(Baothanhhoa.vn) - Mạnh dạn trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm cùng sự hỗ trợ từ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều cựu chiến binh (CCB) huyện Thiệu Hóa đã vượt lên khó khăn, trở thành những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hội Cựu chiến binh Thiệu Hóa đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

Mạnh dạn trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm cùng sự hỗ trợ từ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều cựu chiến binh (CCB) huyện Thiệu Hóa đã vượt lên khó khăn, trở thành những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh.

Hội Cựu chiến binh Thiệu Hóa đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tếMô hình nuôi ếch giống của cựu chiến binh Hoàng Văn Tương, xã Thiệu Long cho hiệu quả cao.

Thăm mô hình kinh tế tổng hợp của CCB Hoàng Văn Tương, xã Thiệu Long, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí của người CCB như ông. Trước đây, khu đất rộng của gia đình CCB Hoàng Văn Tương chỉ là một cái ao kém hiệu quả. Năm 2017, khi được Hội CCB huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, CCB Hoàng Văn Tương bắt tay vào làm kinh tế. Vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, với công sức, đôi bàn tay lao động bền bỉ cùng nguồn vốn vay từ hội CCB, vốn tự có của gia đình, CCB Hoàng Văn Tương đã biến khu đất kém hiệu quả thành vườn bưởi, vườn thanh long trĩu quả, ao đầy cá, phía trên ao là những khu nuôi ếch nối tiếp nhau với hàng chục vạn con ếch giống. Theo tính toán của ông Tương, 2 năm trở lại đây, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông mang lại lợi nhuận hơn 120 triệu đồng/năm. Chia sẻ về nguồn vốn vay từ hội CCB, ông Tương cho biết: “Nguồn vốn vay của hội CCB là động lực chính thôi thúc tôi mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế và có được hiệu quả như hôm nay. Không chỉ riêng tôi mà nhiều hội viên khác trong huyện cũng có của ăn của để khi sử dụng hiệu quả nguồn vốn được vay của Hội CCB huyện”.

Thực hiện chương trình công tác trọng tâm về “CCB đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống hội viên”, Hội CCB huyện Thiệu Hóa đã thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng đời sống của hội viên, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua và xây dựng tiêu chí phấn đấu ở mỗi đơn vị cơ sở, chi hội và gia đình hội viên. Hằng năm, Hội CCB huyện, hội CCB các xã, thị trấn phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tập huấn nâng cao kiến thức về phát triển kinh tế; hướng dẫn hội viên đưa cây giống, con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi; tổ chức cho hội viên đi thăm quan các mô hình tiêu biểu và tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến được biểu dương. Qua đó, phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế được đẩy mạnh, khơi dậy tình đồng chí, đồng đội, tinh thần đoàn kết và ý chí nỗ lực vượt khó vươn lên trong mỗi cán bộ, hội viên.

Thiệu Hóa là một trong những huyện có nhiều CCB làm kinh tế giỏi, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Hầu hết CCB trong huyện được vay vốn đều đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả. Hiện nay, Hội CCB huyện đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội 30 tỷ đồng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Cùng với nguồn quỹ nội bộ của Hội CCB huyện hơn 8 tỷ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác gần 6 tỷ đồng, vốn vay quỹ quốc gia về việc làm (vốn 120)..., đã giúp cho hàng nghìn hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay với lãi suất thấp. Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, cán bộ, hội viên CCB các cấp đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay trong phát triển kinh tế để tuyên truyền và nhân rộng. Kiểm tra, đánh giá việc sử dụng nguồn vốn vay của hội viên, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh nên hầu hết hội viên đều sử dụng đúng mục đích và hoàn trả gốc đúng định kỳ. Hội CCB huyện cũng thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tập huấn nâng cao kiến thức về vay vốn cho cán bộ và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn; hội CCB các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ số hộ, số đối tượng được vay và mục đích sử dụng vốn vay. Vì thế, chất lượng nguồn vốn vay luôn bảo đảm, không có nợ quá hạn. Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều CCB đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu; số hội viên nghèo của huyện giảm từ 3,8% năm 2014 xuống còn 1,4% năm 2019, số hội viên khá, giàu tăng từ 45% năm 2014 lên 61% năm 2019.

Từ những việc làm cụ thể của tổ chức hội cùng tinh thần vượt khó vươn lên của cán bộ, hội viên đã tạo nên nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhiều hội viên đã trở thành chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Tiêu biểu như mô hình mây tre đan xuất khẩu của CCB Phạm Thị Mỳ, xã Thiệu Long cho doanh thu cao, tạo việc làm cho nhiều hội viên, con em CCB và lao động địa phương; mô hình nuôi cá bột của CCB Trần Văn Thành, xã Minh Tâm đã hỗ trợ cho CCB trong huyện gần 100 vạn cá giống; mô hình kinh tế tổng hợp của CCB Trần Đức Hậu, xã Thiệu Phúc cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm... Hiện nay, toàn huyện có 47 trang trại, 167 gia trại và 158 cơ sở kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 11 doanh nghiệp của CCB tham gia Hội Doanh nghiệp CCB - cựu quân nhân tỉnh Thanh Hóa.

Phát huy vai trò “cầu nối” trong việc đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với hội viên, các cấp hội CCB huyện Thiệu Hóa tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đồng hành, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]