(Baothanhhoa.vn) - Hơn 40 năm sống và gắn bó với Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh chùa và động Bạch Á (xã Nga Thiện Nga Sơn), bà Trần Thị Hoa chưa ngày nào thôi tận tậm với công việc. Chính sự tận tâm, trách nhiệm của mình, bà Hoa đã góp phần to lớn trong việc làm “hồi sinh” di tích chùa và động Bạch Á, đưa nó từ một phế tích trở thành địa chỉ sinh hoạt tâm linh, vãn cảnh nổi tiếng của xã Nga Thiện nói riêng và huyện Nga Sơn nói chung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người nặng lòng với di tích

Hơn 40 năm sống và gắn bó với Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh chùa và động Bạch Á (xã Nga Thiện Nga Sơn), bà Trần Thị Hoa chưa ngày nào thôi tận tậm với công việc. Chính sự tận tâm, trách nhiệm của mình, bà Hoa đã góp phần to lớn trong việc làm “hồi sinh” di tích chùa và động Bạch Á, đưa nó từ một phế tích trở thành địa chỉ sinh hoạt tâm linh, vãn cảnh nổi tiếng của xã Nga Thiện nói riêng và huyện Nga Sơn nói chung.

Người nặng lòng với di tích

Bà Trần Thị Hoa - Thủ từ chùa Bạch Á bên tấm bia đá cổ mới được trả lại về chùa sau nhiều năm thất lạc.

Giữa không gian bốn bề cây cối xanh mướt, tiếng chim hót râm ran, bà Hoa ngồi trầm tư nghĩ lại chặng đường hơn 40 năm tâm huyết phục dựng, tôn tạo, gìn giữ di tích chùa và động Bạch Á này. Cũng như lý lẽ nhà Phật vẫn thường dùng để lý giải cho nhiều việc diễn ra ở đời, tất cả đều xuất phát từ một chữ duyên. Bà Hoa là con gái của làng, thuở nhỏ vẫn theo bạn bè đi khắp các đường làng, ngõ xóm, không nhớ nổi đã bao nhiêu lần qua lại khu vực chùa và động Bạch Á. Tuy nhiên, bà Hoa cũng như những đứa trẻ trong làng khi ấy, chỉ đơn thuần biết về chùa và động vẻn vẹn trong một cái tên. Vừa tròn 20 tuổi, bà Hoa “phát tâm”. Mỗi lần đi qua động Bạch Á, bà cứ nghĩ mãi: “Chùa thiêng mà sao nỡ bỏ hoang”. Trăn trở trong lòng, bà Hoa bắt đầu sắm lễ lên chùa từ đó.

Động Bạch Á xưa kia là một nơi có cảnh quan thiên nhiên hữu tình, hội sơn tụ thuỷ, thường được chọn làm nơi vãn cảnh đề thơ của vua chúa và các bậc tao nhân mặc khách. Trong động có ngôi chùa cổ linh thiêng mang đậm những nét đặc sắc của kiến trúc Phật giáo cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỉ XV. Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm, biến cố, chùa và động Bạch Á không còn giữ được vẻ đẹp như xưa. Bà Hoa cho biết: “Những ngày đầu bà đội lễ lên chùa Bạch Á, cảnh chùa hoang tàn, đổ nát, không còn có thể nhận ra diện mạo đúng nghĩa của một ngôi chùa”. Lễ sắm sửa dâng lên không có chỗ mà bày biện, bà Hoa tự tay đắp địa - mẫu lên thờ. Bà cất công ra chùa Phát Diệm (Ninh Bình) đặt làm một pho tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay về đặt trong chùa. Cả quãng đường bà chỉ lóc cóc với chiếc xe đạp cũ kỹ và vài đồng dắt lưng từ công việc làm thuê làm mướn. Bà Hoa cứ đạp cật lực đến bao giờ mệt quá lại dựng xe nghỉ lại ven đường, rồi tiếp tục hành trình. Bà bảo: “Chẳng hiểu tôi lấy đâu ra sức khoẻ, nghị lực mà hăng say, mê mải như thế”. Có những thời điểm, một mình bà Hoa vác từng bao xi măng, xách từng xô nước đánh hồ xây ban thờ. Nền động xưa trũng nước, đi lại vất vả vì bùn lầy, bà Hoa kiên trì gánh từng gánh đất đắp nền, tôn tạo dần. Từng nắm đất, từng viên gạch trong chùa đâu đâu cũng in đậm dấu tay và những giọt mồ hôi của bà Hoa.

Người nặng lòng với di tích

Vẻ đẹp hoang sơ, kì bí của động Bạch Á.

Phục dựng, tôn tạo lại chùa đã là hành trình vất vả, khó nhọc nhưng để có thể gìn giữ được diện mạo của chùa cho đến ngày hôm nay lại là cả một quá trình gian nan hơn rất nhiều. Bà Hoa kể, để tiện cho việc trông nom, hương khói cho nhà chùa, vào các buổi trưa hay buổi tối, bà thường nghỉ lại chùa. Vì chùa nằm trong lòng động, bao bọc xung quanh là rừng cây um tùm nên các loài vật trên rừng thường bò xuống động. Có lần, bà Hoa trải chiếu nằm nghỉ trưa ngay gần cửa động bỗng một con trăn to, dài ước chừng 30-40kg đu mình xuống dưới. Thoáng rùng mình sợ hãi nhưng thấy con trăn không có hung dữ hay cố gắng tiếp cận mình nên bà thắp một nén nhang, tự trấn tĩnh bản thân. Đó không phải lần duy nhất bà Hoa nhìn thấy loài trăn to, dài như thế xuất hiện trong động. Tuy nhiên, đối với bà Hoa, các loài động vật nhìn có vẻ đáng sợ như trăn, rắn cũng không khiến bà lo lắng, sợ hãi bằng việc thường xuyên phải đối mặt với những tên trộm lợi dụng các lỗ hổng, ngóc ngách trong động lẻn vào chùa lấy cắp đồ thờ tự, lễ, tượng cổ, rồng đá… Nhiều khi bà biết cũng phải bấm bụng làm ngơ bởi thân cô thế cô giữa lòng động mênh mông, ai có thể ngờ được điều gì sẽ xảy ra nếu bà lên tiếng đánh động những đối tượng “đầu trộm đuôi cướp” ấy. Có thời điểm, một vài người dân do nhận thức không đúng đã lên chùa đập vỡ tượng để lấy đá nấu vôi mặc cho bà Hoa giải thích, can ngăn.

Người nặng lòng với di tích

Hệ thống rồng chầu hai bên đường dẫn lên động và chùa Bạch Á có giá trị văn hoá - lịch sử rất lớn nhưng tiếc rằng đã bị gãy, đổ và kẻ gian lấy cắp nên không còn giữ được nguyên vẹn đến nay

Chừng ấy khó khăn, sóng gió với muôn vàn vất vả cũng không làm bà Hoa nản chí. Bà vẫn cứ mải mê với công việc. Chính quyết tâm của bà Hoa đã tạo nên sức lan toả, hiệu ứng tới nhiều người. Qua thời gian, con em trong làng, xã cùng du khách thập phương khi đến vãn cảnh chùa, cảm động trước tấm lòng người thủ từ mà phát tâm cung tiến, để động và chùa Bạch Á có được diện mạo như ngày hôm nay. Bà Hoa đã không còn phải đơn độc một mình trên hành trình phục dựng, tôn tạo, gìn giữ di tích. Được sự ghi nhận, đồng hành của chính quyền địa phương và sự tin tưởng, yêu mến của bà con nhân dân, năm 1990, bà Hoa được giao đảm nhận công việc thủ từ chùa Bạch Á cho đến tận bây giờ. Từ 1, 2 người ban đầu, hiện nay, bà Hoa đã xây dựng được bản hội khoảng 200 người thường xuyên sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa và có nhiều hoạt động văn hoá – văn nghệ sôi nổi. Bản hội của bà Hoa thường xuyên được lựa chọn là đội tết lễ cho lễ hội Mai An Tiêm.

Người nặng lòng với di tích

Từ một phế tích hoang tàn, trải qua bao nhiêu năm tâm huyết tu bổ, tôn tạo của bà Hoa cùng với sự cung tiến của du khách thập phương, chùa Bạch Á ngày càng khang trang hơn rất nhiều.

Không nhận công về mình, bà Hoa tâm sự: “Những việc tôi làm đều xuất phát từ cái tâm của tôi với nhà Phật và lòng yêu mến những giá trị văn hoá – lịch sử của quê hương”. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi lúc này là di tích chùa và động Bạch Á tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư tôn tạo, tu bổ để ngày càng khang trang hơn. Có như vậy mới thực sự xứng đáng với các giá trị cảnh quan, văn hoá – lịch sử của di tích này.

Thảo Nguyên


Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]