(Baothanhhoa.vn) - Nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhưng Phạm Đình Dương, sinh viên lớp K21, đại học Sư phạm Lịch sử chất lượng cao, Trường Đại học Hồng Đức đã vượt qua mọi gian khó để trở thành tấm gương sáng cho tinh thần hiếu học và ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vươn lên từ gian khó

Nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhưng Phạm Đình Dương, sinh viên lớp K21, đại học Sư phạm Lịch sử chất lượng cao, Trường Đại học Hồng Đức đã vượt qua mọi gian khó để trở thành tấm gương sáng cho tinh thần hiếu học và ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Vươn lên từ gian khó

Dương đang trao đổi bài cùng các bạn trong lớp.

Sinh ra tại xã Dân Quyền (Triệu Sơn), tuổi thơ của Dương gắn với bàn tay chăm sóc của ông bà ngoại bởi bố mẹ em thường phải đi làm ăn xa thỉnh thoảng mới về. Dù không được bố mẹ sát sao dạy bảo nhưng nhờ những lời căn dặn của bố, nhớ tới những cái ôm thật chặt và ánh mắt trìu mến của mẹ mỗi khi về thăm nhà, cũng như cảm nhận được tình yêu lớn của ông bà dành cho mình nên ngay từ nhỏ, lúc nào Dương cũng tự nhủ mình phải cố gắng thật nhiều. Suốt 12 năm học phổ thông, em luôn đạt thành tích cao trong học tập và trở thành tấm gương cho các bạn trong lớp noi theo.

Hè năm lên lớp 10, sau bao nỗ lực phấn đấu, cuối cùng mong muốn được học lớp chọn của một trường THPT đã thành hiện thực. Náo nức về những buổi học đầy ắp kiến thức với những người bạn mới chưa được bao lâu thì giấc mơ học hành của Dương bị gián đoạn. Bố em sau nhiều ngày vất vả lao động kiếm tiền đã bất ngờ bị tai biến mạch máu não. Nhà neo người, ông bà già cả, mẹ lại đang mang bầu nên Dương đành gác lại công việc học hành để đưa bố đi chữa bệnh ở khắp nơi. Cậu học trò “ăn chưa no, lo chưa tới” trước biến cố của gia đình đã trở thành người trụ cột, thay mẹ đi chăm bố, rồi sau đó lại làm chỗ dựa dìu mẹ vượt qua nỗi đau mất mát khi cậu em trai thứ 2 của Dương không qua khỏi sau vụ tai nạn thương tâm. Bố Dương, mặc dù đã được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng vẫn bị liệt nửa người và sống đời sống thực vật. Nỗi đau chồng chất khiến gia đình em vốn đã khó khăn lại càng khó khăn, kiệt quệ hơn.

Tự nhận thức được khó khăn của gia đình, thay vì mặc cảm tự ti về bản thân, Dương luôn động viên mình cần phải mạnh mẽ và cố gắng nhiều hơn nữa. Một năm vất vả ngược xuôi lo lắng chăm sóc bố không khiến nỗi nhớ trường, nhớ lớp vơi đi trong tâm trí cậu học trò nghèo nên em đã quyết định trở lại trường và học lớp 10 với các bạn khóa sau. Dương luôn xác định, phải học tập thật tốt thì sau này mới có thể giúp đỡ bố mẹ thoát khỏi cái nghèo đói. Sau những giờ học trên lớp, Dương lại tranh thủ giúp mẹ làm việc nhà, việc đồng áng rồi lo chăm sóc bố và em gái nhỏ. Khó khăn là vậy nhưng suốt ba năm học cấp 3, Dương luôn đạt thành tích tốt trong học tập và đậu đại học với số điểm khá cao.

Nói về con đường đến với giảng đường đại học, Dương luôn thầm cảm ơn mẹ, một người phụ nữ nông dân “chân đất” nhưng lúc nào cũng động viên con trai mình phải học để mở mang kiến thức và xây dựng tương lai cho chính mình. Mặc dù gia cảnh khó khăn, Dương đi học là thiếu đi nguồn lao động chính trong gia đình nhưng mẹ vẫn quyết tâm vay mượn và cắt bán nửa mảnh đất để có tiền cho con ăn học. Hiểu được tấm lòng và nỗi vất vả của mẹ, Dương miệt mài học tập để hiện thực hóa giấc mơ của em và cũng là giấc mơ của mẹ. Em chia sẻ: “Trước đây, khi còn ở nhà, ngoài việc học em còn giúp mẹ chăm sóc bố. Từ khi xuống thành phố, mọi việc dồn hết lên đôi vai mẹ. Thương mẹ nhiều lắm nhưng chẳng còn cách nào khác, em phải học thật giỏi để sau này còn có cơ hội đưa bố đi chữa bệnh và giúp mẹ cùng em gái có cuộc sống đỡ vất vả nữa chứ...”. Tôi cảm nhận được sự chân thành, khiêm tốn qua từng câu nói giãi bày tâm sự của Dương nhưng đồng thời cũng thấy sự mạnh mẽ, kiên cường của một chàng trai tuổi đôi mươi đầy sức sống.

Và thực tế, Dương đã trở thành một trong những sinh viên giỏi luôn đạt được các suất học bổng của trường, được thầy cô và bạn bè yêu quý, tín nhiệm. Vừa qua, em đã đại diện cho nhà trường và Tỉnh đoàn Thanh Hóa tham gia dự thi và đạt giải Nhì tại Hội thi “Ánh sáng soi đường” khu vực miền Trung. Đây là Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh được tổ chức hàng năm trên toàn quốc.

Nhận xét về cậu sinh viên chăm ngoan của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, cố vấn học tập lớp đại học của Dương cho biết: “Phạm Đình Dương là một sinh viên gương mẫu và rất có ý chí trong học tập cũng như trong cuộc sống. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em luôn nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc tất cả các môn học. Không chỉ học giỏi, với cương vị là lớp trưởng của một lớp chất lượng cao, Dương luôn đi đầu trong việc tổ chức các phong trào, các hoạt động bổ ích giúp tập thể lớp đoàn kết và cùng nhau tiến bộ hơn trong học tập”.

Tạm biệt Dương, trong tâm trí chúng tôi vẫn còn in sâu sự cảm phục về tinh thần vượt lên gian khó của cậu sinh viên gầy gò, nhỏ thó và nở nụ cười ấm áp với những mong muốn, dự định của em: “Em ước mình sẽ đủ sức giúp gia đình vượt qua mọi khó khăn, vất vả. Và chắc chắn, em sẽ trở thành một giáo viên giỏi để quay trở về truyền đạt kiến thức cũng như thắp lên ngọn lửa học tập đến những đứa trẻ nơi miền quê nghèo, giúp chúng trưởng thành để có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai”.

Bài và ảnh: Thu Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]