(Baothanhhoa.vn) - Dù đã được phục hồi quyền công dân, nhưng những người lầm lỗi vẫn mang tâm lý mặc cảm, tự ti nên việc tái hòa nhập cộng đồng gặp không ít khó khăn. Để tháo bỏ “rào cản” này, Thành ủy TP Thanh Hóa đã triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục và tạo việc làm cho người được phục hồi quyền công dân” giai đoạn 2016-2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giúp người lầm lỗi hoàn lương

Dù đã được phục hồi quyền công dân, nhưng những người lầm lỗi vẫn mang tâm lý mặc cảm, tự ti nên việc tái hòa nhập cộng đồng gặp không ít khó khăn. Để tháo bỏ “rào cản” này, Thành ủy TP Thanh Hóa đã triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục và tạo việc làm cho người được phục hồi quyền công dân” giai đoạn 2016-2020.

Được Hội Cựu chiến binh phường giúp đỡ, anh Lê Ngọc Hoàng, phường Trường Thi vươn lên phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.

Thực hiện đề án, 4 phường được lựa chọn làm điểm là Tân Sơn, Đông Sơn, Đông Hương và Lam Sơn đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, ý nghĩa. Tại phường Đông Sơn, mô hình “Tổ tự quản vì bình yên cuộc sống” đã được thành lập vào tháng 6-2017. Triển khai mô hình, công an phường đã phối hợp với các phố khảo sát, lựa chọn những người được phục hồi quyền công dân tham gia, ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức họp, tuyên truyền để các thành viên trong tổ hiểu mục đích, ý nghĩa, tự giác chấp hành các quy định khi tham gia mô hình. Đặc biệt, để giúp các đối tượng có việc làm, có thu nhập phục vụ cuộc sống của bản thân, 6 thành viên “Tổ tự quản vì bình yên cuộc sống” đã được vay 160 triệu đồng để phát triển kinh tế. Sau khi vay vốn, các thành viên đã đầu tư phát triển chăn nuôi, mua máy làm đậu phụ hoặc góp vốn cùng gia đình phát triển kinh doanh. Hiệu quả bước đầu từ mô hình khá tích cực. Đến nay, tất cả các thành viên đều tu chí làm ăn, trả lãi và gốc hàng tháng đúng định kỳ. Không chỉ phát triển kinh tế, các thành viên còn tham gia bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương về hoạt động của tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác để kịp thời xử lý. Ngoài theo dõi, quản lý, giúp đỡ, Công an phường Đông Sơn còn phối hợp với các phố đẩy mạnh tuyên truyền, xóa bỏ sự kỳ thị đối với những người được phục hồi quyền công dân, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng và không phạm tội trở lại; bảo lãnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn phường tham gia hướng nghiệp, dạy nghề, tiếp nhận người được phục hồi quyền công dân vào làm việc. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả của đề án.

Tại phường Đông Hương, tháng 10-2016 mô hình “Tổ tự quản giúp nhau vượt khó” được thành lập với 10 thành viên tham gia. Họ là những người từng có quá khứ lầm lỗi, có hoàn cảnh khó khăn viết đơn tự nguyện tham gia với quyết tâm làm lại cuộc đời. Công việc chính của các thành viên là dọn cỏ, vớt rác ở lòng sông và khơi thông dòng chảy trên sông Vinh, đoạn từ cầu Cốc đến Âu Thuyền. Ngoài dọn vệ sinh, các thành viên còn tuyên truyền để các hộ dân dọc hai bên bờ sông chấp hành tốt các quy định về vệ sinh môi trường, phát hiện những trường hợp đổ rác thải xuống lòng sông, bờ sông để báo cáo cho lực lượng chức năng của phường xử lý. Từ khi tham gia “Tổ tự quản giúp nhau vượt khó”, các thành viên đều làm việc có trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, sự điều hành của chính quyền địa phương, vì vậy nguy cơ tái phạm được ngăn ngừa. Trên địa bàn phường hiện còn nhiều người sau khi phục hồi quyền công dân mong muốn được tạo việc làm, có thu nhập nuôi sống bản thân. Trong thời gian tới, phường Đông Hương sẽ đa dạng hóa các mô hình để có nhiều hơn nữa những người lầm lỗi được giúp đỡ, vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài 4 phường được lựa chọn thực hiện điểm, các ngành, đoàn thể cũng triển khai nhiều việc làm thiết thực. Đoàn thanh niên thành lập câu lạc bộ thanh niên dọn vệ sinh môi trường và thành lập tổ xe ôm tạo việc làm cho 10 thanh niên hoàn lương; HTX dịch vụ môi trường Tân Sơn nhận và tạo việc làm cho 2 thành viên... Đóng vai trò quan trọng trong thực hiện, Hội Cựu chiến binh TP Thanh Hóa đã thành lập mô hình “Cựu chiến binh tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người được phục hồi quyền công dân”. Xác định, đây là công việc không hề đơn giản bởi hầu hết họ đều mặc cảm, tự ti trước sự phân biệt, kỳ thị, đối xử của xã hội. Thế nhưng, bằng tâm huyết và trách nhiệm, cán bộ, hội viên cựu chiến binh các xã, phường đã khắc phục mọi trở ngại để hoàn thành công việc. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, lấy tuyên truyền thuyết phục là chính, nhiều tổ cựu chiến binh đã không quản ngày đêm chủ động tiếp cận với người lầm lỗi, gần gũi, động viên, giúp họ nhận thức được vi phạm của mình để vươn lên làm chủ bản thân. Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, nhiều người lầm lỗi được giúp đỡ đã xóa bỏ tự ti, mặc cảm; số người uống methadone cai nghiện tăng lên; số người có việc làm, thu nhập ổn định ngày càng nhiều.

Sau 2 năm thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục và tạo việc làm cho người được phục hồi quyền công dân” đã nhận được sự đồng tình cao của các tầng lớp nhân dân. Để đề án mang lại hiệu quả thiết thực, trong thời gian tới, ngoài duy trì, nhân rộng các mô hình đã có, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục đa dạng hóa các mô hình, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành thì vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Các gia đình cần quan tâm, động viên để con em mình không sống cách biệt và không tái phạm trở lại.


Bài và ảnh: Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]