(Baothanhhoa.vn) - Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Mai Thị Lâm (sinh năm 1967), giáo viên Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú - THCS Trung Lý, xã Trung Lý (Mường Lát) đã cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách, ngày ngày lặng lẽ cống hiến tuổi xuân cho cuộc hành trình tìm con chữ của các em học sinh vùng cao biên giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh xuân “gieo chữ” vùng cao

Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Mai Thị Lâm (sinh năm 1967), giáo viên Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú - THCS Trung Lý, xã Trung Lý (Mường Lát) đã cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách, ngày ngày lặng lẽ cống hiến tuổi xuân cho cuộc hành trình tìm con chữ của các em học sinh vùng cao biên giới.

Thanh xuân “gieo chữ” vùng cao

17 năm qua cô giáo Mai Thị Lâm luôn tận tình với sự nghiệp “gieo chữ” nơi vùng cao. Ảnh: Hoài Thu

Tình yêu với trẻ em nghèo

Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi đã bỏ lại sau lưng hơn 200 km đường gập ghềnh, khúc khuỷu để có mặt tại Trường PTDT bán trú – THCS Trung Lý khi trời đã xế chiều. Khó khăn, vất vả là thế nhưng gần 20 năm qua, cô giáo Mai Thị Lâm vẫn cần mẫn ngược - xuôi.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Nga Thạch (Nga Sơn). Năm 1995, cô Lâm rời quê hương lên Mường Lát (lúc đó đang thuộc huyện Quan Hóa) ở với chị gái đang làm công nhân lâm trường. Sau một thời gian sinh sống, chứng kiến cuộc sống vất vả, cơ cực của bà con nơi đây; nhiều gia đình “cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc” nên việc học hành đành gác lại phía sau chuyện “cơm áo”... đã thôi thúc cô quay về Trường Đại học Hồng Đức nộp đơn thi vào ngành sư phạm.

Nhớ đến những ngày tháng gian khó đó, mọi ký ức trong cô lại ùa về, cô Lâm kể: “Ngày ấy, đường sá đi lại vô cùng khó khăn! Chưa có cầu bê tông như bây giờ, mà phải qua sông bằng phà. Xe máy không có, phương tiện đi lại duy nhất là bằng xe ca. Mỗi lần đi từ huyện Nga Sơn lên Mường Lát, phải mất 2 ngày. Khi lên ở với chị gái được vài năm, chứng kiến cuộc sống vất vả, khó khăn của con em đồng bào nơi đây nên tôi thương lắm. Cuộc sống quá khổ đã khiến cho nhiều trẻ em thất học, đó là chưa kể đến việc giáo viên dạy chữ cho chúng cũng thiếu rất nhiều”.

Chính tình yêu thương vô điều kiện ấy đã gắn kết cô với miền đất vùng biên này. Năm 2002, cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, cô quyết định quay trở lại Mường Lát. Và rồi, cô giáo Mai Thị Lâm được huyện phân công về nhận công tác tại Trường THCS Quang Chiểu – một ngôi trường cách trung tâm huyện Mường Lát gần 30km đường rừng. Sau một thời gian công tác ở đây cô được điều động về dạy ở xã Trung Lý.

Mang tuổi xuân “gieo chữ”

Mới đó đã 17 năm trôi qua. 17 năm cô miệt mài “gieo chữ” cho miền sơn cước này. 17 năm gắn bó, cũng là ngần ấy thời gian cô Lâm phải sống xa gia đình, xa cha, mẹ già, xa nơi “chôn rau cắt rốn”. Vào thời điểm ấy, không điện, không đường, không bạn bè, tuổi lại đang trẻ nên cũng buồn, cũng nản lắm! Tâm trạng nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ cả tiếng tàu xe khiến cô nhiều đêm mất ngủ. Những lúc đau ốm, lúc gia đình có chuyện, chẳng làm được gì ngoài những lời thăm hỏi, động viên. Đã có lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, nhưng rồi những nỗi tủi hờn, những khó khăn, vất vả, gian truân... tất cả đã không thắng được lòng yêu nghề của cô.

Nhắc tới chuyện gia đình, mắt cô bỗng đỏ hoe. Cách đây chục năm, được bạn bè giới thiệu, mai mối, cô giáo Lâm kết duyên với một người đàn ông công tác ở Lâm trường Lang Chánh (huyện Lang Chánh). Cùng bấy nhiêu thời gian, 2 vợ chồng chạy chữa đã nhiều nơi nhưng vẫn không thể giúp cô thực hiện được ước nguyện thiêng liêng của người phụ nữ là được làm mẹ dẫu chỉ một lần.

Cô Lâm chia sẻ: “Những vất vả về tinh thần, vật chất tôi cũng dần quen rồi, gắn bó được ở đây vì yêu nghề thôi. Dù vất vả, nhưng không có những người như mình, thì ai sẽ đem con chữ đến với các em thơ ở đây?. Nhiều lúc thương cha mẹ già, thương người chồng luôn phải sống xa vợ hơn trăm cây số đường rừng, “dăm thì mười họa” mới được ở gần nhau mà muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi tình cảm mộc mạc, chân thành của người dân nơi đây lại giúp tôi có thêm nghị lực để bước tiếp. Hiện chồng tôi đã nghỉ hưu, mỗi tháng lương hưu chưa đầy 3 triệu đồng, vì vậy phải đi làm thêm với bạn bè mới đủ chi tiêu trong tháng. Vả lại, tôi lại ở tận mãi trên này, anh ở nhà một mình cũng buồn, nên đi làm thêm cho khuây khỏa. Chỉ mong những người trong gia đình mình luôn mạnh khỏe và thông cảm cho tôi, để tôi có thể yên tâm công tác”.

Được biết, từ khi về đây công tác, nhà trường bố trí cho cô một phòng ở khu nhà công vụ. Hằng ngày, một mình cô tự nấu ăn bởi ở đây ai cũng có gia đình. Dù đồng lương cũng đã tạm ổn, nhưng giá cả đắt đỏ, hơn nữa cô cũng phải chắt chiu để còn lo cho gia đình.

Gần 20 năm sống, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng đất biên cương này, cô cũng đã nếm trải nhiều truân chuyên lắm. Đã có lần cô Lâm làm đơn xin chuyển công tác về xuôi, nhưng bất thành. Từ đó, cô không làm đơn lần nào nữa và cố chờ đợi thêm thời gian nữa rồi về hưu. Và có lẽ, ít ai biết được đằng sau nụ cười trên bục giảng của cô là những giọt nước mắt lăn dài và nhiều đêm thức trắng.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Lê Thế Lập – Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú - THCS Trung Lý, cho biết: “Ở đây, đa số các thầy, cô giáo đều có gia đình dưới xuôi. Tuy nhiên, hoàn cảnh của cô giáo Lâm rất đặc biệt, vì vậy, chúng tôi luôn động viên, chia sẻ, mong chị bớt suy tư để vui vẻ trong cuộc sống và cống hiến cho ngành. Chị dạy môn Địa lý và cũng là một trong những người lớn tuổi nhất ở trường hiện nay”.

Chia tay vùng đất biên cương của Tổ quốc, bên tai chúng tôi vẫn văng vẳng câu nói của nữ giáo viên “cắm bản”: “Khi lựa chọn nghề dạy học, tôi đã xác định: Dù có khó khăn, thử thách đến đâu, cũng sẽ cố gắng vượt qua. Tuổi thanh xuân của tôi đã dành trọn cho giáo dục vùng khó, nay không có lý do gì mà chùn chân, mỏi bước. Tôi sẽ mãi là “cô giáo bản”, để ngày ngày được “cõng chữ” lên non”.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]