Bên cạnh đó tôi luôn tìm kiếm những màu sơn mới, chất liệu sơn tốt làm sao để vừa nâng cao chất lượng và hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh.

Theo tìm hiểu được biết, thông thường để làm một bộ móng phải mất từ 60 đến 90 phút, trước khi sơn, vẽ khách hàng sẽ được ngâm tay chân để vệ sinh và làm mềm móng. Tiếp đó, bằng các loại kìm cắt chuyên dụng, thợ nail sẽ bắt đầu công việc chăm sóc móng của mình, như: Loại bỏ các vùng da sần sùi, hư tổn, cắt móng, cắt khóe. Nhưng công phu nhất và tạo nên “bản sắc” của mỗi thợ nail lại chính là phần cuối cùng: Trang trí cho móng tay - thường được gọi là “nghệ thuật vẽ nail”. Để tạo ra một bộ móng cầu kỳ và bắt mắt, người thợ phải có tay nghề cao, sự sáng tạo và óc thẩm mỹ. Và để có được bộ móng độc – đẹp – lạ, khách hàng cũng phải là người chịu chơi, chịu bỏ thời gian và tiền bạc. Giá thành làm móng cũng đa dạng. Với bộ móng sơn màu đơn giản, giá chỉ vài chục đến khoảng trăm nghìn. Còn nếu sơn gel thì một bộ móng tay, chân thường có giá 150.000 đồng; dịch vụ đắp gel móng thật giá 200.000 đồng; dịch vụ đắp gel nhũ giá 250.000 đồng; đắp gel nối móng 300.000 đồng; đắp gel nổi móng nhũ xà cừ giá 350.000 đồng... Mặc dù mức giá khá cao nhưng dịch vụ sơn móng tay gel vẫn vô cùng hút khách. Chị Lê Thị Quyên, chủ tiệm nail Quyên spa trên đường Dương Đình Nghệ (TP Thanh Hóa) cho biết: Rất nhiều chị em ưa chuộng dịch vụ sơn móng tay gel, chị em công sở cũng tìm đến chúng tôi để sử dụng dịch vụ sơn gel. Để đảm bảo có được những bộ sơn móng tay gel vừa bền đẹp vừa an toàn cho sức khỏe, thì việc tìm và lựa chọn một nơi làm móng uy tín, có kỹ thuật rất quan trọng. “Bạn nên chú ý đến những công nghệ mà nơi đó sử dụng, chẳng hạn như hệ thống bóng đèn ánh sáng tia cực tím cần phải được làm sạch và thay đổi liên tục. Bởi vì nếu không đảm bảo những nguyên tắc đó, nó có thể biến những sơn gel ra nhiều công thức khác làm tổn hại đến móng tự nhiên của bạn”, chị Quyên chia sẻ. Cũng theo chị Quyên, sơn gel trên thị trường cũng có nhiều loại, đắt đỏ nhất là những sản phẩm nhập từ Mỹ, Anh, Pháp, tiếp đến là Nhật, Hàn, sau đó đến các sản phẩm của Trung Quốc. “Ngoài ra, hàng trôi nổi cũng có khá nhiều, nên người dùng khi tìm đến các salon nên yêu cầu được cho xem sản phẩm xem đó có thực là sản phẩm chính hãng, hàng uy tín hay không, để đảm bảo tránh được những sản phẩm giá rẻ có hại cho sức khỏe”.

Với giá thành khá cao như vậy nhưng không ít bạn nữ là “tín đồ” làm móng, sẵn sàng làm đẹp cho bộ móng của mình một cách thường xuyên (2 đến 3 tuần/lần). Chị Nguyễn Thị Đào, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) cho biết: Chị vốn kinh doanh bán hàng tại nhà, nên cứ có thời gian là chị lại đi chăm sóc cho bộ móng của mình. Đối với chị thì việc làm móng là cách để khiến bản thân tự tin, tươi trẻ hơn. Nhìn bộ móng tay mình được thợ làm móng trang trí lung linh, cảm thấy như được trẻ ra vài tuổi, chị chẳng ngần ngại dù tuổi mình đã gần bốn mươi, “miễn là mình thấy đẹp và thoải mái là được”.

Sơn móng được dùng cho mục đích thẩm mỹ, che dấu bớt những khiếm khuyết của móng và tăng cường sức mạnh cho những móng yếu. Tuy nhiên nếu chị em thường xuyên sử dụng và không biết cách chăm sóc móng thì hậu quả khó lường. Đơn cử như trường hợp chị Mai Anh, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) là người thích sơn móng tay và rất ưa chuộng loại sơn móng bình dân. Vì tâm niệm màu móng tay phải cùng “tông” với trang phục, nên hầu như ngày nào chị cũng thay màu móng. Chị thường tạt qua chợ Vườn Hoa ôm về hàng đống sơn móng tay, vừa rẻ vừa đa dạng màu. Gần đây, các đầu móng tay của chị bị tách từng lớp mỏng, bóc dần từ lớp này đến lớp khác đến nỗi không còn nhận ra sự khác biệt giữa da tay và móng. Tưởng nguyên nhân là do ăn uống, chị cấp tốc bổ sung vitamin, ăn nhiều thức ăn có canxi, nhưng tình trạng không thuyên giảm. Đến khám bệnh ở phòng khám da liễu, các bác sĩ cho biết chị bị viêm móng nặng. Việc cắt sửa quanh rìa móng tay quá thường xuyên đã khiến chân móng bị đỏ, phù và đau nhức; nó tạo môi trường cho vi khuẩn, nấm phát triển lan ra móng tay. Do vùng da móng đã bị tổn thương nặng, sau khi điều trị, móng của chị không thể trở về như cũ.

Theo các bác sĩ da liễu đã là hóa mỹ phẩm thì đều có chứa hóa chất, không thể chắc chắn 100% loại đắt thì không gây dị ứng, bệnh tật. Tuy nhiên, để hạn chế các tác hại xấu, chị em chỉ nên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, có thương hiệu. Khi thấy vùng da quanh móng bị sưng đỏ, viêm nhiễm... phải đến ngay cơ sở y tế để xử lý sát khuẩn, chống nhiễm trùng. Các bà mẹ thích sơn móng không nên dùng chất tẩy sơn móng quá thường xuyên (không hơn 1 lần/tuần). Nên dùng loại chất tẩy sơn móng chứa chất béo, ít gây khô móng và điều quan trọng là tìm đến các cơ sở sơn sửa móng tay có uy tín để được chăm sóc một cách hiệu quả và an toàn.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]