(Baothanhhoa.vn) - Cùng có đặc điểm chung là sự cần cù, chịu khó, lòng nhiệt huyết và cả sự táo bạo, nhiều thanh niên nông thôn đã mạnh dạn làm nên cơ nghiệp, vừa làm giàu cho bản thân, vừa góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở quê hương mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người trẻ làm giàu trên quê hương

Cùng có đặc điểm chung là sự cần cù, chịu khó, lòng nhiệt huyết và cả sự táo bạo, nhiều thanh niên nông thôn đã mạnh dạn làm nên cơ nghiệp, vừa làm giàu cho bản thân, vừa góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở quê hương mình.

Người trẻ làm giàu trên quê hương

Đỗ Văn Thuận tất bật sản xuất những đơn hàng để kịp giao cho khách.

Làm giàu từ nghề làm nhôm kính

Từ sự giới thiệu của Huyện đoàn Thiệu Hóa, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất nhôm kính của Đỗ Văn Thuận, sinh năm 1991, thôn 2, thị trấn Thiệu Hóa. Cái nắng “cháy da, cháy thịt” khiến không khí trở nên ngột ngạt, vậy nhưng bước vào bên trong nhà xưởng, hình ảnh người thanh niên mảnh dẻ vẫn miệt mài làm việc bên chiếc máy cắt thanh nhôm. Đón chúng tôi bằng nụ cười cởi mở, Thuận nói: “Sau đợt nghỉ dài vì dịch bệnh COVID–19, thời điểm này cơ sở nhận được nhiều đơn hàng. Việc nhiều nhưng mấy ngày hôm nay thời tiết nắng nóng gay gắt nên tôi vẫn phải cho thợ đến xưởng muộn hơn ngày thường một tiếng rưỡi. Còn mình đành phải tranh thủ làm thêm cho kịp tiến độ để giao hàng cho khách”.

Nhớ lại con đường đến với nghề nhôm kính của một cựu sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Thuận tâm sự: Từ khi còn là sinh viên, Thuận đã xin làm thêm ở một xưởng sản xuất đồ nhôm kính để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhờ chịu khó học hỏi, chỉ sau thời gian ngắn, anh đã nắm chắc được các kỹ thuật hàn, cắt, đóng khung, tạo được nhiều hoa văn, mẫu cho các loại cửa, cổng, tường sắt, nhôm, kính... đảm bảo độ an toàn và tính thẩm mỹ cao. Năm 2012 là thời điểm ra trường nhưng không xin được việc theo đúng chuyên ngành, Thuận quyết định vẫn ở lại Hà Nội để làm nhôm kính. Sau khi đã có tay nghề vững, anh trở về quê xin bố mẹ cho mở cửa hàng sản xuất nhôm kính để kinh doanh.

Những ngày đầu khởi nghiệp, vốn đầu tư để mua sắm trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng là một khó khăn lớn đối với cậu trai trẻ và một gia đình thuần nông như nhà của Thuận. Huy động số tiền tiết kiệm tích góp từ nhiều năm cộng với vay mượn khắp nơi, bố mẹ Thuận đặt hết niềm tin vào con trai mình. Khâu tìm nguồn nhân lực và phát triển thị trường cũng là một cái khó đòi hỏi Thuận phải mất nhiều thời gian để ổn định. Việc tuyển người làm và đào tạo họ trở nên thạo việc có khi phải mất vài tháng đến 1 năm. Hơn nữa thời gian đầu, để giới thiệu cũng như thu hút và giữ chân khách hàng, anh luôn sẵn sàng làm “không công” cho anh em, bạn bè. Từ những đơn đặt hàng nhỏ, dần dần nhờ chất lượng và tính thẩm mỹ cao trên từng sản phẩm, giá cả lại hợp lý nên anh đã tạo được niềm tin cho khách hàng, mở rộng được thị trường ra nhiều địa phương trong tỉnh.

Khoe với chúng tôi về mấy đơn hàng lớn vừa nhận được từ những khách sạn ở TP Sầm Sơn, Thuận nói: Nghề này không chỉ đòi hỏi người sản xuất có tay nghề cao, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mà còn cần phải chịu khó tìm tòi, sáng tạo ra các mẫu sản phẩm mới hiện đại phù hợp với không gian, hướng của ngôi nhà để tư vấn cho khách. Để tạo ra một sản phẩm đẹp, người thợ phải yêu nghề, có tính kiên trì, cẩn thận trong từng công đoạn từ cắt khung, uốn, khoan, dập, mài đến đánh bóng sản phẩm và quan trọng nữa là giá cả phải hợp lý.

Hiện nay, lợi nhuận mỗi năm từ cơ sở sản xuất nhôm, kính của Thuận lên tới hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Khởi nghiệp thành công từ nghề truyền thống

Cũng là người con của mảnh đất Thiệu Hóa, là cựu sinh viên đại học nhưng Lê Đăng Thanh, sinh năm 1987, thôn Đắc Châu 2, xã Tân Châu lại có cách khởi nghiệp khác. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thể dục - Thể thao Hà Nội, Thanh về quê và tham gia vào công tác đoàn, làm Phó Bí thư Đoàn xã Thiệu Châu (cũ) kiêm trưởng thôn Châu Ngọc (nay là Đắc Châu 2). Gắn mình với các hoạt động đoàn đội, Thanh còn định hướng cho mình phải tìm được một lĩnh vực phù hợp để sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế cá nhân, từ đó lan tỏa khát vọng làm giàu cho các bạn trẻ tại địa phương.

Sinh ra ở làng nghề làm bánh đa, bánh đa nem truyền thống nổi tiếng, gia đình Thanh cũng có nhiều đời gắn bó với nghề, tuy nhiên nghề làm miến gạo lại đến với Thanh như một sự tình cờ. Trong một lần phụ giúp bố mẹ đi giao hàng bánh đa tại huyện Thọ Xuân, Thanh bị thu hút bởi mô hình sản xuất miến gạo của nhiều hộ gia đình nơi đây. Và rồi anh quyết định thử sức với nghề mới trong sự ngỡ ngàng của gia đình.

Đi đi lại lại đến các hộ làm nghề miến truyền thống để học hỏi cách làm, Thanh được nhiều người sẵn sàng truyền nghề, hướng dẫn cách thức sản xuất để sao cho năng suất cao mà chất lượng sợi miến cũng đảm bảo. Anh cho biết: Làm miến tuy không quá khó nhưng phải trải qua nhiều công đoạn như xay, ủ, ép, rửa, phơi miến. Khâu nào cũng quan trọng và quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Vì vậy mình phải cẩn thận từng khâu, gạo phải chọn gạo Q5 hoặc Khang Dân thì miến mới dai, quá trình ép mới không bị dính. Miến sau khi cắt sẽ được phơi tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời ở dàn cao để tránh bị bụi bẩn bám vào, sau đó đóng gói cẩn thận và đưa đi tiêu thụ nên khách hàng rất yên tâm sử dụng, không sợ miến để lâu bị hư hỏng.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo niềm tin cho khách hàng, Thanh luôn đặt chất lượng của sản phẩm lên hàng đầu và tăng cường việc quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau từ bán hàng qua mạng đến nhờ bạn bè, người thân giới thiệu. Với phương châm sản xuất “Chất lượng sản phẩm tạo uy tín lâu dài” nên anh luôn coi trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không dùng chất phụ gia, chất bảo quản. Vì thế sản phẩm của anh đã được nhiều người biết đến, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương mà còn cung cấp cho nhiều bếp ăn tập thể và cung ứng ra thị trường các tỉnh, thành ngoài như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Lâm Đồng...

Hiện nay, cơ sở miến gạo của Thanh mỗi ngày sản xuất khoảng 2,5 - 3 tạ gạo, có 2 - 3 lao động thường xuyên làm việc với tiền công 180.000 đồng/người/ngày. Mong muốn hình thành một ngành nghề kinh tế mới mẻ tại địa phương, anh sẵn sàng hướng dẫn cách làm cho những ai mong muốn học nghề để làm miến nhất là những lao động trẻ ở quê mình.

Đại diện Huyện đoàn Thiệu Hóa cho biết: Hiện nay có nhiều thanh niên trên địa bàn huyện rất năng động, chịu khó và sáng tạo trong cách làm. Không chỉ tham gia vào các lĩnh vực công nghệ, nhiều tri thức trẻ đã tìm về với các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp để phát huy khả năng của mình và thu được những thành công nhất định, tạo niềm tin cho nhiều người có thêm động lực để lao động và phát triển kinh tế.

Lê Yến



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]