(Baothanhhoa.vn) - Phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, những người từng cống hiến máu xương để giành độc lập dân tộc, về với đời thường, tiếp tục là những tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những tấm gương “tàn nhưng không phế”

Phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, những người từng cống hiến máu xương để giành độc lập dân tộc, về với đời thường, tiếp tục là những tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Bệnh binh Nguyễn Đình Hải thu hoạch chanh trong trang trại của gia đình.

Theo giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi có dịp được “mục sở thị” trang trại tổng hợp của bệnh binh Nguyễn Đình Hải, thôn Trúc, xã Điền Trung (Bá Thước) - một mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi điển hình của xã đã được nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Do gặt hái được nhiều thành quả trong trồng trọt, chăn nuôi nên năm 2007 bác đã vinh dự được tham dự đại hội cựu chiến binh làm kinh tế giỏi tại Hà Nội và nhiều lần được biểu dương là điển hình tiên tiến thi đua cấp tỉnh, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Ôn lại ký ức, bác Hải cho biết: Sau 18 năm phục vụ trong quân đội bác về hưởng chế độ bệnh binh 2/3. Với bản chất cần cù, chịu khó, năm 1993 bác mạnh dạn nhận trên 3,5 ha đồi núi trọc, vay vốn bạn bè, ngân hàng đầu tư trồng luồng, mía tím thương phẩm, cây ăn quả và các loại rau màu kết hợp chăn nuôi gà ri. Ban đầu vốn ít, chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng phát triển kém, đàn gà bị dịch bệnh, ốm chết... Không cam chịu thất bại, bác đã đi tìm hiểu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm bạn bè, đồng đội trong, ngoài tỉnh để đúc rút kinh nghiệm, nên năm sau kết quả khả quan hơn năm trước. Với suy nghĩ muốn làm giàu phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến, đưa giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và phải phấn đấu xây dựng mô hình sản xuất theo quy mô trang trại lớn, năm 2011 bác mạnh dạn đầu tư trồng 1,5 ha thanh long ruột đỏ, 0,8 sào na, 2 sào chanh tứ quý và chanh đào, ven đồi trồng 100 cây dứa. Trên diện tích 0,5 ha còn lại bác trồng mía thương phẩm, dưa chuột và các cây rau màu có thế mạnh phù hợp với địa phương. Đồng thời mở rộng chăn nuôi gà, trâu bò sinh sản để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại trang trại. Tính đến nay gia đình bác luôn duy trì 5 con trâu nái sinh sản, trên 1.000 gà thả vườn, mỗi năm cung cấp gà thịt ra thị trường trên 2 tấn. Với mô hình kinh tế trang trại như hiện tại, mỗi năm gia đình bác thu về khoảng 300 triệu đồng. Không những có cuộc sống ổn định và làm giàu chính đáng, bác Hải còn tạo điều kiện cho 3 hộ nghèo vay 200 triệu đồng không tính lãi; hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ trong vùng và người thân cùng phát triển kinh tế; tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.

Còn đối với thương binh 4/4 Nguyễn Thị Tâm, xã Định Công (Yên Định), năm 1993 chị nhận thầu 2 ha đất để sản xuất vật liệu xây dựng khi trong tay chỉ có 30 triệu đồng và vay mượn thêm 100 triệu đồng để khởi nghiệp. Ban đầu thiếu kinh nghiệm, hàng sản xuất ra không đáp ứng yêu cầu của thị trường nên tiêu thụ chậm. Phải mất một thời gian dài khó khăn nhưng do năng động và nhạy bén nên việc làm ăn dần phát triển, năm 2008 chị quyết định thành lập Công ty CP Thương mại Thanh Tâm và vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng Nhà máy Gạch tuynel với công suất 25 triệu viên/năm tại xã Định Tân. Nhờ có chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, các cơ quan, đơn vị chức năng trong tỉnh đã khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh đã giúp công ty ngày càng phát triển. Hiện công ty tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 317 lao động với lương bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm thời vụ cho hơn 180 lao động địa phương và các vùng phụ cận. Không chỉ tạo việc làm, chăm lo đời sống của cán bộ, nhân viên và người lao động, bản thân chị và gia đình đã hỗ trợ, giúp đỡ vốn cho các hộ nghèo, gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xóa bỏ được 26 nhà tạm của hộ nghèo; hỗ trợ vốn cho hơn 100 hộ dân chài với số tiền hàng chục tỷ đồng... Từ những thành tích đã đạt được, chị Tâm đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Về xã Nga Yên (Nga Sơn) gặp bệnh binh Mai Đức Mộc, chúng tôi được biết: Tháng 4-1977 bác bị thương với tỷ lệ 61%, đến năm 1981 xuất ngũ về sinh sống tại quê nhà. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, dồn điền, đổi thửa, gia đình đã xây dựng mô hình gia trại tổng hợp gồm cây ăn quả, thả cá, chăn nuôi. Đến năm 2016 bác quyết định đầu tư xây dựng trên 500m2 nhà kính sản xuất theo công nghệ cao, nhà màng phủ nilon để sản xuất thực phẩm an toàn cùng 3.500m2 ao cá áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật có máy đảo oxi để bảo đảm chăn nuôi an toàn từ vườn đến ao, chuồng. Mô hình cho thu nhập từ 250 triệu đến 300 triệu đồng/năm. Có tiền, bác đã xây dựng được nhà kiên cố, với tiện nghi sinh hoạt tương đối đầy đủ, các con có điều kiện ăn học và đã có công việc ổn định. Hiện bác là chủ tịch hội làm vườn xã, bí thư chi bộ xóm 3.

Phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ là sức mạnh để những thương, bệnh binh tiếp tục xung kích đi đầu trên trận tuyến chống đói nghèo, lạc hậu, trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo.


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]