(Baothanhhoa.vn) - Chưa một lần mang nặng đẻ đau, chưa một lần được làm mẹ, làm vợ đúng nghĩa nhưng các mẹ, các dì ở Làng trẻ em SOS Thanh Hóa (phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa) đã hy sinh cả cuộc đời mình để sưởi ấm, xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời cô đơn, bất hạnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người mẹ... thầm lặng

Chưa một lần mang nặng đẻ đau, chưa một lần được làm mẹ, làm vợ đúng nghĩa nhưng các mẹ, các dì ở Làng trẻ em SOS Thanh Hóa (phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa) đã hy sinh cả cuộc đời mình để sưởi ấm, xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời cô đơn, bất hạnh.

Những người mẹ... thầm lặng

Buổi chiều ở Làng trẻ SOS Thanh Hóa.

Chúng tôi thăm Làng trẻ em SOS vào một buổi chiều cuối xuân. Trong gia đình số 12 mang tên Hoa Sen, mẹ Đàm Thị Hợi (sinh năm 1965) đang nhặt rau để chuẩn bị bữa cơm chiều. Căn nhà tuy nhỏ nhưng được bài trí rất gọn gàng, ngăn nắp và đầy đủ tiện nghi. Đây là tổ ấm của mẹ Hợi cùng 7 người con của mình. Đứa lớn nhất năm nay 18 tuổi, đứa nhỏ nhất 25 tháng tuổi.

Hôm nào cũng vậy, mẹ Đàm Thị Hợi phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị cơm nước cho các con ăn rồi đưa chúng đến trường. Trong nhà này, việc lớn, việc bé đều một mình mẹ lo liệu. Mẹ không còn nhớ, đã bao đêm phải thức trắng khi các con trái gió, trở trời. “Hoa này con trồng để tặng mẹ Hợi đó” – câu nói ngây thơ, trong trẻo của bé Đàm Ngọc Hân (25 tháng tuổi) đang đứng bên khóm hoa trước hiên nhà như cắt ngang câu chuyện của chúng tôi.

Vẻ ngây thơ, hồn nhiên của em đã đưa mẹ trở về với ký ức của hơn 2 năm trước. Mẹ kể: “Tôi vẫn còn nhớ như in cuối năm 2016 vào một đêm mưa to, gió rét, khi bảo vệ đang đi tuần thì phát hiện tiếng khóc của trẻ con ngay ở cổng làng. Cũng chẳng biết ai đưa con đến đó, nhưng con được quấn bởi một chiếc chăn nhỏ với một manh áo cũ trên người cùng bốn cái bánh quy và một quần tả giấy, rốn còn chưa kịp khô... toàn thân con tím tái vì giá rét. Nhìn con, tôi không thể cầm được nước mắt. Thế rồi, Ngọc Hân bén duyên với tôi từ đấy”.

Khi nhận con, mẹ Hợi lo nhiều hơn vui bởi đây là lần đầu nuôi trẻ sơ sinh. Nhưng được sự giúp đỡ của các dì, các cậu trong ngôi nhà chung này nên những bối rối của lần đầu làm mẹ cũng dần dần tan biến. “Nhìn Ngọc Hân từng ngày khôn lớn tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng! Có những lần tôi bị ốm phải nằm viện, nhưng nhớ các con quá nên lại “nói khéo” với bác sĩ về nhà điều trị. Chỉ cần một ngày không nhìn thấy chúng là lòng tôi lại như “lửa đốt” nên hằng năm khi gia đình có việc quan trọng tôi mới về quê”, mẹ Hợi chia sẻ.

Mẹ Đàm Thị Hợi đã gắn bó với Làng trẻ em SOS từ khi mới thành lập (năm 2004). 15 năm qua, 18 người con đã đến với mẹ Hợi, mẹ đón đưa đi học, chăm cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ, đêm đêm học bài cùng các con... mẹ buồn đau, lo lắng mỗi khi các con ốm đau, bệnh tật. “Hạnh phúc nhất của đời tôi là được làm mẹ của 18 đứa con. Giờ đứa lớn cũng đã lập gia đình, có việc làm ổn định”, mắt mẹ Hợi ánh lên niềm hạnh phúc. Chẳng biết tự bao giờ, mẹ đã quên rằng các con của mẹ đến từ đâu, mẹ chỉ biết chăm sóc, nuôi nấng, dậy dỗ các con như chính con ruột của mình.

Cũng như mẹ Hợi, gia đình số 13 mang tên “Hoa Thược Dược” của mẹ Ngô Thị Sự đã gắn với Làng trẻ SOS này từ khi mới thành lập. Năm nay, mẹ Sự 56 tuổi, mẹ từ xã Thạch Định (huyện Thạch Thành) về đây với bao nỗi niềm của một người con gái không có khả năng sinh nở.

Những ngày đầu mới về làng, bản thân mẹ Sự chưa một lần được “làm mẹ”, các kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con trẻ chủ yếu là học qua sách báo và tập huấn nên chưa có kinh nghiệm thực tế, mẹ con lại mới gặp nhau lần đầu nên mọi việc đều bỡ ngỡ, khó khăn. Mỗi đứa trẻ tự thu mình một góc, căn nhà không tiếng cười, chỉ có tiếng mẹ nói, gọi các con ra ăn cơm. Bữa ăn cũng không ai nói với ai câu nào, không khí nặng trĩu bao trùm căn nhà nhỏ. Nhưng bằng sự kiên trì cùng tình yêu thương chân thành của mình, dần dần các con của mẹ cũng mở lòng, mẹ con gần gũi, yêu thương nhau. Các anh chị em trong gia đình cũng gắn bó, chan hòa và đùm bọc nhau vượt qua gian khó cuộc đời. Trong ngôi nhà của mẹ lại đầy ắp tiếng trẻ đọc bài, tiếng cười đùa vui vẻ.

Mẹ Sự bảo: “Nhìn các con lớn khôn, trưởng thành tôi mừng lắm. Mỗi khi nghe các con chào mẹ, tôi lại thấy mình càng phải có trách nhiệm chăm sóc các con. Cái khó trong việc làm mẹ, làm dì là các con không chung huyết thống, mỗi đứa một tính nết, nên phải làm sao các con vâng lời, đoàn kết, thương yêu nhau”.

Tâm sự của mẹ Sự, mẹ Hợi... cũng chính là tâm sự của 18 người mẹ, người dì đang hàng ngày làm công việc tận hiến trong 14 gia đình ở Làng trẻ SOS này. Đó là 18 nỗi buồn riêng, mỗi người có một “nốt trầm” trong cuộc sống. Các mẹ đến đây bằng cả nhiệt huyết của trái tim, bằng tình yêu của một người phụ nữ luôn khát khao làm mẹ. Có lẽ, chính những khát khao cháy bỏng ấy luôn là động lực để các mẹ, các dì dành tình mẫu tử một cách vẹn nguyên cho những mảnh đời cô đơn, bất hạnh.

Ở ngôi làng đặc biệt này, bao nhiêu con người bấy nhiêu số phận, có những em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có những em còn mẹ hoặc cha nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên các em phải tạm xa gia đình... Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, khi các em đến đây đều tìm lại cho mình những niềm vui, thắp sáng cho các em những ước mơ, hoài bão, xoa dịu những mất mát, khổ đau của cuộc đời.

Nuôi một đứa trẻ đã khó, nhưng mỗi bà mẹ tại Làng trẻ em SOS phải nuôi đến chục đứa trẻ. Đó đều là những đứa trẻ bị tổn thương về tinh thần, thiếu đi sự thương yêu của gia đình nên tính cách rất đặc biệt... Khó có thể đong đếm hết được những vất vả khi chăm sóc cho những đứa trẻ này. Thế nhưng, nói về những tháng ngày tại Làng trẻ em SOS, các mẹ chỉ nói đến những đứa con, những niềm hạnh phúc khi chúng trưởng thành, thoát ly, có công việc và gia đình viên mãn.

Nhưng dù đi đâu, làm gì con của các mẹ đều coi Làng trẻ SOS là nhà của mình. Các mẹ, các dì như những người đã sinh ra họ lần thứ hai vậy. Cứ mỗi dịp lễ, tết, ngày nghỉ, trong từng căn nhà của làng lại rộn rã tiếng nói cười. Các con trai, gái, dâu, rể đều đưa cháu về thăm mẹ và các “con mới” của mẹ.

Để có một tình yêu thương trọn vẹn, một cuộc sống bền lâu, các mẹ đã phải trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió và cũng không ít những khó khăn, vất vả. Thế nhưng, mỗi khi nhìn nụ cười rạng rỡ trên môi từng con trẻ, cũng là lúc các mẹ cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ. Bằng trái tim ấm nóng của một người mẹ, họ sẽ là người bù đắp, xoa dịu những mất mát, thiệt thòi của các con. Tiếng “Mẹ” thân thương ấy chính là động lực để họ yên tâm tận hiến cả cuộc đời mình chăm từng miếng ăn, từng giấc ngủ cho đàn con thơ không phải do mình “mang nặng đẻ đau” nhưng gắn bó với mình còn hơn ruột thịt.

Bài và ảnh: Hoài Thu


Bài Và Ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]