(Baothanhhoa.vn) - Những “người thầy” trong Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, đóng trên địa bàn xã Hoàng Giang (Nông Cống) vẫn ngày đêm lặng lẽ, vượt lên mọi khó khăn giúp bao mảnh đời lầm lỡ, trót sa vào ma túy. Với họ, khi một học viên ra khỏi trung tâm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội đó chính là những bông hoa tri ân cho công việc thầm lặng của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người thầy “khâu, vá” những tâm hồn lạc lối

Những “người thầy” trong Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, đóng trên địa bàn xã Hoàng Giang (Nông Cống) vẫn ngày đêm lặng lẽ, vượt lên mọi khó khăn giúp bao mảnh đời lầm lỡ, trót sa vào ma túy. Với họ, khi một học viên ra khỏi trung tâm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội đó chính là những bông hoa tri ân cho công việc thầm lặng của mình.

Người thầy “khâu, vá” những tâm hồn lạc lốiHọc viên sau khi vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 được học tập từ nếp sống, sinh hoạt đến cách ăn nói, ứng xử.

Dạy đi đôi với dỗ

Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 được khép kín bằng tường rào cao quá đầu người. Đứng trước khung cửa khép kín, chúng tôi vẫn tưởng bên trong là một môi trường cải tạo, rèn luyện nghiêm khắc và người phải lao động cật lực là những học viên cải tạo. Thế nhưng, có vào đây mới biết chính những cán bộ cơ sở mới phải hoạt động hết mình, giáo dục học viên bằng cả tấm lòng. Trong môi trường ấy, những tiếng gọi thầy, cô vẫn vang lên nhưng chất nhiều nỗi niềm khó tỏ.

Dạo bước trong khuôn viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, không gian thoáng mát được đan xen hợp lý bởi đủ các sắc màu của vườn cây, ao cá. Đó là nhờ vào công sức chăm bón của tập thể cơ sở và các học viên, góp phần tạo nên vẻ tươi tốt, sức sống mạnh mẽ, xua đi mọi cảm giác âu lo, e ngại cho người mới đến lần đầu. Chiều muộn, một nhóm học viên nam rủ nhau ra chơi bóng chuyền, vài ba người nằm dài trên chiếc ghế đá nâng tạ, xa xa một nhóm khác cùng tranh nhau trái bóng tròn. Mỗi người lựa chọn môn thể thao riêng cho mình nhưng có một điểm chung là trên khuôn mặt ai cũng rất vui vẻ và thoải mái. Những nụ cười ấy nổi bật lên tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nghề của tập thể cán bộ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu - giám đốc Lê Chí Cường.

Theo lời ông Cường, mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, đặc biệt là còn thiếu nhân lực, song từ đầu năm đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 đã tiếp nhận 340 lượt người vào thực hiện cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, 319 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2019 vừa qua, với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực khắc phục khó khăn, những người thầy đặc biệt ở cơ sở đã giúp 375 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện bắt buộc, tái hòa nhập cộng đồng, có cơ hội để phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

“Những thành tích ấy đều nhờ vào sự đồng lòng, giúp đỡ của tất cả mọi người và sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo” – ông Cường khiêm tốn và tâm sự - “Gần 500 học viên cai nghiện tại trung tâm là ngần ấy mảnh đời sa ngã, trượt dài trong vòng xoáy của tệ nạn xã hội. Người nghiện thì ngày càng trẻ hóa, có em đang là học sinh, mới 16, 17 tuổi đã nghiện ma túy, thấy xót xa vô cùng. Việc quản lý cả trăm con người không còn lành lặn về thể chất lẫn tinh thần thực sự là một công việc khắc nghiệt đối với đội ngũ cán bộ nơi đây. Do vậy, người thầy ở đây cũng phải rất đặc biệt để giúp những học viên của mình sớm quên đi “cái chết trắng” đeo đẳng cuộc đời họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất cần sự chung tay của gia đình và cộng đồng xã hội để những người nghiện được tái hòa nhập cộng đồng, không tái nghiện mà làm khổ gia đình và gây mất an ninh cho xã hội”.

Đến hội trường cơ sở, từ bên ngoài hành lang chúng tôi đã nghe vang vang tiếng cán bộ giảng bài. Những bài học đạo đức cơ bản nhất của con người được các cán bộ tìm tòi, biên soạn thành những trang giáo án, như: lòng nhân ái, sự khoan dung, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, tình yêu lao động, gia đình và cả những bài học về hạnh phúc, về sự tự do. Đặc biệt hơn là những bài học bổ ích về kiến thức pháp luật, như: quy định của Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống HIV...

Với mỗi học viên, lựa chọn phương pháp nào để kiềm chế là cả một câu chuyện dài, đòi hỏi sự chuyên tâm, tấm lòng của người cán bộ. Nhiều trường hợp học viên vào đây luôn có hành vi chống đối, khi thì ngấm ngầm, khi thì trực diện. Với những trường hợp như vậy, cán bộ phải rất kỳ công. Với các trường hợp đặc biệt, giám đốc Cường luôn dành thời gian nhiều hơn để tìm hiểu, gặp gỡ. Ông chủ động bàn bạc với ban lãnh đạo xác định cách thức, biện pháp giáo dục học viên hiệu quả nhất. Bằng sự kiên trì, tỉ mỉ, với biện pháp nhẹ nhàng, tình cảm, hầu hết các trường hợp, ông đều thuyết phục được họ chấp hành. Mỗi lần như vậy, bài học rút ra từ những cách làm đã thành công lại được ông cho phổ biến trong toàn cơ quan. Tuy nhiên, theo ông thì bài học lớn nhất, luôn được cán bộ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 “nằm lòng”, đó là càng sâu sát, càng chân thành, càng nêu gương thì càng được học viên yêu quý, từ đó họ tự giác chấp hành và hiểu rõ hơn vì sao mình chọn con đường vào đây.

Mỗi học viên có một hoàn cảnh, quê quán khác nhau nhưng khi bộc lộ cảm xúc về những giáo viên tại cơ sở, họ đều có những điểm chung là tình cảm sâu sắc với những người thầy nơi này. Có những người thầy lớn tuổi được học viên gọi bằng “bố” một cách trìu mến.

Vỗ về những tâm hồn bị tổn thương

Có một thực tế là hầu hết những người nghiện đều là đối tượng lười lao động, không có việc làm, thích ăn chơi hưởng thụ. Cũng chính bởi vậy mà trong quá trình thực hiện cai nghiện bắt buộc, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 đã chủ động triển khai phác đồ lao động trị liệu. Giải pháp này mang lại khá nhiều lợi ích, giúp các học viên có thói quen lao động, đồng thời biết thêm các ngành nghề sau quá trình học tập để có thể lập nghiệp sau khi tái hòa nhập cộng động. Chưa hết, tại đây học viên còn được giáo dục từ việc đi ăn cơm như thế nào, ngồi ăn phải ra sao cho đúng quy định, không gây ảnh hưởng tới người xung quanh... Điều này tạo ra sự tỉ mỉ, ý thức trách nhiệm của mỗi người với bản thân và cộng đồng từ việc nhỏ nhất. “Rất nhiều học viên, trước khi vào đây, họ từng là những người “trải đời”, tất cả mánh khóe, họ còn thành thạo hơn mình. Chính vì vậy, chỉ có cách giáo dục họ, cảm hóa họ bằng chính trí tuệ và tấm lòng của mình. Bởi, dù nghiện ma túy nhưng họ cũng là con người và cần được đối xử bình đẳng. Ở ngoài có thể họ bị không ít người kỳ thị nhưng khi vào đây cai nghiện, chính giáo viên phải là người nhìn thấy được mặt tích cực của từng người. Từ đó để họ thấy rằng mình vẫn còn có những giá trị nhất định và được tôn trọng. Từ cảm giác được tôn trọng thì mình nói họ mới nghe và làm theo. Có lẽ vì thế mà tất cả các học viên tại đây đều tự giác gọi chúng tôi một tiếng “thầy” để thể hiện sự tôn trọng chính người đã đồng hành, giảng giải những bài học cho họ” – ông Đoàn Ngọc Loan, Trưởng Phòng Dạy nghề lao động sản xuất, chia sẻ.

Ý thức được vai trò của bản thân trong việc giáo dục các học viên, những người thầy tại đây luôn phải tự điều chỉnh mình, lấy bản thân làm gương cho các học viên noi theo. Lấy ví dụ một việc tưởng rất đơn giản như cấm hút thuốc. Trước tiên, muốn cấm học viên, cán bộ tại cơ sở phải gương mẫu không hút thuốc; hay chuyện cấm nói bậy, nói tục thì cán bộ cũng không được nói bậy, nói tục... Nói gọn lại, từ tác phong đến lời nói, cử chỉ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên luôn phải “chuẩn chỉnh”. “Tấm gương của cán bộ, nhân viên như thế nào thì kết quả giáo dục, rèn luyện học viên như thế. Mục tiêu của cơ sở là “trả về” gia đình, xã hội càng nhiều người lành lặn cả về mặt tinh thần và thể chất càng tốt. Đó là tâm nguyện của mỗi cán bộ, nhân viên ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 này”, ông Loan chia sẻ.

Nhiều năm gắn bó với người nghiện, ông Loan đúc kết một điều, để cai nghiện thành công, cần nhất là ổn định tư tưởng cho học viên. Ông phân tích: “Người nghiện ma túy dứt khỏi ma túy là hết sức khó khăn; thêm nữa, họ có tâm lý sợ đi cai nghiện. Chính suy nghĩ này khiến sự lệ thuộc vào ma túy của họ càng lúc càng lớn. Do vậy, đại đa số người nghiện ma túy không muốn đi cai nghiện. Thêm một nguyên nhân “tư tưởng” nữa là vấn đề gia đình, vợ con. Tỷ lệ ly hôn ở nhóm người nghiện khá cao. Vợ con thường không chấp nhận việc người nghiện phá phách, buông thả, thiếu trách nhiệm với gia đình. Bên cạnh đó, người nghiện thường không có khả năng tài chính, ở nhà thì nợ nần hoặc vướng vào pháp luật... mâu thuẫn dần tích tụ, bất hòa tăng lên, vòng luẩn quẩn đẩy họ ngày càng lún sâu vào ma túy. Biết được thực trạng như vậy, những người thầy ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 luôn xác định giải pháp đầu tiên là ổn định tư tưởng cho người nghiện để họ bình phục dần dần, rồi kết hợp với các giải pháp tiếp theo”.

Tình yêu và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 đã làm thay đổi số phận của không ít học viên. Chúng tôi đã được đọc những lá thư trút dòng tâm sự đến rơi cả nước mắt của các học viên. “Mẹ thân yêu! Con nhớ những ngày tháng đã qua, lúc con còn bên mẹ và gia đình. Con đã đi sai đường, lao vào chơi bời, ma túy. Con biết, những lúc con lên cơn, vật vã đi tìm ma túy, nước mắt mẹ lại rơi... Con thật sự xin lỗi mẹ, xin mẹ hãy thứ cho con! Sau những ngày tháng cai nghiện, con tự nhủ và hứa với bản thân sẽ từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Con vẫn sẽ là một đứa con ngoan của mẹ và gia đình, là một người công dân tốt...”. Những lá thư xúc động như thế có được đều nhờ những cán bộ nơi đây đánh thức nhân cách của họ, để họ có những dòng thư sám hối muộn màng được gieo thành con chữ nắn nót gửi người thân.

Để làm được điều đó, các cán bộ tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 phải đánh đổi rất nhiều. Hơn 20 năm, ông Loan chưa có được cái tết nào trọn vẹn với gia đình và hầu hết đội ngũ cán bộ ở cơ sở cũng như vậy. Đổi lại, họ nhận được sự tin yêu, mến phục từ các học viên và gia đình của họ. Ông Loan tự hào: “Tôi rất mừng mỗi khi gặp lại học viên của cơ sở khi họ trở về với cộng đồng và tìm được cho mình công việc cũng như niềm vui trong cuộc sống. Sau mỗi lần như thế, tôi lại thấy có thêm động lực để nhân lên niềm vui, xua tan nỗi khổ, niềm đau để cuộc sống này mãi thêm ý nghĩa! Chúng tôi tự nhủ sẽ cố gắng nhiều hơn mỗi ngày vì sự phát triển mạnh mẽ của ngành!”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]