(Baothanhhoa.vn) - Khoảng 10 năm trước, việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho Nhân dân của xã bãi ngang ven biển Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xã Hoằng Phụ có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Trong những bước chuyển mình đáng ghi nhận ấy có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp quan trọng của lực lượng đoàn viên, thanh niên gắn với phong trào lập thân lập nghiệp, phát triển kinh tế địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn những “ngôi sao xanh” trong phát triển kinh tế xã Hoằng Phụ

Khoảng 10 năm trước, việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho Nhân dân của xã bãi ngang ven biển Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xã Hoằng Phụ có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Trong những bước chuyển mình đáng ghi nhận ấy có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp quan trọng của lực lượng đoàn viên, thanh niên gắn với phong trào lập thân lập nghiệp, phát triển kinh tế địa phương.

Dấu ấn những “ngôi sao xanh” trong phát triển kinh tế xã Hoằng PhụAnh Nguyễn Minh Đạo luôn trăn trở, nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề làm mắm truyền thống của gia đình, quê hương.

Nhắc đến dấu ấn của đoàn viên, thanh niên xã Hoằng Phụ trong phong trào lập thân lập nghiệp, phát triển kinh tế, nhiều người nhớ ngay đến Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Lê Gia. Sinh ra và lớn lên tại thôn Hồng Kỳ (xã Hoằng Phụ), mảnh đất đã bao đời nay “ăn đời ở kiếp” với nghề làm nước mắm truyền thống, Lê Anh gắn bó với nghề làm mắm từ khi còn rất nhỏ. Hương vị mặn mòi của biển cả đã ướp đượm tuổi thơ, nuôi lớn giấc mơ được mang thương hiệu nước mắm truyền thống của quê hương bay cao, vươn xa đến mọi miền Tổ quốc và bè bạn nước ngoài. Đó là lý do, động lực thôi thúc để vị giám đốc trẻ Lê Anh đi đến quyết định táo bạo là bỏ ngang công việc ổn định về quê xây dựng xưởng sản xuất nước mắm truyền thống mang thương hiệu Lê Gia. Với nhiều nỗ lực, cố gắng, khi đã nếm đủ dư vị ngọt ngào lẫn đắng cay mà hành trình khởi nghiệp suốt gần 5 năm qua mang lại, thương hiệu nước mắm truyền thống Lê Gia đã dần tìm được chỗ đứng trên thị trường, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trên cả phương diện chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm.

Bên cạnh chế biến nước mắm truyền thống, anh Lê Anh cũng dày công nghiên cứu, học hỏi và chế biến thành công các sản phẩm mắm khác, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng như: Nước mắm hạ thổ, mắm tôm, mắm chua, mắm tép, nhất là sản phẩm nước mắm dành riêng cho trẻ nhỏ thơm ngon, bổ dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được nhiều bà nội trợ là phụ huynh trên cả nước đón nhận nhiệt tình. Tất cả các sản phẩm mắm của Lê Gia đều qua quy trình chế biến truyền thống, hoàn toàn tự nhiên, không có chất phụ gia và mỗi sản phẩm có hương vị đặc trưng. Thương hiệu nước mắm truyền thống Lê Gia không chỉ làm hài lòng thị trường trong nước mà còn đủ sức vươn ra thị trường nước ngoài. Cuối năm 2018, thương hiệu mắm Lê Gia xuất được container đầu tiên sang Hàn Quốc. Từ đó đến nay, hương vị đậm đà, thơm ngon, sánh quyện hương biển, tình người nồng đậm ấy đã “chinh phục” được những thị trường khó tính như: Đài Loan, Nam Phi, Liên bang Nga, Panama... Từ đó, sức vươn của thương hiệu nước mắm truyền thống Lê Gia góp phần khẳng định thêm cái danh giá cho nghề làm nước mắm truyền thống tại xã Hoằng Phụ.

Nếu Lê Anh quyết tâm tìm kiếm những “chân trời” rộng mở hơn cho thương hiệu nước mắm truyền thống thì nhiều thanh niên đã chọn cách ở lại nơi chôn nhau cắt rốn, chung tay gìn giữ, phát triển thương hiệu nước mắm tập thể Khúc Phụ mà cha ông để lại. Cũng từ ý nghĩ đó, sau nhiều năm bôn ba nơi xứ người, anh Nguyễn Minh Đạo - con trai của bà Hảo – người phụ nữ đã có hơn 45 năm thăng trầm với nghề làm mắm truyền thống Khúc Phụ đã trở về, quyết định nối nghiệp gia đình. Chàng trai trẻ thương “mẹ mắm” (tên thân mật anh Đạo thường gọi bà Hảo) tảo tần sớm hôm, trăn trở cả một đời với nghề. Vì thương mẹ mà anh thương luôn cả giọt mắm quê hương.

Với kiến thức, kinh nghiệm mà mình đã tích lũy, học hỏi được; bằng sự nhanh nhẹn, nhạy bén của người trẻ, ngay từ khi bắt tay cùng mẹ làm mắm, anh Đạo đã xin gia nhập HTX sản xuất và chế biến nước mắm Khúc Phụ. Ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Đạo chủ động tiếp cận thông tin, từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô làm nghề. Hiện nay, gia đình anh Đạo đã hoàn thiện khu xưởng sản xuất, chế biến mắm với tổng diện tích khoảng 400m2; trong đó bao gồm: Nhà kho lưu trữ muối, khu bể chứa mắm chượp, khu đóng gói, hoàn thiện sản phẩm. Sản lượng bình quân đạt khoảng 2.000 lít nước mắm/tháng, khoảng 1 tấn các loại mắm tôm, mắm chua/tháng. Lợi nhuận đạt khoảng 70 - 80 triệu đồng/tháng. Anh Đạo cho biết: “Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho thương hiệu nước mắm truyền thống của quê hương cần có sự tham gia tích cực, đi sâu hơn nữa vào chuỗi liên kết giá trị”. Bởi vậy, trong thời gian qua, gia đình anh Đạo đã chú trọng hơn đến đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu (bao bì, nhãn mác), quy trình hoàn thiện, đóng gói sản phẩm... Đặc biệt, gia đình nỗ lực liên kết với một số cửa hàng nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, những đại lý lớn có yêu cầu cao về chất lượng đầu vào sản phẩm trên địa bàn toàn huyện, nhiều địa phương trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Cao Bằng... Với tâm huyết gìn giữ và phát triển nghề làm mắm truyền thống của gia đình, quê hương, anh Đạo đang từng bước nỗ lực phát triển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Không chỉ có dấu ấn của những cá nhân, “những ngôi sao xanh” trên vùng đất ven biển đã biết liên hệ, kết nối với nhau để tạo nên sân chơi rộng lớn hơn. Tháng 3-2020, Ban vận động câu lạc bộ (CLB) “Thanh niên phát triển kinh tế xã Hoằng Phụ” được thành lập gồm 25 đoàn viên, thanh niên tham gia. Ban vận động ra đời nhằm mục đích ban đầu là tập hợp, đoàn kết những đoàn viên, thanh niên có ước mơ làm kinh tế, là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn xã có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng bước đầu, ban vận động cũng đã có một số hoạt động tiêu biểu. Vừa qua, ban vận động đã tổ chức buổi tọa đàm, quyết định đổi tên thành CLB “Thanh niên phát triển kinh tế xã Hoằng Phụ”, cùng nhau thảo luận phương hướng hoạt động trong thời gian tới.

Bên cạnh sự nỗ lực của cá nhân, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn các cấp; với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thanh niên xã Hoằng Phụ đã chủ động tuyên truyền, vận động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào, hoạt động, nhất là phong trào xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới, phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Theo đó, đoàn thanh niên xã Hoằng Phụ đã nỗ lực phát huy vai trò của tổ chức trong tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên. Vì vậy, đến nay, toàn xã có khoảng 90% đoàn viên, thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định. Xu hướng đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp tại địa phương ngày càng tăng. Bằng ý chí phấn đấu, nỗ lực vượt khó, vươn lên, khẳng định sức trẻ, dám nghĩ dám làm và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, các thế hệ đoàn viên, thanh niên xã đã tích cực tham gia phát triển kinh tế với đa dạng các ngành, nghề như: Nghề làm mắm truyền thống – Khúc Phụ, nuôi trồng thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng... đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho đoàn viên, thanh niên và đóng góp vào các phong trào chung của địa phương.

Tuy đạt được nhiều thành tích đáng kể, song, công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên nói chung, phong trào đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp tại địa phương luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Anh Trương Văn Lĩnh, bí thư đoàn thanh niên xã Hoằng Phụ, chia sẻ: “Hiện nay, cái khó nhất đó là thiếu hụt nguồn nhân lực. Lực lượng thanh niên đi làm ăn xa nhiều; một số đoàn viên, thanh niên tâm huyết với tổ chức đoàn nhưng các hoạt động của tổ chức nhiều khi chưa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của họ. Việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên trong phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển đa dạng các ngành nghề còn chậm”. Ngoài yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan từ chính hạn chế về nguồn vốn, trình độ, kinh nghiệm, tâm lý e dè... cũng là những rào cản khiến đoàn viên, thanh niên chưa thực sự hăng hái nhập cuộc trên con đường phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp. Điều đó lý giải vì sao, phần lớn các mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế do đoàn viên, thanh niên làm chủ ở các địa phương vẫn chưa thực sự thu được hiệu quả cao, tạo nên bứt phá mạnh mẽ, trở thành mô hình tiêu biểu.

Nếu ví mỗi tấm gương đoàn viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp ở xã Hoằng Phụ như những “ngôi sao xanh” thì mỗi “ngôi sao” ấy luôn tìm cho mình một hướng đi riêng, tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, xuất phát điểm của từng người. Tuy nhiên, trên hành trình kiến tạo tương lai ấy, họ đều có chung một mục đích, lý tưởng tốt đẹp là cống hiến hết sức mình, góp phần xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Để huy động, phát huy tối đa, hiệu quả “sức trẻ” trong phát triển kinh tế địa phương, lập thân lập nghiệp, thiết nghĩ, các cấp, ban, ngành cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, đồng hành về nguồn vốn, quỹ đất, giáo dục nghề nghiệp, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý... Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết: “Hiện nay, nhằm tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đoàn viên, thanh niên trong việc mở rộng quy mô sản xuất, Hoằng Phụ đang đề nghị với UBND huyện Hoằng Hóa cho quy hoạch mở rộng làng nghề chế biến, kinh doanh nước mắm Khúc Phụ với diện tích khoảng 3,5 ha. Đây không chỉ là việc làm thiết thực, có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ gìn và phát triển nghề làm mắm truyền thống của quê hương mà hơn hết, tạo nguồn động lực lớn lao cho đoàn viên, thanh niên trong xã tích cực tham gia phong trào lập thân lập nghiệp, phát triển kinh tế địa phương”.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]