(Baothanhhoa.vn) - Một ngày ở xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình, tôi bắt gặp ở đó, những người không đi lại được có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, những người khiếm khuyết trên cơ thể tìm thấy ánh sáng trong cơn tuyệt vọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi giúp người khuyết tật đứng lên lần nữa

Một ngày ở xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình, tôi bắt gặp ở đó, những người không đi lại được có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, những người khiếm khuyết trên cơ thể tìm thấy ánh sáng trong cơn tuyệt vọng.

Nơi giúp người khuyết tật đứng lên lần nữa

Quản đốc Lê Văn Hưng chỉnh sửa lại những chi tiết chưa vừa vặn để khách hàng được thấy thoải mái nhất khi đeo chân giả.

Những mảnh ghép nối liền số phận

Nằm nép mình trong khuôn viên của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình luôn tấp nập người ra vào.

Quản đốc Lê Văn Hưng đang lúi húi làm việc, thấy chúng tôi vào, anh vội vàng đi tìm khăn lau đôi bàn tay lem thạch cao. Đôi tay ấy đã hàng ngàn lần khéo léo trau chuốt nên những phần thân chân, tay người chuẩn xác như một tác phẩm điêu khắc. Để rồi sau đó, chính anh lại tự tay... đập bỏ chúng khi đã hoàn thành nhiệm vụ của một cốt dương - tức phần cốt được làm chính xác với cơ thể thật của bệnh nhân để tạo khuôn cho nẹp chỉnh hình; những thứ giúp người có cột sống biến dạng, cong vẹo có thể vươn thẳng người, giúp những đứa trẻ mang dị tật bẩm sinh tăng thêm sức cho đôi chân biến dạng khi lần đầu tập đứng, tập đi...

Tại đây, tôi gặp anh Đặng Thái Duẩn, xã Hùng Sơn, huyện Tĩnh Gia đến để thử chân mới. Anh chia sẻ: “Cách đây hơn 20 năm, tôi bị tai nạn giao thông, phải cắt một chân, cụt trên gối. Điều này khiến cuộc sống của tôi bị xáo trộn khi chỉ quanh quẩn với đôi nạng gỗ. Sau đó, tôi tìm đến xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình để lắp chân giả. Lần này là lần thứ 3 tôi đến để thay chân”.

Lần đầu đeo chân mới, anh Duẩn bặm môi bước một bước, hai bước... thêm vài bước nữa rồi rời khỏi thanh vịn, tự đi khập khiễng. Anh cười rạng rỡ: “Vầy được rồi, mấy bữa nữa đi bộ, chạy bộ được rồi”. Cả phòng tập rộn lên những tiếng cười hạnh phúc.

Để làm được một chiếc chân giả phải trải qua khá nhiều công đoạn, như: Thử chân, đổ bột, mài giũa sao cho phù hợp với từng người, cố gắng để mỗi chiếc chân giả được làm ra phải thuận tiện nhất, dễ chịu nhất cho người mang nó. Một mặt cũng phải đảm bảo được tính thẩm mỹ để người dùng có thêm tự tin trong quá trình sử dụng. Quản đốc Hưng bộc bạch: “Mỗi người khuyết tật có một điểm cụt khác nhau. Vì thế, người kỹ thuật viên cần nhạy cảm, khéo léo, có tay nghề. Thiết kế xong phải làm sao cho người khuyết tật thấy tự tin như là đang có chân, tay thật, người bình thường nhìn vào không phát hiện ra”.

Thế nhưng, với những người làm việc như anh Hưng khó khăn nhất vẫn là động viên, tư vấn cho bệnh nhân cách tập, vận động để phục hồi khả năng đi lại, sinh hoạt. Mỗi khi bệnh nhân cảm thấy đau đớn, mệt mỏi, anh Hưng và các cộng sự lại kịp thời hỏi han, động viên để họ không nản lòng. “Có người đến gặp chúng tôi phải lết nhưng khi chia tay đã tự tin bước thẳng. Với người ngoài, đó có thể là một phép lạ còn đối với những kỹ thuật viên như chúng tôi, đơn giản là một nụ cười mãn nguyện vì mình đã làm hết sức với nghề” – quản đốc Hưng bày tỏ.

Khoe 2 đôi giầy mới làm - một đôi chỉ dài chừng 5 cm, một đôi lớn gấp đôi, quản đốc Hưng kể: “Đây là giầy của một bệnh nhi bị tật ở bàn chân từ khi chào đời. Bé cần có giầy chỉnh hình mới có thể tập đi lại như trẻ bình thường. Đây là những đôi giầy cũ của bé từ khi còn nhỏ xíu, giờ bé đã hơn 2 tuổi nên tôi làm đôi lớn hơn. Riêng với trẻ em, chúng tôi cho các em chọn lựa màu sắc và lót đặc biệt êm. Khi được chọn, các em sẽ dễ chấp nhận việc sử dụng dụng cụ giả hơn”.

Nghe anh kể chúng tôi cứ tưởng bé là người thân bởi thông tin về nhân thân, hoàn cảnh, bệnh tật hết sức chi tiết. Tuy nhiên, anh cười xòa: “Làm dụng cụ cho bệnh nhân thì đương nhiên phải tìm hiểu kỹ về bệnh nhân. Biết hết về họ thì mới làm dụng cụ phù hợp được”.

Để hoàn thành đôi giầy chỉnh hình nhỏ xíu như đôi giầy búp bê, không dưới 5 lần các kỹ thuật viên phải chỉnh sửa, cắt ngắn, mài giũa... Một sản phẩm vừa vặn sẽ giúp những đứa trẻ mang dị tật bẩm sinh tăng thêm sức cho đôi chân khi lần đầu tập đứng. “Giầy chỉnh hình mỗi đôi mỗi khác. Sau mỗi đôi giầy được làm ra không chỉ là một số phận mà còn là ước mơ được đi lại bình thường của ai đó” – anh Đinh Thế Mạnh, kỹ thuật viên, chia sẻ.

... Và một đời sống khác

Trong câu chuyện thân tình, anh Hưng mải mê kể về những tháng ngày trong quân ngũ, rồi rộn ràng câu chuyện cơ duyên đưa mình đến với công việc làm chân, tay giả cho người khuyết tật.

Tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Hưng đã xung phong lên đường nhập ngũ. 2 năm sau, anh bị thương nên trở về tiếp tục con đường học vấn. Khi đó, anh Hưng đứng trước hai lựa chọn, theo học y hoặc vào trạm chỉnh hình (tên gọi cũ của xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình) học việc. Và, anh đã chọn trở thành một kỹ thuật viên làm chân, tay giả. Anh nói: “Là một người trở về từ quân ngũ, tôi hiểu và thông cảm cho sự mất mát của họ. Tôi muốn bù đắp cho họ phần nào những đau thương ấy, giúp họ có một cuộc sống thường ngày thuận lợi hơn. Bởi, mỗi bệnh nhân đến đây có một hoàn cảnh, một câu chuyện đời khác nhau nhưng tựu chung lại họ đều khát khao được “nối lại” chân, tay; khát khao được làm việc, sinh hoạt như những người bình thường”.

Mắt anh Hưng hiện rõ nét hạnh phúc khi kể lại câu chuyện về một cô gái đặc biệt tên Yến, ở huyện Như Xuân. Ngày ấy, khi đến gặp “chú Hưng”, cô mất chân lên đến 1/3 đùi, tuổi chưa đến 20, ốm yếu, gầy gò sau vụ tai nạn. Anh Hưng đã phải chêm rất kỹ 2 chiếc chân giả cho cô bé để nó êm và vừa với thân hình gầy nhỏ, đồng thời chăm chút bên ngoài để nhìn chúng giống thật nhất. Anh còn kỹ lưỡng dặn cô cách chọn vớ da mang bên ngoài để khi mặc váy người ta nhìn vào không biết đó là chân giả. “Cô gái ấy thỉnh thoảng vẫn đến thăm tôi, lần nào cũng xinh đẹp trong những bộ váy ngắn, còn khoe đã tìm được việc làm ổn định” – anh Hưng tâm sự.

Một cậu bé khác tên Đức, ở xã Tế Lợi (Nông Cống) bị mất cả 2 chân từ nhỏ, vì hoàn cảnh nên việc đi học của Đức cũng dở dang, bạn bè ít. Lần đầu được bố mẹ đưa đến gặp anh, cậu bé khá trầm tính. Anh Hưng nhớ lại: “Ngay từ lần đầu lắp bộ chân giả, cháu đã vội vàng bước đi như một chú mèo lâu ngày được thả, gương mặt cháu lúc đó ánh lên tràn đầy hy vọng. Từ đó, trung bình cứ khoảng 2 năm cháu bé lại đến chỗ tôi thay chân một lần. Vừa qua, khi vừa học hết lớp 12, tôi giới thiệu cháu vào Trường Trung cấp nghề Thanh thiếu niên đặc biệt khó khăn. Thấy cậu bé lớn lên không còn mặc cảm với cuộc sống tôi thật sự rất vui”.

Với anh Hưng, những cái ôm, những cái bắt tay hay những nụ cười của những đứa trẻ khiếm khuyết là động lực, là hạnh phúc để anh tiếp tục công việc của mình. Anh bảo, mỗi lần các cháu đến làm chân mới chỉ cần cười thôi cũng đủ khiến những người làm nghề như anh sung sướng. Rồi bao nhiêu người trước đó sau khi được lắp chân giả đã tìm được công việc phù hợp để mưu sinh. Người thì làm thợ điện, người làm xe ôm, người làm nhân viên bán hàng. Niềm vui đó quả thật đơn giản, nhưng rất cao quý và đáng trân trọng.

Trải qua mấy chục năm kinh nghiệm làm dụng cụ chỉnh hình, nhưng anh Hưng chưa khi nào thấy bằng lòng với những gì mình đã làm được. Anh vẫn luôn tìm tòi, học hỏi để đưa những kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả nhất áp dụng vào xưởng sản xuất của mình. “Tôi nghĩ rằng, cần phải tìm hiểu và cải tiến để người khuyết tật có một đôi chân, đôi tay phù hợp nhất. Tôi may mắn vì luôn nhận được sự cộng tác, giúp đỡ từ bạn bè và cộng đồng xã hội; các tổ chức thiện nguyện trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là sự trợ giúp đắc lực từ 2 người đồng nghiệp, cũng là 2 người học trò của tôi, Đinh Thế Mạnh và Lê Hồng Tùng” – quản đốc Hưng hiền hậu nói.

Với tình yêu thương chân thành và mong muốn cống hiến, giúp đỡ những người tàn tật trong xã hội, quản đốc Hưng chia sẻ rằng, anh nguyện sẽ gắn bó với công việc này cho đến khi nào đôi chân mình không thể đứng vững được nữa.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]