(Baothanhhoa.vn) - Chấp nhận yêu và làm vợ thương binh là phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng nhiều phụ nữ vẫn quyết tâm dựng xây mái ấm với họ. Bằng tấm lòng, tình yêu thương, các chị lặng lẽ sống, chăm sóc chồng, con, nhất là mỗi khi trái gió, trở trời vết thương tái phát, những người phụ nữ ấy đã luôn ở bên ân cần, chăm sóc, tiếp thêm nghị lực để các anh vượt lên chiến thắng thương tật.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hậu phương của những thương, bệnh binh nặng

Chấp nhận yêu và làm vợ thương binh là phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng nhiều phụ nữ vẫn quyết tâm dựng xây mái ấm với họ. Bằng tấm lòng, tình yêu thương, các chị lặng lẽ sống, chăm sóc chồng, con, nhất là mỗi khi trái gió, trở trời vết thương tái phát, những người phụ nữ ấy đã luôn ở bên ân cần, chăm sóc, tiếp thêm nghị lực để các anh vượt lên chiến thắng thương tật.

Hậu phương của những thương, bệnh binh nặngGần 40 năm qua bác Nguyễn Thị Trần luôn ở bên chăm lo cho thương binh loại 1 Đới Thanh Cầu từng miếng ăn, giấc ngủ.

Đó là chị Dương Thị Hạnh, ở tiểu khu 2, thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa). Với giọng buồn nhưng rắn rỏi, chị Hạnh trải lòng cho chúng tôi nghe về chuyện tình của mình với anh thương binh 1/4 Ngọ Duy Khanh. Qua giới thiệu của anh trai, chị và anh Khanh đã thư từ qua lại suốt 3 năm nhưng chưa một lần gặp mặt. Đến năm 1981 đi thăm anh trai ở Bệnh xá Đoàn an dưỡng 585 Tây Hồ Thọ Xuân thì chị gặp anh Khanh với vẻ xanh xao, gầy yếu. Lúc đó trong chị trào lên tình thương, sự cảm động, sau vài lần trò chuyện chị càng hiểu anh hơn và quyết định lấy anh. Sau ngày cưới, cuộc sống vợ chồng tuy vất vả nhưng luôn tràn ngập tiếng cười, niềm hạnh phúc, nhất là khi 2 đứa con lần lượt ra đời. Niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi di chứng chiến tranh tái phát nặng, toàn bộ nửa dưới cơ thể của anh dần bất động, không còn cảm giác. Những cơn đau theo đó cũng ngày càng dày hơn, kèm theo là những tiếng la hét vì đau đớn. Việc thường xuyên phải điều trị tại các bệnh viện cũng nhiều hơn. Mọi sinh hoạt cá nhân của anh từ thay đồ, tắm rửa cho đến đút từng thìa cơm, cháo đều do chị thực hiện. Cứ thế, mỗi cơn đau của chồng là một lần lòng chị quặn thắt bởi không san sẻ được cái đau với chồng, chị lại càng thương anh và càng cần mẫn, chịu khó chăm sóc anh hơn không kể ngày đêm hay sớm tối, thường xuyên xoa bóp cho anh, đỡ các tư thế nghiêng, ngửa để đánh thức các dây thần kinh và cho các mạch máu lưu thông. Suốt mấy chục năm ròng chị Hạnh vừa làm ruộng, vừa làm nem, bán hàng, cóp nhặt từng đồng nuôi chồng, nuôi con nhưng hàng xóm chưa một lần nghe chị to tiếng hay kêu ca, phàn nàn gì.

Với bác Đặng Thị Long ở xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), dù đã bước sang tuổi 70 nhưng khi nói về cơ duyên chồng vợ với bệnh binh 2/3 Lê Bá Hiền, bác Long vẫn nhớ nguyên vẹn về mối tình đẹp nhưng cũng không ít trắc trở cho đến khi đám cưới diễn ra. Bác Long cho hay: Khi quyết định đi đến hôn nhân, bạn bè, người thân của bác đều không tán thành, ủng hộ bởi họ lo bác không đảm đương được trọng trách là trụ cột trong gia đình. Vừa chăm sóc chồng những lúc vết thương tái phát, vừa nuôi nấng, dạy dỗ con cái, rồi chuyện cơm áo gạo tiền... nhưng bác vẫn quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với bác Hiền. Biết không thể ngăn cản được, bố mẹ bác đã đồng ý và một đám cưới được diễn ra đơn giản, gọn nhẹ trong sự chứng kiến của họ hàng 2 bên.

Tuy nhiên, theo thời gian vết thương cũ tái phát, nhiễm trùng dẫn đến phải cắt bỏ hoàn toàn đôi chân, rồi các bệnh dò tủy, viêm gan, viêm tụy, dạ dày xuất hiện, hành hạ khiến bác trai nhiều đêm không thể chợp mắt, sức khỏe ngày càng sa sút nghiêm trọng. Những lúc như vậy bác Long luôn ở cạnh, thức trắng đêm cùng chồng để lo chăm sóc. Trong suốt 49 năm gắn bó tình nghĩa vợ chồng, bác Long không chỉ là người vợ hết lòng thương yêu chăm sóc chồng những lúc ốm đau mà còn là người vợ, người mẹ đảm. Mọi việc trong nhà đều do một tay bác lo toan. Sự cống hiến, đức hy sinh vì chồng, vì con rồi cũng được đền đáp. Dẫu bác trai đã đi xa sang thế giới bên kia, song 3 người con của 2 bác đều có việc làm ổn định. Cháu đầu là sĩ quan quân đội, cháu thứ 2 là giáo viên và cháu út sau khi tốt nghiệp 2 trường đại học đã mở công ty riêng.

Là một trong bốn gương mặt tiêu biểu vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tôn vinh trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng thương, bệnh binh, bác Nguyễn Thị Trần ở xã Quảng Hải (Quảng Xương), vợ thương binh loại 1, mất 81% sức khỏe Đới Văn Cầu đã phải luôn cố gắng gồng mình vượt qua mọi khó khăn, vừa lao động, vừa chăm sóc chồng, nuôi dạy các con ăn học. Nhớ về những năm tháng khó khăn nhất, bác Trần chia sẻ: Trước đây gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn, chồng thì sức khỏe yếu, luôn phải có người bên cạnh để giúp đỡ trong sinh hoạt, 4 đứa con còn nhỏ. Trong chuỗi ngày cực khổ ấy, tôi vừa là người y tá hết lòng chăm sóc, phục vụ, vừa là người tiếp sức cho ông ấy vượt qua bệnh tật. Nhất là khi 4 đứa con lần lượt ra đời, mọi công việc đều do một mình tôi gánh vác, lo toan. Việc thức trắng đêm lo cho sức khỏe của chồng, chăm bẵm con nhỏ diễn ra thường xuyên, rồi ngày lại tất tả lo chuyện cơm áo...

Để có được tổ ấm gia đình hạnh phúc, con cái có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay, bác Trần đã phải trải qua biết bao gian nan, vất vả, đúng như những lời bà con làng xóm khen ngợi: Tất cả đều nhờ vào đức hy sinh, sự khéo léo vun vén của bà Trần, một người vợ hiền, thùy mị, đảm đang, hết lòng vì chồng con. Bận rộn, vất vả là thế, song bà vẫn tích cực tham gia sinh hoạt phụ nữ và các phong trào của hội, của thôn, xã, tích cực đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn...

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]